Mang đại dương thu nhỏ về nhà
Màu sắc rực rỡ, bắt mắt và hình dáng sinh động của hàng ngàn loại san hô khiến cho không ít người bị mê hoặc. Người chơi sẵn sàng chi hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng để được tận hưởng bức tranh thiên nhiên sống động và đầy màu sắc...
Từ đam mê chinh phục đại đương...
Bước vào căn nhà của anh Nguyễn Bảo Trung trên phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội, tôi choáng ngợp như lạc vào "đại dương thu nhỏ" khi thấy hàng trăm con san hô màu sắc rực rỡ đang rập rờn theo sóng nước, dưới ánh sáng màu tím của bể san hô. Chỉ vào chiếc bể lớn nhất có chiều dài 1,5m anh Trung tự hào nói, anh đã sưu tầm được hàng chục loại san hô khác nhau, trong đó có nhiều loại san hô quý của Việt Nam và nước ngoài. Giá trị của bể đến nay đã lên tới 700 - 800 triệu đồng.
Chia sẻ lý do khiến anh có thú chơi này, anh Trung cho biết: “Những lần đi biển được ngắm san hô, rồi khi ở nhà xem bộ phim hoạt hình "Đi tìm Nemo" cùng con gái nhỏ đã khiến tôi bị mê hoặc bởi vẻ đẹp rực rỡ, huyền bí của đại dương”. Là một trong những người chơi đầu tiên ở Hà Nội, không có ai hướng dẫn nên anh phải dành rất nhiều thời gian tự lần mò trên các diễn đàn nước ngoài để tìm hiểu về đặc trưng sinh học, thu thập các thông tin về một số loài san hô, cách nuôi dưỡng san hô... Mỗi lần nhập san hô tính theo từng con, có khi đến vài tháng tôi mới mua được một loại san hô mới. Khi nhập con san hô chỉ bé bằng ngón tay cho dễ vận chuyển, sau đó, người chơi sẽ tự cấy cho bám chân, nếu vận chuyển san hô to rất dễ chết”.
Tốc độ tăng trưởng của san hô cũng tùy thuộc từng loại, có loại lớn nhanh nhưng cũng có loại chậm. Ví dụ, với san hô cứng nếu được sống trong môi trường nước chuẩn tự nhiên thì một tháng sẽ lớn khoảng 1 cm. Sau gần 20 năm theo đuổi đam mê, anh Trung sở hữu hàng trăm con san hô trên khắp thế giới, chủ yếu là san hô cứng, có nhiều loại rất khó kiếm, khó nuôi đòi hỏi sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Anh Trung hay nhập san hô của Indonesia - vì đó là quốc đảo có môi trường nước biển trong lành, thời tiết ấm áp nên màu sắc san hô đẹp và chủng loại rất phong phú. “Ngắm bể san hô này chẳng khác nào tận mắt lặn xuống đáy đại dương nên tôi cảm thấy vô cùng thích thú và thư giãn. Hơn nữa, chính sự kỳ công trong nuôi dưỡng san hô khiến tôi càng bị cuốn hút, muốn chinh phục” - anh Trung tâm sự.
Nói về công đoạn chăm san hô, anh Bảo Trung cho biết: “Khó nhất là việc nuôi làm sao cho san hô giữ nguyên màu tự nhiên như ở biển. Tùy thuộc vào chất lượng, nồng độ nước, nhiệt độ, ánh sáng đèn, chế độ ăn”. Người chơi thường có bút đo để có thể thường xuyên kiểm tra độ mặn trong bể có phù hợp hay không. Có những người chịu chơi, đầu tư cả bộ dụng cụ để đo một số hóa chất trong môi trường nước, mua máy tạo sóng để tạo ra những dòng chảy mô phỏng theo dòng nước dưới đáy đại dương.
Anh Trung chia sẻ, san hô cũng như con người, chỉ cần nhìn màu sắc là có thể đoán được san hô có khỏe không, đang mắc bệnh gì? Chăm san hô cũng phải luôn mắt như chăm “con mọn”, quan sát có dấu hiệu bất thường là xử lý kịp thời.
