Mang lại hy vọng cho các bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Yemen

Yemen là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong bà mẹ cao nhất thế giới. Ước tính, khoảng 17,8 triệu người dân nước này cần hỗ trợ chăm sóc sức khỏe vào năm 2024. Trong đó, có khoảng 5,5 triệu phụ nữ cần được chăm sóc sức khỏe sinh sản. Là 'xương sống' của y tế cơ sở, các nữ hộ sinh đã và đang hỗ trợ thai phụ tiếp cận dịch vụ y tế.

 Một lớp đào tạo cho nữ hộ sinh tại Yemen

Một lớp đào tạo cho nữ hộ sinh tại Yemen

"Chúng tôi đã chiến đấu không mệt mỏi vì sự an toàn của phụ nữ"

Khi Mona bắt đầu làm nữ hộ sinh tại trung tâm y tế địa phương cách đây 30 năm, cô là nữ hộ sinh đầu tiên ở tỉnh Hadramout (Yemen). Hiện tại, Mona là Trưởng khoa hộ sinh tại Trung tâm Y tế Shahir.

Chia sẻ với Quỹ Dân số Liên hợp quốc, bà Mona cho biết: "Hồi đó, khu vực của chúng tôi không có dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Phụ nữ phải đối mặt với việc mang thai mà không được chăm sóc hoặc theo dõi đúng cách. Nhiều ca sinh nở bị biến chứng, đôi khi rất bi thảm. Bệnh viện thành phố nằm ngoài tầm với của sản phụ do chi phí, phương tiện đi lại khó khăn và nhận thức hạn chế".

Fatima, một bệnh nhân tại trung tâm y tế mà bà Mona đang làm việc, đã xác nhận mô tả về quá khứ này: "Sự sống sót của cả mẹ và con phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố may mắn".

Bà Mona đã đăng ký tham gia chương trình đào tạo hộ sinh ở thành phố Mukalla gần đó. Khi trung tâm y tế Shahir mở tại làng của mình, Mona đã nhanh chóng nộp đơn xin việc. "Mặc dù kinh phí và nhân lực hạn chế, chúng tôi đã chiến đấu không mệt mỏi vì sự an toàn của phụ nữ", bà Mona tâm sự.

Một nữ hộ sinh người Yemen bế một trẻ sơ sinh

Một nữ hộ sinh người Yemen bế một trẻ sơ sinh

Nữ hộ sinh này nhớ lại một ngày của năm 2015 khi bão Chapala tấn công Yemen ngay khi chiến tranh nổ ra. Bà kể: "Cùng với một nhóm của trung tâm y tế, chúng tôi đã đi bộ qua những nơi có địa hình hiểm trở để tiếp cận những người đang tuyệt vọng. Bất chấp gió hú và bóng tối, ý nghĩ về 3 mạng sống đang bị đe dọa, gồm một người phụ nữ đang chuyển dạ và cặp song sinh - đã thôi thúc chúng tôi vượt qua khó khăn và đã đến kịp lúc".

Nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho thấy, khủng hoảng khí hậu dẫn đến những mối đe dọa đối với phụ nữ và trẻ em gái, vì thiên tai có thể dẫn đến biến chứng và làm tăng rủi ro trong quá trình mang thai và sinh nở như tình trạng sinh non, sẩy thai.

Tăng cường đào tạo cho nữ hộ sinh

Yemen là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong bà mẹ cao nhất thế giới. Cứ 5 cơ sở y tế đang hoạt động thì mới có 1 cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Với sự tài trợ từ Liên minh châu Âu (EU), năm 2021, UNFPA đã hỗ trợ Trung tâm y tế Shahir thuốc men và vật tư, đồng thời hỗ trợ đào tạo hàng chục nữ hộ sinh của Trung tâm này. Nhờ đó, tỷ lệ tử vong bà mẹ trong khu vực đã giảm.

Một lớp đào tạo cho nữ hộ sinh tại Yemen

Một lớp đào tạo cho nữ hộ sinh tại Yemen

Hàng chục nữ hộ sinh qua đào tạo đã cung cấp nhiều dịch vụ, từ chăm sóc sức khỏe bà mẹ đến chăm sóc sản khoa. Xe cứu thương, phòng mổ được trang bị đầy đủ và thuốc được cung cấp miễn phí. "Sau những tàn phá của thiên tai và xung đột, nó giống như một giấc mơ với chúng tôi. Các gia đình trong vùng, những người từng phải di dời vì chiến tranh và lũ lụt, đã có thể tìm thấy niềm an ủi ở đây".

Từ đầu năm 2024, UNFPA đã hỗ trợ hơn 100 cơ sở y tế và tiếp cận hơn 350.000 người ở Yemen, qua đó, góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe sinh sản của nhiều phụ nữ. Phát triển đội ngũ nữ hộ sinh là một phần quan trọng của dự án này.

Theo thống kê, thế giới đang thiếu gần 1 triệu nữ hộ sinh. Việc thiếu cam kết mang tầm quốc tế trong đầu tư cho công tác đào tạo, phát triển và hỗ trợ đã hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ.

Nhiều nữ hộ sinh tại Yemen đang phải đối mặt với môi trường làm việc đầy thử thách, lương thấp và thiếu cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Nhiều nữ hộ sinh tại Yemen đang phải đối mặt với môi trường làm việc đầy thử thách, lương thấp và thiếu cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Tiến sĩ Farida Shah, thành viên điều hành của Liên đoàn Nữ hộ sinh quốc tế, Chủ tịch Nhóm Nữ hộ sinh khu vực Địa Trung Hải, cho rằng, việc đảm bảo tính liên tục của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản là một phần thiết yếu của hệ thống y tế, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa.

Giống như Mona, nhiều nữ hộ sinh tại Yemen đang phải đối mặt với môi trường làm việc đầy thử thách, lương thấp và thiếu cơ hội phát triển nghề nghiệp. Đây là những yếu tố dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong ngành này trên toàn cầu. Tuy nhiên, nghiên cứu của UNFPA cho thấy, việc tăng tỷ lệ nữ hộ sinh lên 25% ước tính có thể cứu được hơn 2 triệu mạng sống mỗi năm vào năm 2035.

Hiện nay, Mona sắp nghỉ hưu và bà cảm thấy yên tâm khi chuyển giao quyền điều hành trung tâm y tế cho thế hệ kế cận. "Họ là đội ngũ nữ hộ sinh được đào tạo bài bản, được trang bị kiến thức và kỹ năng để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh".

Nguồn: UNFPA

Nhu Thụy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/mang-lai-hy-vong-cho-cac-ba-me-va-tre-so-sinh-o-yemen-20240605201003453.htm