Mang kịch chính sử lên sân khấu

Tây Phong (tên thật là Lê Thanh Phong) xuất phát điểm là dân thanh nhạc, nhưng lại mê kịch chính sử. Từng là diễn viên thủ vai thái sư Trần Thủ Độ đoạt huy chương bạc toàn quốc liên hoan Sân khấu năm 2022 nhưng chuyên môn chính của Tây Phong lại là đạo diễn. Tây Phong đạo diễn nhạc kịch opera, kịch chính sử và nhiều chương trình lớn cho sân khấu phía Nam. Tây Phong đã có những chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần về nghề đạo diễn sân khấu.

Tây Phong (giữa) trên sân khấu với vai diễn thái sư Trần Thủ Độ

Tây Phong (giữa) trên sân khấu với vai diễn thái sư Trần Thủ Độ

Tây Phong xuất phát là ca sĩ, cơ duyên nào đã đưa anh đến với nghề diễn viên rồi đạo diễn sân khấu?

- Tốt nghiệp cử nhân âm nhạc năm 2007, tôi đã từng ra đĩa và đi hát ở nhiều sân khấu với nhiều thử nghiệm các dòng nhạc pop, rock, dân ca... Năm 2010, tôi mở một phòng trà để hát những gì mình thích, lúc này quán có một số bạn học là đạo diễn, diễn viên bên Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM ghé uống cà phê trở thành khách quen, thành bạn và rủ thi tuyển vào lớp tạo nguồn diễn viên Nhà hát Kịch thành phố do Giám đốc nhà hát - nghệ sĩ Khánh Hoàng tuyển lựa và trực tiếp giảng dạy. Tôi may mắn trúng tuyển đợt đó, tôi nghĩ đó cũng là cơ duyên, vì trước đây tôi cũng muốn thử sức trong lĩnh vực diễn xuất. Sau hơn một năm học nghiêm túc và đi diễn với nhà hát thì Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM tuyển khóa đạo diễn, tôi đăng ký và vượt qua các kỳ thi rất thuận lợi. Sau khi tốt nghiệp khóa đạo diễn thì tôi về cộng tác với sân khấu Hồng Hạc, được mời dựng vở opera Cuộc sống Paris cho Nhà hát Vũ kịch TP.HCM.

Khi vở nhạc kịch opera Cuộc sống Paris (La Vie Parisienne) được công diễn, nhiều người bất ngờ khi biết đạo diễn là Tây Phong? Lý do nào để anh đưa nhạc kịch opera “made in Vietnam” lên sân khấu?

- Đúng là tôi cũng hết sức bất ngờ khi được giao trọng trách, nhưng lúc ấy với nhiệt huyết của một đạo diễn mới ra trường và yêu thích nhạc cổ điển thì rất hào hứng và tự hào. Thường những vở nhạc kịch opera đều do các đạo diễn nước ngoài đảm nhiệm, điều đó cũng khiến cho các nhà hát Việt Nam không tự tin khi mời đạo diễn trong nước dựng vở.

Để có những đêm diễn Opera thành công là công sức của cả một tập thể, dàn nhạc, ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ múa, họa sĩ, ánh sáng... tổng cộng trên trăm nghệ sĩ tham gia. Những vất vả đã được đền đáp bằng những tràng pháo tay và những dư âm tốt sau vở diễn, điều này cũng góp phần khẳng định chúng ta hoàn toàn có thể dàn dựng một sân khấu chuẩn mực cho thể loại nhạc kịch khi có được sự tin tưởng hỗ trợ từ các nhà hát về cả chuyên môn lẫn cơ sở vật chất. Không có sự hỗ trợ và trên hết là cái tâm với nghệ thuật thì không thể dựng được những tác phẩm lớn.

Tây Phong là học trò cưng của NS Đoàn Bá, khi anh tốt nghiệp đạo diễn sân khấu với vở Ngộ nhận thì đã được nữ đạo diễn Việt Linh mời về dựng ngay vở này cho sân khấu Hồng Hạc?

