Mâm tiệc sáu món bắt vị, có tráng miệng thạch rau câu trong suốt

Chọn những thực phẩm quen thuộc trong bữa cơm gia đình Việt như thịt tôm, bò, cá, đầu bếp chế biến thành mâm tiệc với đa dạng phong cách nấu.

Theo đó, mâm tiệc gồm có món khai vị là chạo tôm và gỏi bò bóp thấu. Tiếp đến là những món chính như cá lóc quay ăn kèm bánh hỏi, tôm ủ muối và lẩu sườn bò. Cuối cùng là phần rau câu tráng miệng thạch trong suốt.

Chạo tôm: Xuất hiện trong nhiều mâm tiệc ở phần khai vị, chạo tôm mang đến cho thực khách vị ngọt từ mía, vị thanh và giòn sần sật từ chạo tôm. Chạo tôm là hỗn hợp gồm thịt tôm, thịt nạc heo, mỡ, gia vị nêm nếm và hành, tỏi. Tất cả được xay nhuyễn và tạo hình khối bọc quanh cây mía. Cuối cùng, đem chạo tôm chiên giòn hoặc nướng chín. Món này có thể ăn không cùng tương ớt hoặc kèm bánh hỏi, rau sống, nước mắm chua ngọt.

Gỏi bò bóp thấu: Gỏi bò bóp thấu là món ăn dân dã, tạo điểm nhấn bởi từng thớ thịt bò thanh ngọt, hòa chung cùng một số loại rau. Kết nối tất cả thực phẩm lại với nhau là phần nước mắm chua ngọt trộn gỏi. Để gia vị thấm đều món ăn, người nấu dùng tay bóp đều thịt và rau củ. Thế nên, món ăn có tên gọi bóp thấu bởi do cách chế biến này.

Cá lóc quay dùng kèm bánh hỏi: Chọn những con cá lóc đồng tươi sống, người nấu đem thui rơm chúng cho đến chín. Tại các nhà hàng, họ có thể dùng lò quay làm chín thịt cá. Một phần cá lóc quay kèm thêm bánh hỏi, rau sống và nước mắm chua ngọt. Cách thưởng thức thường gặp là dùng đũa gắp phần thịt cá ưng ý, cho lên bánh tráng, thêm bánh hỏi, rau và cuốn chặt tay rồi chấm mắm.

Tôm ủ muối: Tôm ủ muối là món ăn mới lạ bởi người nấu làm chín thịt tôm bằng cách dùng nhiệt hấp chúng. Trước khi làm điều này, tôm được áo lớp muối hoặc trải thịt tôm nguyên con lên trên lớp muối và nấu kiểu món gà nổ muối. Khi thưởng thức, thực khách lột bỏ vỏ tôm, cảm nhận vị thanh của tôm hòa chút mằn mặn từ muối thấm vào.

Lẩu sườn bò: Ngoài sườn bò chủ đạo, phần nước dùng lẩu sườn bò tùy thuộc vào mỗi nhà hàng. Có nơi phục vụ nước lẩu truyền thống hầm từ xương bò, hành tây; có nơi phục vụ nước lẩu như xuyên tiêu, lẩu nấm, lẩu trường thọ… Rau nhúng kèm theo đó cũng có sự thay đổi để phù hợp món ăn.

Cuối cùng, phần tráng miệng rau câu thạch trong suốt giúp thực khách kết thúc bữa tiệc trong dư vị đong đầy. Một phần nước ngọt vừa kích thích vị giác vừa dễ tiêu hóa trong suốt bữa ăn.

Theo buatiecgiadinh, monanngon, nauanmoingay

Gia Hân

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/mam-tiec-sau-mon-bat-vi-co-trang-mieng-thach-rau-cau-trong-suot/