Măng khô Thanh Lâm - sản vật đặc trưng đủ tiêu chí thành sản phẩm OCOP
Từ xa xưa, đồng bào ở xã vùng cao Thanh Lâm, huyện Như Xuân đã có nghề khai thác và sơ chế măng khô. Gần đây, sản vật đặc trưng này đã trở thành hàng hóa, quà biếu được nhiều người lựa chọn. Huyện Như Xuân, xã Thanh Lâm và đơn vị đứng ra tổ chức sản xuất đại trà là HTX Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Thanh Lâm đã triển khai các thủ tục để được công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa năm 2021.
Sơ chế măng khô đã trở thành nghề truyền thống gắn với đời sống và văn hóa của đồng bào ở xã vùng cao Thanh Lâm (Như Xuân).
Nói về nguồn nguyên liệu cho nghề sản xuất măng khô, ông Lê Đình Huấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm cho biết là rất dồi dào. Trên địa bàn xã có dãy núi Bù Mùn hùng vỹ chạy dài cả chục cây số, măng chủ yếu được đồng bào khai thác ở dãy núi trùng điệp ấy. Ngoài ra xã còn khoảng 200 ha nứa, trở thành nguồn nguyên liệu chế biến bền vững.
Khai thác và sơ chế măng đã trở thành nghề chính của nhiều người dân địa phương.
Đây là nguồn lâm sản phụ được phép khai thác gắn với khoanh vùng, bảo vệ đã được quy định. Theo người dân địa phương, mùa khai thác măng bắt đầu từ đầu tháng 6 đến hết tháng 10 hằng năm. Tuy nhiên, hoạt động khai thác và sơ chế cũng không thể liên tục bởi những đợt mưa gió, không thể phơi măng.
Gia đình chị Hoàng Thị Lự ở thôn Đoàn Trung có ngày sơ chế đến 3 tạ măng tươi. Để chủ động nguồn nguyên liệu chế biến, gia đình còn trồng nhiều diện tích luồng để lấy măng.
Nguồn nước rửa măng tươi được nhiều gia đình lấy từ các suối trên địa bàn nên khá sạch.
Năm 2020, HTX Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Thanh Lâm được thành lập với mục đích hỗ trợ người dân chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người làm nghề. Từ khi thành lập đến nay, HTX đã đứng ra làm đầu mối tổ chức sản xuất, áp dụng công nghệ sấy măng, đóng gói và phát triển quy mô sản xuất.
Hiện nay, toàn xã có khoảng 350 lao động chuyên khai thác hoặc chế biến măng khô cho HTX Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Thanh Lâm. Hoạt động này chỉ chưa đầy nửa năm nhưng mang lại thu nhập trung bình 39 triệu đồng/lao động. Gần đây, các thành viên HTX đã được tập huấn lập kế hoạch kinh doanh, quảng bá và giới thiệu sản phẩm.
Một lao động thường lấy được khoảng 30 đến 40 kg trong một buổi sáng, có thu nhập khoảng từ 200 đến 300 nghìn đồng.
Với người dân địa phương, măng còn là món ăn truyền thống từ nhiều đời nay.
Sản phẩm măng khô ở đây có màu vàng đặc trưng, mùi thơm, quá trình sơ chế truyền thống không tẩm ướp chất bảo quản.
Gần đây, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision) đã vào xã vùng sâu này khảo sát và hỗ trợ xã 2 lò sấy măng với tổng giá trị gần 100 triệu đồng để phát triển sinh kế cho người dân. HTX Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Thanh Lâm được giao sử dụng, hiện đã chuyển giao kỹ thuật cho các hộ dân. Đây cũng là bước ngoặt để hoạt động chế biến măng khô của xã phát triển mạnh do không còn phụ thuộc vào thời tiết, trời không nắng vẫn có thể làm khô măng.
Đoàn công tác của Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng Nông thôn mới tỉnh vừa lên khảo sát, đánh giá sản phẩm măng khô Thanh Lâm đã đủ tiêu chuẩn trở thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Hiện sản phẩm đã có nhãn mác, được thiết kế hộp và túi đựng phù hợp, được nhiều cơ quan, cá nhân mua để làm quà biếu như là một sản vật đặc trưng của khu vực miền núi xứ Thanh.