- Thầy Đoàn Bá là một đạo diễn nổi tiếng với hàng trăm vở và vài chục năm giảng dạy, với mỗi học trò thầy đều yêu thương, nhưng cách thể hiện thì rất khác nhau dựa trên tính cách, sở trường cách tiếp cận nghề, cách tư duy của từng người. Với riêng tôi, thầy là người đưa đò tận tâm, tạo điều kiện, khích lệ, giúp tôi kết nối những tư tưởng, khả năng tư duy mà tôi thiếu. Một may mắn khác của tôi chính là gặp đạo diễn Việt Linh, Giám đốc nghệ thuật Sân khấu Hồng Hạc.

Ngộ nhận - tác phẩm tôi dựng tốt nghiệp lại phù hợp với những tiêu chí mà sân khấu Hồng Hạc đặt ra khi tìm vở diễn đưa về giới thiệu tại Sân khấu Hồng Hạc. Sau Ngộ nhận, tôi cộng tác cùng Sân khấu Hồng Hạc nhiều tác phẩm nữa như: Eugénie Grandet - biên kịch Việt Linh chuyển thể từ tiểu thuyết của Honoré de Balzac, Tấm và Hoàng hậu - biên kịch Nguyễn Phát.

Đưa nghệ thuật kịch chính sử lên sân khấu

Mọi người rất ngạc nhiên, từ một ca sĩ thanh nhạc Tây Phong lại thủ vai thái sư Trần Thủ Độ đang làm mưa, làm gió tại Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM? Vì sao Phong chọn hướng đi ngược từ “tân” đến “cổ” như vậy?

- Làm mưa làm gió thì phải kể đến tác phẩm Yêu là thoát tội cũng của ê-kíp, tuy nhiên với Thành Thăng Long thuở ấy biên kịch Chu Thơm thì nhận được hiệu ứng rất tốt từ những người làm nghề, khán giả và các em học sinh. Riêng với vai thái sư Trần Thủ Độ, tôi rất vui khi khán giả trẻ quan tâm đến nhân vật của mình đảm nhiệm, “một kiến trúc sư chính trị của triều đại nhà Trần huy hoàng”.

“Sắp tới ngoài việc trau chuốt hoàn thiện những vở diễn, Tây Phong sẽ quan tâm nhiều đến các hoạt động cộng đồng, mở rộng các workshop cho diễn viên, khán giả để khai thác và phát triển khả năng của diễn viên cũng như tạo nguồn khán giả tiềm năng thưởng thức kịch nghệ chính sử”.

Việc “tân” hay “cổ” với tôi giống như một vòng tròn được chuyển hướng liên tục, những vấn đề cổ sẽ được nhìn từ góc độ hiện đại, những yếu tố mới giúp bóc tách, làm sáng tỏ những lớp trầm tích. Theo khuynh hướng nghệ thuật hiện nay các tác phẩm cổ, những tích xưa giờ đã được làm mới, những tác phẩm cổ điển giờ được làm sống lại với các tư tưởng thời đại. Với riêng tôi, việc phân tích rạch ròi cái cũ và cái mới cũng chỉ để tìm sự tương hỗ, tương đồng. Vì vào thời đại nào, con người đều sống với thanh xuân của chính họ với đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố. Tiền nhân cũng như chúng ta, khi làm nghệ thuật tâm hồn họ đều trẻ, đều nhiệt huyết, đều muốn lưu lại những giá trị văn hóa, tinh thần cho thế hệ kế tiếp .

Tây Phong có thể chia sẻ bất tận về nghệ thuật mà anh từng đi giao lưu tại các nước, nhưng vì sao lại chọn các vở kịch có tính chính sử Việt để theo đuổi?

