Màn 'bốc đầu' kiểu Boeing Dreamliner của cổ phiếu HVN

9 năm sau màn cất cánh theo phương gần như thẳng đứng của máy bay Boeing 787-9 Dreamliner, cổ phiếu HVN cũng vừa có màn 'cất cánh' tương tự, đưa thị giá về lại vùng giá trước đại dịch.

Cất cánh theo phương thẳng đứng

Cách đây 9 năm, một đoạn phim ghi lại màn cất cánh ngoạn mục của máy bay Boeing 787-9 Dreamliner được trình chiếu đã gây ấn tượng mạnh mẽ với người dân Việt Nam, không chỉ bởi vì máy bay dân dụng này cất cánh theo phương gần như thẳng đứng mà còn bởi toàn bộ máy bay được sơn với nhận diện thương hiệu của hãng hàng không Vietnam Airlines.

Được biết, đây là buổi diễn tập cho triển lãm hàng không quốc tế Paris 2015 (Paris Air Show). Không lâu sau đó, vào ngày 6/7/2015, tại Washington (Mỹ), Vietnam Airlines và Boeing đã tổ chức Lễ chào mừng chiếc máy bay Boeing 787-9 Dreamliner tại sân bay quốc gia Ronald Reagan (Washington, Mỹ), đưa Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương tiếp nhận và khai thác loại máy bay hiện đại thế hệ mới Boeing 787-9 Dreamliner.

9 năm sau, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines cũng vừa có màn “cất cánh” giống như Boeing 787-9 Dreamliner khi tăng gần như theo phương thẳng đứng. Thống kê cho thấy kể từ ngày 28/3/2024 đến ngày 31/5/2024, cổ phiếu HVN đã tăng từ 13.350 đồng/cổ phiếu lên 27.800 đồng/cổ phiếu, tức là tăng hơn gấp đôi chỉ trong vòng hơn 2 tháng.

Điều đáng nói là màn tăng giá ngoạn mục này đã đưa giá cổ phiếu HVN về lại vùng giá trước đại dịch Covid-19. Yếu tố nào đã trở thành “động cơ phản lực” đưa cổ phiếu HVN tăng mạnh như vậy và liệu rằng, màn tăng giá này có “lố”?

Diễn biến giá cổ phiếu HVN. Nguồn đồ thị: Tradingview

Diễn biến giá cổ phiếu HVN. Nguồn đồ thị: Tradingview

So sánh giai đoạn quý I/2018 - quý IV/2019 (thời kỳ cổ phiếu HVN dao động quanh mức giá hiện tại) với quý I/2024, có thể thấy mặc dù năng lực tài chính của Vietnam Airlines tính đến hết quý I/2024 vẫn còn kém xa giai đoạn quý I/2018 - quý IV/2019 nhưng kết quả kinh doanh lại tỏ ra vượt trội đầy bất ngờ.

Cụ thể, sau thời gian dài ngụp lặn trong thua lỗ kể từ khi bùng phát dịch Covid-19, đến quý I/2024, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần lên đến gần 28.000 tỷ đồng, cao hơn tất cả các quý trong giai đoạn quý I/2018 - quý IV/2019 vốn dao động trong khoảng 18.500 - 25.600 tỷ đồng.

Tương tự, lợi nhuận gộp của hãng hàng không này trong quý đầu năm nay cũng vượt trội, đạt 4.085 tỷ đồng. Đây là chỉ tiêu quan trọng cho thấy sự đột phá thực sự trong hoạt động kinh doanh cốt lõi của Vietnam Airlines. Ở giai đoạn so sánh trước đó, chỉ có quý I/2019, lợi nhuận gộp của hãng hàng không này đạt trên 4.000 tỷ đồng nhưng vẫn thấp hơn quý I/2024, các quý còn lại dao động từ 1.400 - 3.700 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh cốt lõi đột phá, cộng với nguồn thu nhập đột biến phát sinh từ việc xóa nợ theo thỏa thuận, khiến lợi nhuận sau thuế của Vietnam Airlines lên đến trên 4.400 tỷ đồng trong quý I/2024, vượt trội hoàn toàn so với giai đoạn so sánh trước đó vốn dĩ chỉ đạt tối đa 1.212 tỷ đồng (trong quý I/2019) và tối thiểu chỉ đạt vỏn vẹn 4 tỷ đồng (trong quý IV/2019).

Xét về năng lực tài chính, Vietnam Airlines vẫn ở trong tình trạng âm vốn chủ sở hữu (âm 12.556 tỷ đồng tính đến cuối quý I/2024), trong khi giai đoạn so sánh trước đó ở mức khoảng 16.900 - 19.900 tỷ đồng. Trong văn bản giải trình gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, phía Vietnam Airlines cho biết trong năm 2024 - 2025 sẽ thực hiện nhiều giải pháp khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu như: Kinh doanh có lãi, tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền…

Về tổng thể, có thể thấy việc cổ phiếu HVN tăng mạnh không hẳn là “lố” nếu nhìn vào kết quả kinh doanh. Trong thời gian tới, triển vọng cổ phiếu HVN sẽ phụ thuộc vào việc liệu Vietnam Airlines có duy trì được kết quả kinh doanh khả quan hay không và có các phương án cụ thể khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu cũng như đưa cổ phiếu thoát khỏi “án hủy niêm yết” hay không. Nếu những kỳ vọng trên không được đáp ứng, việc cổ phiếu HVN “hạ độ cao” là chuyện thường.

Giải tỏa áp lực cho SCIC

Năm 2021, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã chi 6.894,9 tỷ mua cổ phiếu HVN để nắm giữ tối thiểu 31,08% vốn điều lệ Vietnam Airlines. Động thái này là để thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội, thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Việc SCIC đầu tư mua cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines góp phần bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn của hãng bay này, hạn chế các tác động, ảnh hưởng của đại dịch.

Màn cất cánh theo phương gần như thẳng đứng của máy bay Boeing 787-9 Dreamliner. Nguồn: YouTube

Màn cất cánh theo phương gần như thẳng đứng của máy bay Boeing 787-9 Dreamliner. Nguồn: YouTube

Sang năm 2022, theo báo cáo tài chính của SCIC, dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận của SCIC giảm rất mạnh, chỉ đạt 3.074 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 63% so với mức 8.330 tỷ đồng năm 2021, chủ yếu do ảnh hưởng từ Vietnam Airlines.

Cụ thể, nguyên nhân lợi nhuận hãng hàng không sụt giảm mạnh đến từ việc công ty ghi nhận khoản trích lập dự phòng giảm giá đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, SCIC còn ghi nhận khoản lỗ từ công ty liên doanh liên kết hơn 3.100 tỷ đồng. Thời điểm đó, SCIC có 5 công ty liên kết gồm Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Lào – Việt (27%); Công ty Cổ phần Đầu tư SCIC – Bảo Việt (50%); Công ty Cổ phần Tháp Truyền hình Việt Nam (33%); Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Đầu tư Việt Nam (30%); Vietnam Airlines (31,14%). Trong đó, Vietnam Airlines thua lỗ hơn 10.400 tỷ đồng.

Việc lợi nhuận của Vietnam Airlines và giá cổ phiếu HVN cùng tăng vọt thời gian qua đã giải tỏa đáng kể áp lực ghi nhận lỗ từ công ty liên kết cũng như áp lực phải ghi nhận giảm giá trị khoản đầu tư của SCIC vào Vietnam Airlines.

Thanh Long

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/man-cat-canh-kieu-boeing-dreamliner-cua-co-phieu-hvn-d111575.html