Màn đánh ghen thâm thúy nhất sử Việt

Bức thư vỏn vẹn 66 chữ nhưng được coi là màn đánh ghen thâm thúy nhất sử Việt, đồng thời thể hiện niềm kiêu hãnh của vị hoàng hậu cuối cùng lịch sử phong kiến.

Lá thư ấy được viết bởi Nam Phương hoàng hậu - vợ vua Bảo Đại.

Nam Phương hoàng hậu (1914-1963) tên thật Nguyễn Hữu Thị Lan. Bà sinh ra trong gia đình giàu có bậc nhất Việt Nam thời kỳ bấy giờ tại Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Từ nhỏ, bà và chị gái được cha mẹ cưng chiều hết mực, cuộc sống an nhàn. Năm 12 tuổi, bà được gia đình gửi sang Pháp, theo học ở trường Couvent des Oiseaux - trường nữ danh tiếng ở Paris do các nữ tu điều hành.

Tháng 9/1932, sau khi đỗ tú tài toàn phần (tương đương với việc tốt nghiệp THPT hiện nay), bà về Việt Nam. Sau đó, Nguyễn Hữu Thị Lan gặp vua Bảo Đại trong cuộc yến tiệc tại Đà Lạt. Nổi tiếng xinh đẹp, nên ngay từ lần gặp đầu tiên, bà khiến nhà vua say đắm.

Tình yêu của vua Bảo Đại dành cho bà quá đỗi mãnh liệt. Vua bất chấp mọi lời khuyên ngăn, phản đối triều đình để kết hôn với bà vào ngày 20/3/1934.

Khi kết hôn cùng vua Bảo Đại, Nguyễn Hữu Thị Lan mới vừa ngoài 20 tuổi và được phong hoàng hậu ngay sau lễ cưới. Một trong những điều kiện mà bà đưa ra để chấp nhận lời cầu hôn "nhà vua phải đồng ý chế độ một vợ, một chồng".

Nam Phương Hoàng hậu cùng 5 người con. (Ảnh tư liệu)

Nam Phương Hoàng hậu cùng 5 người con. (Ảnh tư liệu)

Hai năm sau ngày cưới, Nam Phương Hoàng hậu hạ sinh người con trai đầu tiên Nguyễn Phúc Bảo Long. Sau đó lần lượt 4 người con khác của họ chào đời. Nam Phương Hoàng hậu và vua Bảo Đại có tất cả 5 người con (2 người con trai và 3 người con gái).

Cuộc hôn nhân của bà với vua Bảo Đại chỉ kéo dài vài năm. Nguyên do là vua Bảo Đại có những mối quan hệ tình ái khác.

Vào tháng 9/1945 sau khi thoái vị, Bảo Đại ra Hà Nội nhận chức cố vấn tối cao trong Chính phủ. Khi xa vợ, Cựu hoàng có niềm vui mới bên nhân tình Lý Lệ Hà - kỹ nữ lừng danh chốn Hà thành.

Năm 1946, Bảo Đại tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Trùng Khánh (Trung Quốc) nhưng khi công việc kết thúc, Cựu hoàng không trở về nước mà cùng Lý Lệ Hà ở lại Hong Kong.

Thời gian này, Nam Phương Hoàng hậu gửi riêng cho nhân tình của chồng bức thư vỏn vẹn 66 chữ. Đây được coi là màn đánh ghen thâm thúy, đồng thời thể hiện niềm kiêu hãnh của vị hoàng hậu cuối cùng.

Trong thư, bà viết: “Em Lý Lệ Hà thân quý. Chị ở xa đức cựu hoàng hàng mấy vạn dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc cựu hoàng ở Hong Kong. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi cựu hoàng, còn gặp lại nhau. Đức Từ Cung Thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị Nam Phương!”.

Không một câu mắng chửi, không lời đe dọa nhưng bức thư vẫn thể hiện rõ thái độ trước nhân tình của chồng. Từng lời của Nam Phương hoàng hậu đều chừng mực, nhẹ nhàng, từ tốn mà thanh tao. Vọn vẹn 66 chữ nhưng lại đủ tinh tế để đến mãi sau này những dòng chữ của bà vẫn được coi là “lá thư đánh ghen” nổi tiếng nhất của sử Việt.

Đến năm 1947, Nam Phương Hoàng hậu đưa các con sang Pháp định cư và dành những năm tháng cuối đời tại đây. Ngày 14/9/1963, bà lên cơn đau tim, trong giờ phút lâm chung, ngoài những người giúp việc, bên cạnh bà không có người thân nào. Đám tang bà diễn ra 15/9/1963 cũng không có mặt cựu hoàng Bảo Đại.

Thiên Bình

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/man-danh-ghen-tham-thuy-nhat-su-viet-ar926938.html