- Tôi cho rằng quá trình tiếp cận các loại hình nghệ thuật là những thử nghiệm và nhận ra rằng cái cũ, mới, cổ điển hay hiện đại là những khái niệm bó hẹp tạo nên những rào cản. Với riêng tôi, nhiệm vụ của đạo diễn là xóa nhòa, làm mềm mại chúng một cách có chủ đích để bộc lộ tư tưởng của mình. Tôi thấy sử Việt là một mảnh đất màu mỡ để triển khai cho các dự án sân khấu. Chính kịch lịch sử là sự gắn kết, sợi “dây rốn” văn hóa (bề dày, sâu của truyền thống, lịch sử) với các vấn đề đương đại bằng chính bản chất nội tại của sân khấu, tính chân thực, biểu tượng, cách điệu, sự thẩm thấu, thanh lọc.

Việc lựa chọn và đưa kịch chính sử lên sân khấu chắc có khó khăn, anh đã vượt qua bằng cách nào?

- Theo tôi, đó chính là việc đảm bảo cân bằng giữa các tiêu chí: tính xác thực của sử liệu và sự hấp dẫn trong câu chuyện (các vấn đề thời đại) nó có chạm đến số đông không, giá trị tinh thần, giải trí không? Đây cũng chính là tiền đề để trả lời cho việc vượt qua khó khăn. Việc lựa chọn nhân vật, giai đoạn lịch sử, thông điệp từ lịch sử, biên kịch, sau khi có kịch bản hay, phần còn lại chính là tay nghề đạo diễn.

Giúp giới trẻ hiểu và yêu thích kịch chính sử bằng con đường dựa vào trường học là lối đi anh đang lựa chọn?

- Đây là con đường của ê-kíp mà Phong đang tham gia, ê-kíp gồm những thầy cô, nghệ sĩ sân khấu tâm huyết, có chung định hướng. Giáo dục thế hệ trẻ bằng sản phẩm sân khấu là việc làm nhiều mục đích và giá trị. Nó giúp củng cố kiến thức, mỹ cảm, các giá trị về đạo đức, nhận thức về xã hội, thanh lọc bản thân, khơi dậy tự hào dân tộc. Việc dùng đúng các tác phẩm hay về đề tài lịch sử sẽ là một món ăn tinh thần giúp thay đổi nhận thức, truyền gửi thông điệp giữa các thế hệ.

Bên cạnh nghề đạo diễn, hiện anh đang theo học cao học ngành Nghiên cứu văn hóa. Đất Đồng Nai với nhiều trầm tích văn hóa, Tây Phong sẽ dàn dựng kịch chính sử về con người và vùng đất này?

- Củng cố kiến thức văn hóa cũng là việc cần làm mỗi ngày của một đạo diễn, nhưng khi đến với văn hóa học, đặc biệt là văn hóa Nam bộ tôi bị hấp dẫn, muốn tìm hiểu sâu hơn về vùng đất mới mang dấu tích địa tầng phong phú - nền văn hóa Óc Eo. Sự hào hùng của các nhân vật lẫy lừng như Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản…

Riêng với Đồng Nai, đây là miền đất mà đại công thần Nguyễn Hữu Cảnh mở cỏi, là miền đất giao thương nhiều tiềm năng kinh tế, cũng là vùng đất học với di sản văn miếu Trấn Biên, cùng những tấm gương anh hùng trong kháng chiến chống quân xâm lược. Nếu có kịch bản hay và cơ hội chắc chắn tôi sẽ làm. Tôi nghĩ giờ là lúc nên bắt đầu suy nghĩ về những nhân vật lịch sử nơi đây, một Nguyễn Hữu Cảnh với sắc phong “Thượng Đẳng Thần” được yêu kính bởi người dân, xưng tụng hồng danh, lập đền tế lễ hàng năm. Công cuộc biến vùng hoang vu, rừng rậm thành nơi an cư của bao người dân, hẳn là có câu chuyện thú vị ẩn sau, chắc chắn nó sẽ được đón nhận bởi những người dân vùng đất này.

Xin cảm ơn anh!

Lê Việt Nhân (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202305/dao-dien-tay-phong-mang-kich-chinh-su-len-san-khau-3165957/