Mang cả vali quần áo tới quán cà phê để 'sống ảo' ở TP.HCM

Không quan tâm tới chất lượng đồ uống, các quán cà phê nay thành địa bàn check-in của người trẻ. Họ mang theo các thiết bị chụp hình, thậm chí cả vali quần áo để thay đổi.

“Muốn có hình đẹp, không phải chờ lâu trước các góc ‘sống ảo’ thì phải đi thật sớm. Mấy tiệm có bối cảnh độc lạ, nhiều người review trên mạng xã hội thường đông lắm”, Phương Linh (22 tuổi), khách hàng tại quán cà phê trên đường Tú Xương (quận 3, TP.HCM), chia sẻ với Zing.

Cô cho biết mình tới đây từ 8h30 cùng một người bạn nhằm chụp ảnh check-in. Cả hai phải tranh thủ ánh sáng dịu, thưa người qua lại với mong muốn có được tấm hình ưng ý.

Phương Linh không phải người duy nhất có thói quen đi cà phê “sống ảo”. Ngay từ sáng sớm, không ít bạn trẻ đã có mặt tại các quán nổi tiếng, có thiết kế ấn tượng ở các quận 1, 2, và 3 để chuẩn bị chụp hình.

 Các quán cà phê có view đẹp trở thành địa điểm chụp hình yêu thích của giới trẻ.

Các quán cà phê có view đẹp trở thành địa điểm chụp hình yêu thích của giới trẻ.

Các vị khách này thường đi thành nhóm 2-8 người, mang theo nhiều thiết bị như điện thoại, máy ảnh hay chân tripod. Họ dành 2-3 tiếng tại quán cà phê, tạo dáng chụp hình ở những góc đẹp, bắt mắt nhất.

Thậm chí có người còn mang theo túi, vali đựng trang phục, giày dép để thay đổi tạo hình cho từng concept khác nhau.

Đội nắng mưa, mang cả vali quần áo

Tại một quán cà phê trên đường Trần Ngọc Diện (quận 2, TP.HCM), nhiều bạn trẻ đã đến đây từ sáng sớm để chụp ảnh. Không ít người đầu tư ê-kíp, thiết bị chuyên nghiệp để có những tấm hình ưng ý.

Ngọc Thùy (sinh năm 1996), người mẫu tự do, cùng ê-kíp nhanh chóng chọn những góc bắt mắt để bắt đầu tạo dáng. Đằng sau Thùy, nhiều nhóm bạn cũng nóng lòng chờ tới lượt chụp ảnh.

Theo người mẫu trẻ, tiêu chí của một bức ảnh ưng ý là bối cảnh đẹp, ánh sáng tốt và thần thái. Hôm nay, cô mang theo 7 bộ váy để chụp với các bối cảnh khác nhau.

Ngọc Thùy chuẩn bị nhiều trang phục, phụ kiện cho buổi chụp ảnh.

Ngọc Thùy chuẩn bị nhiều trang phục, phụ kiện cho buổi chụp ảnh.

“Mình thấy mọi người review nhiều nên quyết định chọn quán này. Bình thường mình hay chụp ở phim trường, ngoại cảnh, gần đây thì hay đến quán cà phê có view đẹp để cho mới lạ”, Thùy chia sẻ.

Tuy nhiên, cô thường phải trả phí để chụp ảnh ở những quán cà phê dạng này. Khoản phụ thu chụp ảnh đắt nhất mà Thùy từng trả là 400.000-500.000 đồng/buổi.

Mẫu nữ nhận xét mức giá này khá “chát” so với chụp phim trường, vốn chỉ thu mỗi người tầm 100.000-200.000 đồng.

Ngọc Sơn (sinh năm 1992), quản lý tại một quán cà phê ở quận 2, cho biết nơi anh làm việc, nếu khách hàng thay từ 2 bộ trang phục trở lên, quán tính phí 300.000 đồng.

Nếu chụp có máy ảnh chuyên nghiệp, quán phụ thu 400.000 đồng. Còn lại các hoạt động chụp gia đình, check-in bình thường thì không thu phí.

Ngọc Sơn nói thêm khách đến quán của anh bắt đầu chụp từ khá sớm, đông nhất vào 7h30-9h và từ 16h trở đi. Phần lớn mọi người tới đây vì mục đích chụp ảnh, quán cũng muốn hướng tới đối tượng khách hàng đó.

“Việc khách hàng mang vali trang phục tới quán chụp ảnh khá phổ biến. Do mục đích của quán là tạo không gian cho các bạn chụp hình, có thu phí đối với các buổi chụp thương mại nên tôi cảm thấy thoải mái, không có vấn đề gì”, Sơn nói với Zing.

 Nhiều bạn trẻ mang theo thiết bị chuyên nghiệp để có những tấm ảnh ưng ý nhất.

Nhiều bạn trẻ mang theo thiết bị chuyên nghiệp để có những tấm ảnh ưng ý nhất.