Anh Bùi Vũ Long, ở quận 3, TP. Hồ Chí Minh cũng là một trong những người chơi san hô đầu tiên với thâm niên chơi hơn 10 năm. Hiện anh Long sở hữu một bể san hô dài 1,6m với bộ sưu tập khoảng 50 loại san hô cả cứng và mềm như bèo, nút áo,… trong đó có nhiều loại san hô hiếm. Anh Long chia sẻ: “Ngay từ nhỏ tôi đã chơi cá cảnh, đến khi đi du học bên Mỹ dù học ngành thiết kế đồ họa nhưng tôi lại xin làm thêm ở cửa hàng cá cảnh biển và san hô để thỏa mãn sở thích”. Với kinh nghiệm tích lũy được sau vài năm chăm sóc san hô, anh Long quyết định về Việt Nam không phải để làm nghề thiết kế đồ họa mà tiếp tục theo đuổi đam mê với đại dương.
Trong những năm gần đây, nhiều diễn đàn chơi cá cảnh biển và san hô ở trong nước và nước ngoài đã mở ra. Chỉ tính riêng Hà Nội có khoảng 300 - 400 thành viên với đủ các lứa tuổi, từ “nam phụ đến lão ấu”.
... đến bảo tồn san hô quý hiếm
Trong thế giới đại dương có hàng chục ngàn loại san hô khách nhau, mỗi loại đều có tên và có những hình dáng, màu sắc đặc trưng riêng. San hô màu vàng, màu cam là hiếm nhất trong tự nhiên và rất khó để nuôi giữ màu đúng như trong tự nhiên. Khi khai thác từ biển lên rồi vận chuyển với thời gian lâu khiến san hô màu cam bị bạc màu thành màu nâu. Muốn lấy lại màu tự nhiên, người chơi phải chăm sóc, nuôi dưỡng mất vài tháng.
Anh Trung chia sẻ: “Việc nuôi san hô, cá cảnh biển cầu kỳ hơn, khó chinh phục khiến anh đam mê, không thể dứt ra được dù đã không ít lần thất bại và mất hàng trăm triệu”. Có những loại vô cùng hiếm chỉ duy nhất 1 con, vì nó là tự nhiên, không qua lai tạo sản xuất”. Chỉ vào bể san hô của mình, anh tự hào khoe đang sở hữu con Bèo (tên nước ngoài Mushromm Coral) gần như duy nhất ở Việt Nam, ngay cả trên thế giới cũng rất ít. Đây là món quà do một người bạn ở vùng biển Ninh Thuận tặng. Người tặng biết anh sẽ nuôi để bảo tồn, còn nếu bán thì sẽ mất hẳn dòng này ở Việt Nam. Nhờ vậy, mọi người trong cộng đồng chơi san hô mới còn cơ hội được chiêm ngưỡng những loại san hô quý hiếm. Mặc dù nuôi dưỡng được hơn 10 năm nhưng con Bèo cũng chỉ lớn vài cm.
Còn Bùi Vũ Long cho biết, Việt Nam cũng có nhiều loại san hô quý nên anh thường đến các vùng biển như Nha Trang, Phú Quốc,… để tìm kiếm và đặc biệt mỗi mùa lại có những loại san hô đẹp khác nhau. Có những con san hô lạ anh được bạn bè ở vùng biển tặng, có con ngay cả người đi săn cũng không biết tên. Kiếm được con san hô đẹp, quý hiếm nào về anh lại chăm kỹ như chăm con, đến khi nó đẻ anh càng thích thú. Có những con san hô quý hiếm được nuôi dưỡng hơn 10 năm đến khi lớn anh liền cắt đoạn nhỏ để cấy sang bể của bạn chơi khác, đề phòng nếu chẳng may con của mình chết thì còn giống để xin lại. Mỗi lần tìm kiếm hoặc bảo tồn được một giống san hô quý anh lại có thêm say mê, thêm động lực...
Có lẽ ngoài vẻ đẹp mê hoặc của san hô thì sự cầu kỳ trong thú chơi khiến nó càng cuốn hút người chơi không ngừng chinh phục vẻ đẹp tiềm ẩn dưới đại dương./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/doi-song/mang-dai-duong-thu-nho-ve-nha-post921576.vov