Mang hơn 11 nghìn tỷ tiền mặt đi gửi ngân hàng, nhưng Hóa Chất Đức Giang (DGC) vẫn vay nợ để kinh doanh

Hiếm có một doanh nghiệp nào trữ tiền mặt nhiều như Hóa Chất Đức Giang (DGC). Số tiền gửi ngân hàng đã lên tới 11.118 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp vẫn phải vay nợ ngắn hạn để kinh doanh.

Lợi nhuận giảm nhẹ so với cùng kỳ

CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC) có tiền thân là Bột Giặt và Hóa chất Đức Giang với sản phẩm chủ đạo là phốt pho vàng, bột giặt, chất tẩy rửa...

Theo BCTC Quý 3/2024, Hóa chất Đức Giang ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.558 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 881 tỷ đồng tương đương biên lợi nhuận gộp 34,4%.

 Hóa chất Đức Giang (DGC) mang 11.000 tỷ tiền mặt đi gửi ngân hàng, vẫn vay nợ để kinh doanh (Ảnh TL)

Hóa chất Đức Giang (DGC) mang 11.000 tỷ tiền mặt đi gửi ngân hàng, vẫn vay nợ để kinh doanh (Ảnh TL)

Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ tuy có suy giảm nhưng vẫn mang về 150 tỷ đồng, phần lớn đến từ lãi của các khoản tiền gửi khổng lồ tại ngân hàng. Chi phí tài chính chỉ chiếm 22,2 tỷ đồng, trong đó có gần 4 tỷ là chi phí lãi vay.

Chi phí bán hàng trong kỳ tăng tới 42%, chiếm 168,2 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp đi ngang, chiếm 39 tỷ đồng. Kết quả DGC lãi sau thuế 738 tỷ đồng trong Quý 3/2024.

Lũy kế doanh thu 9 tháng đầu năm của DGC đạt 7.447,3 tỷ đồng, lãi sau thuế mang về 2.322 tỷ đồng, tương đương hoàn thành 74% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Tiền gửi ngân hàng tăng vọt lên 11.000 tỷ

Với đặc thù ngành kinh doanh các hóa chất tẩy rửa, Hóa chất Đức Giang từng hưởng lợi lớn trong thời kỳ dịch COVID-19. Hiện tại, đơn vị cũng đang là công ty nắm giữ lượng tiền mặt khổng lồ lên tới cả chục nghìn tỷ đồng.

Trong tổng tài sản 16.197 tỷ đồng, tính đến cuối Quý 3/2024, Hóa chất Đức Giang ghi nhận tới 11.118 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng. Con số này cao hơn 1.776 tỷ đồng so với đầu năm.

Trữ lượng tiền mặt lớn giúp tạo vị thế an toàn cho doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng cho thấy đơn vị chưa có định hướng sử dụng nguồn lực một cách tối ưu để đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh.

Báo cáo lưu chuyển dòng tiền cho thấy, trong kỳ đơn vị cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác tới 8.028 tỷ đồng. Chiều ngược lại thu hồi tiền cho vay, bán lại công cụ nợ của đơn vị khác 6.312,8 tỷ đồng. Như vậy, có hơn 1.712 tỷ đồng đầu tư trong kỳ, phần lớn đều là tiền cho vay thay vì đầu tư sản xuất.

Bên cạnh đó, cơ cấu nguồn vốn doanh nghiệp cho thấy DGC cũng đang phải đi vay nợ ngắn hạn 791,6 tỷ đồng. Khoản nợ này đã giảm gần một nửa so với thời điểm đầu năm, chủ yếu là các khoản vay nợ ngân hàng phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Bích Diễm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mang-hon-11-nghin-ty-tien-mat-di-gui-ngan-hang-nhung-hoa-chat-duc-giang-dgc-van-vay-no-de-kinh-doanh-post318091.html