Mảng kinh doanh chính gặp khó, một số DN chăn nuôi tăng lãi nhờ BĐS, mua bán tài sản

Quý II/2023, doanh nghiệp ngành chăn nuôi đã có những tín hiệu khởi sắc đầu tiên, khi giá heo trên đà tăng, cùng với đó là giá đầu vào như thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm. Thế nhưng nguồn lợi nhuận lớn vẫn đến từ doanh thu khác như bán tài sản, đầu tư bất động sản.

Trong quý II, giá lợn hơi đã tăng mạnh khoảng 17,3-25,7% nhờ nguồn cung giảm trong khi nhu cầu phục hồi. Trong tháng 7, giá lợn hơi trên cả nước vẫn biến động có lợi cho doanh nghiệp và người chăn nuôi. Theo thống kê của phóng viên, giá lợn hơi những ngày đầu tháng 8, giá lợn hơi tại miền Bắc giao động trong khoảng 61.000-62.000 đồng/kg, miền Trung và Tây Nguyên 59.000-61.000 và miền Nam từ 57.000-59.000 đồng/kg.

Trong báo cáo phân tích hồi tháng 6, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, cùng với sự phục hồi của tiêu thụ thịt lợn trong quý II/2023, xu hướng tăng giá được hỗ trợ bởi nguồn cung thấp sự kết hợp giữa mức tiêu thụ thịt lợn thấp và chi phí nguyên vật liệu đắt đỏ đã hạn chế nông dân địa phương tái đàn đàn trong năm 2022 và quý I/2023 cùng với sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi (ASF) vào đầu năm 2023.

Tuy nhiên, dưới áp lực của giá vốn, thêm các chi phí tài chính, bán hàng,... khiến lợi nhuận quý II của doanh nghiệp lớn trong ngành như Tập đoàn Dabaco (mã: DBC), CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG), CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã: BAF) hoặc CTCP Masan MeatLife (mã: MML) cải thiện không đáng kể, thậm chí có đơn vị thua lỗ. Bù lại, các mảng kinh doanh khác lại mang lại nguồn thu cùng lợi nhuận đáng kể, trở thành “cứu cánh” cho mảng chính.

Doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II, Dabaco ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.473 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Lãi trước thuế tăng gấp 12 lần, đạt hơn 370 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế gần 327 tỷ đồng và toàn bộ là của công ty mẹ, gấp gần 23 lần quý II/2022.

Bên cạnh yếu tố giá lợn hơi tăng dần và giá một số nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu giảm, trong quý, Dabaco ghi nhận thêm doanh thu và lợi nhuận của dự án chung cư cao cấp Packview tại thành phố Bắc Ninh.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Dabaco ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.787 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ bán hàng giảm 12% xuống 4.880 tỷ còn doanh thu thương mại, siêu thị, khách sạn, nhà hàng tăng 8% lên 308 tỷ; doanh thu kinh doanh bất động sản, xây dựng tăng gần 5 lần lên 754 tỷ đồng.

Khoản thu bất động sản này được ghi nhận trong quý II. Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của Dabaco chưa có doanh thu từ bất động sản. Do quý I lỗ 321 tỷ, nên dù quý II lãi lớn, lũy kế lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm đạt 6 tỷ đồng, giảm 73% so với quý II/2022.

 Ảnh: Trang Mai tổng hợp từ BCTC doanh nghiệp.

Ảnh: Trang Mai tổng hợp từ BCTC doanh nghiệp.

Tại Hoàng Anh Gia Lai, lãi hoạt động kinh doanh quý II âm 163 tỷ, tuy nhiên, nhờ doanh thu từ hoạt động khác nên vẫn thoát lỗ trong quý II.

Cụ thể, đơn vị này ghi nhận doanh thu thuần quý II gần 1.450 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu bán heo 443 tỷ, mảng bán chuối vẫn chiếm ưu thế, khi đạt 561 tỷ đồng, mảng cung cấp dịch vụ mang về 445 tỷ. Tuy nhiên, chỉ giá vốn mảng bán trái cây giảm, còn giá vốn mảng heo và cung cấp dịch vụ đều tăng, kết hợp với chi phí quản lý lớn (do không còn hoàn nhập dự phòng các công nợ phải thu) nên HAGL đã lỗ thuần 163 tỷ trong quý II/2023.

Tuy vậy, nhờ có lãi từ hoạt động khác 247 tỷ đồng (chủ yếu đến từ lãi do giao dịch mua rẻ công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Bolaven) trong quý II nên doanh nghiệp thoát lỗ và có lợi nhuận trước thuế gần 85 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 102 tỷ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, HAGL ghi nhận doanh thu 3.147 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên lãi trước thuế và sau thuế giảm 16% và 22% xuống 388 và 405 tỷ đồng, lợi nhuận chủ yếu thuộc về công ty mẹ. Kết quả này đã giúp doanh nghiệp hoàn thành 36% mục tiêu lợi nhuận.

 Ảnh: Trang Mai tổng hợp từ BCTC doanh nghiệp.

Ảnh: Trang Mai tổng hợp từ BCTC doanh nghiệp.

Tại BAF (đơn vị sở hữu thương hiệu “heo ăn chay”) kết quả còn có phần ảm đạm hơn khi doanh thu quý II đạt hơn 1.600 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 70% so với cùng kỳ, xuống còn 12 tỷ đồng.

Một trong những tác nhân khiến kết quả kinh doanh sụt giảm là chi phí tài chính đã tăng tới 55 tỷ, thêm vào đó là công ty liên doanh, liên kết ghi nhận lỗ 24 tỷ đồng, tăng 8 tỷ so với quý II/2022.