Tương tự Ngọc Thùy, Phạm Đức Anh (sinh năm 1997), chủ của một thương hiệu kính mắt, cũng quan tâm đến bối cảnh khi chọn một quán cà phê để chụp hình. Anh thường chú trọng đến cách bài trí hơn là chất lượng đồ uống.

“Mình ra quán cà phê chụp hình khoảng 4 lần/tháng do việc dựng cảnh tại nhà hay studio hơi nhàm chán. Tuy nhiên, mình cũng ngại nhất là đến một quán quá đông, không chọn được góc ưng ý hoặc có góc nhưng hết nắng. Đợi lâu đến trưa thì ảnh bị chói, cháy sáng, không đẹp”, Đức Anh nói.

Giữ ý khi “sống ảo”

Dù vậy, không phải quán cà phê nào cũng phù hợp và cho phép khách hàng chụp ảnh quá nhiều hay phục vụ mục đích thương mại.

Đăng, nhân viên một quán cà phê trên đường Tú Xương (quận 1, TP.HCM), cho biết khoảng 5 tháng gần đây, tiệm buộc phải đề biển nhắc nhở khách hàng không chụp ảnh lookbook, thay đồ nhiều lần.

“Trước đó, từng có nhiều bạn liên tục vào nhà vệ sinh thay trang phục, ít nhiều ảnh hưởng tới việc kinh doanh và trải nghiệm của các vị khách khác”, nam nhân viên chia sẻ.

Các ê-kíp cố gắng giới hạn thời gian chụp ảnh để tránh làm phiền khách trong quán.

Các ê-kíp cố gắng giới hạn thời gian chụp ảnh để tránh làm phiền khách trong quán.

Do thường đi thành nhóm và cần thời gian căn góc, chỉnh dáng cho mỗi lần chụp, các khách hàng đam mê “sống ảo” thường nán lại khá lâu. Tại những điểm đến nổi tiếng, nhiều người còn phải xếp hàng trước các góc chụp, chờ tới lượt của mình.

“2 hôm mình tới đều rơi vào cuối tuần nên đông lắm. Nhiều khi chờ mãi mà chưa có bàn vì mọi người mải mê chụp hình”, vị khách tên Thanh Trúc than phiền.

Theo quan sát của Đức Anh, ngày càng có nhiều quán cà phê được mở ra để phục vụ các tín đồ sống ảo. Các quán theo mô hình trên mang lại nhiều lựa chọn hơn cho những ai mê chụp ảnh.

Tuy nhiên, anh cho rằng nếu quá để tâm tới khía cạnh thương mại, mục đích ban đầu sẽ bị phản tác dụng, biến quán cà phê trở thành nơi mọi người đến chỉ để check-in.

Mặt khác, cũng có một vài trường hợp vô ý thức khi chụp ảnh, cố ý di chuyển hiện vật, phá hoại cây cảnh trong quán để có được tấm hình đẹp.

Khi đến chụp hình tại các quán cà phê, Đức Anh thường trao đổi trước với nhân viên và giới hạn thời gian “tác nghiệp”.

“Mình chỉ nán lại tầm 1-2 tiếng để nhường lại chỗ ngồi cho những khách hàng khác. Mình cũng thường nhắn trước với nhân viên và sẵn sàng trả thêm phụ phí để được chụp hình. Với các bạn mẫu ảnh hay influencer, việc phụ thu là chuyện bình thường để vừa được việc, vừa tránh phiền hà”, anh nói.

 Không ít quán cà phê treo thông báo cấm khách thay đồ, chụp ảnh thương mại.

Không ít quán cà phê treo thông báo cấm khách thay đồ, chụp ảnh thương mại.

Xuân Phương (25 tuổi) kể với Zing về trải nghiệm tới một quán cà phê khá nổi tiếng trên mạng xã hội. Cô bạn cho biết dù tới từ 8h nhưng tiệm đã có hơn 20 khách đang chụp hình.

“Mình biết do quán có thiết kế độc lạ, được review nhiều nên sẽ đông, nhưng không nghĩ sẽ tới mức đó. Muốn chụp hình phải xếp hàng cạnh chỗ mình thích và chờ tới lượt”, cô nói.

Xuân Phương tiết lộ bản thân cũng thường ra quán cà phê chụp hình để vừa bắt được những bối cảnh bắt mắt, vừa được thưởng thức đồ uống. Tuy nhiên, cô nhấn mạnh rằng khách hàng cần giữ ý khi “sống ảo” ở các địa điểm này.

“Mình hiểu chụp ảnh thường mất thời gian, dễ gây ảnh hưởng tới quán và khách hàng khác. Do đó, mình luôn cố gắng bấm máy nhanh chóng nhất có thể và tắt chuông điện thoại tránh gây ồn”, cô chia sẻ.

Trang Minh - Phương Thảo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mang-ca-vali-quan-ao-toi-quan-ca-phe-de-song-ao-o-tphcm-post1202691.html