BAF cho biết, nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm do quá trình cắt giảm hoạt động kinh doanh nông sản theo lộ trình để tập trung vào hoạt động chăn nuôi chuỗi khép kín (3F – Feed-Farm-Food). Giá heo từ đầu năm được duy trì ở nền thấp hơn cùng kỳ, dù đã có dấu hiệu hồi phục nhưng diễn ra ở giai đoạn cuối quý II. Bên cạnh đó, sản lượng heo bán ra chưa tăng tương ứng với quy mô đàn, nhiều trại heo chỉ mới được đưa vào vận hành trong năm nay. Công ty cũng giữ lại được lượng heo cai sữa để nuôi bán thịt, thay vì phải bán ra như trước đây.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, BAF đạt doanh thu 2.455 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 17%, đạt 33% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 16 tỷ đồng, giảm 87% so với cùng kỳ, và mới chỉ đạt 5,3% chỉ tiêu năm. Tại ĐHĐCĐ 2023, dù đại diện doanh nghiệp có chia sẻ về kỳ vọng bù đắp được tổn thất trong quý I nhờ giá heo hơi phục hồi, nhưng diễn biến quý II cho thấy tình hình thực hiện kế hoạch của BAF đang chưa được như kỳ vọng.

Tại Masan MeatLife, dù doanh thu tăng mạnh do mở rộng kinh doanh với các sản phẩm xúc xích, thịt hộp, thế nhưng đơn vị vẫn báo lỗ hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, doanh thu thuần quý II ghi nhận 1.703 tỷ đồng, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận gộp tăng gấp 3,5 lần, lên 194 tỷ đồng.

Dù doanh thu tài chính cao gấp 3,6 lần cùng kỳ, thế nhưng chi phí tài chính và chi phí bán hàng cũng tăng mạnh, dẫn tới số lỗ sau thuế hơn 179 tỷ đồng. Theo giải trình, dù doanh thu của Masan MeatLife có tăng do có sự đóng góp của CTCP Masan Jinju, thế nhưng việc kiểm soát đơn vị này cũng khiến các khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng cao.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Masan MEATLife ghi nhận doanh thu 3.303 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nửa đầu năm ngoái công ty lãi sau thuế 33,4 tỷ đồng thì nửa đầu năm nay chịu lỗ lên đến 347,6 tỷ đồng.

Triển vọng toàn ngành sẽ sáng hơn về cuối năm?

Theo phân tích cuối tháng 6 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cùng với sự phục hồi của tiêu thụ thịt lợn trong quý II/2023, xu hướng tăng giá còn được hỗ trợ bởi nguồn cung thấp do hai lý do sự kết hợp giữa mức tiêu thụ thịt lợn thấp và chi phí nguyên vật liệu đắt đỏ đã hạn chế nông dân địa phương tái đàn trong năm 2022 và quý I/2023; sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi vào đầu năm 2023.

VDSC cho rằng giá thịt lợn có thể tiếp tục xu hướng tăng nhẹ do nguồn cung chưa thể tăng tương ứng với nhu cầu trong ngắn hạn. Tại Việt Nam, lợn thường được nuôi dưỡng ít nhất 6 tháng trước khi đưa vào chế biến.

VDSC dự tính giá lợn hơn sẽ ổn định vào quý IV/2023, với giả định dịch tả lợn châu Phi sẽ giảm bớt, mang lại nguồn cung lớn hơn.

 Ảnh: ANOVA FEED

Ảnh: ANOVA FEED

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Việt Nam sẽ đứng thứ 2 châu Á (sau Trung Quốc) về tiêu thụ thịt lợn, với tốc độ tăng trưởng hằng năm là 3,1% trong giai đoạn 2022-2030.

Công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions cũng dự báo tốc độ tăng trưởng tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam trong giai đoạn 2018-2026 sẽ tăng lên 25%, cho đến năm 2026, tiêu thụ thịt lợn bình quân ở Việt Nam là 31 kg/người.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) trong báo cáo hồi tháng 5 cũng kỳ vọng, giá thịt lợn sẽ tăng trở lại, khi nguồn cung đang sụt giảm và sức mua tăng. Nhờ đó, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi lợn được cải thiện từ 6-14% qua các năm.

Cùng góc nhìn tích cực, chuyên gia từ Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho biết, giá một số loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính như ngô, lúa mì, đậu tương đã bắt đầu hạ nhiệt từ nửa cuối năm 2022 và tiếp tục được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt trong năm 2023 nhờ các nước dần khôi phục lại sản lượng sản xuất và xuất khẩu; giá phân bón, vật tư nông nghiệp đang giảm khá mạnh.

Agriseco cho rằng, giá lợn hơi có thể tạo đáy và phục hồi trong năm 2023, bởi nhu cầu ăn uống tăng trở lại khi ngành du lịch, dịch vụ tiếp đà hồi phục trong năm 2023; nguồn cung từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm mạnh sau giai đoạn dài thua lỗ bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh trong khi giá lợn hơi ở mức thấp. Đơn vị này ước tính chi phí sản xuất bình quân của các doanh nghiệp sản xuất thịt vào khoảng 50.000-52.000 đồng/kg lợn hơi. Do đó, với mức giá hiện tại, các nhà sản xuất thịt đã có lãi.

Ảnh: ANOVA FEED, nhachannuoi.vn

Ảnh: ANOVA FEED, nhachannuoi.vn

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/mang-kinh-doanh-chinh-gap-kho-mot-so-dn-chan-nuoi-tang-lai-nho-bds-mua-ban-tai-san.html