Mạng lưới đường Trường Sơn ở Hà Tĩnh - nơi ghi dấu bao chiến công lừng lẫy!
Ghi danh vào những trang sử vẻ vang của dân tộc bằng những chiến công hiển hách, mạng lưới đường Trường Sơn ở Hà Tĩnh đã trở thành một huyền thoại gắn với rất nhiều tên tuổi anh hùng, liệt sỹ…
Ngã ba Đồng Lộc bình yên trong nhịp sống mới hôm nay.
Tháng Tư, từ bao năm nay, trong niềm vui kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, lòng người Hà Tĩnh lại hồi tưởng những câu chuyện chiến đấu, hy sinh anh dũng đã trở thành huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tôi trở lại với ký ức về đường Trường Sơn lịch sử từ Đồng Lộc - nơi được ví là “túi bom” trong những ngày đánh Mỹ. Khác với những năm trước, Đồng Lộc những ngày này vắng hơn. Trong ban trưa quạnh vắng bóng người, Ngã ba Đồng Lộc như trở nên linh thiêng hơn, lắng sâu hơn trong những câu chuyện quá khứ mà tôi đã từng được nghe từ các nhân vật trong bài viết của mình.
Nhớ lại những câu chuyện của các anh hùng, cựu TNXP đã từng có nhiều năm tháng thanh xuân hào hùng và tươi đẹp ở đây, tôi mới cảm nhận hết được sự ví von “trái tim Đồng Lộc”. Trái tim rạo rực thanh tân nằm trên cung đường 15A của mạng lưới đường Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh giờ trở thành địa chỉ đỏ cho thế hệ trẻ. Mảnh đất Đồng Lộc là “tọa độ chết” năm nào đã trở thành thị trấn với những bước phát triển mới.
Trên miền Trà Sơn (Can Lộc) hôm nay, những vườn cây ăn quả xanh tươi đã bừng lên từ bàn tay, khối óc của người dân một thời hứng chịu “mưa bom bão đạn”.
Trong mạng lưới đường Trường Sơn thuở ấy, đường 15A là một trong những huyết mạch quan trọng. Bắt đầu từ ngã ba Lạc Thiện, đường 15A xuyên qua những làng quê Phú Lộc, Thượng Lộc, qua Ngã ba Đồng Lộc, Mỹ Lộc rồi chạy thẳng vào ngã ba Khe Giao nối với cung đường 21, 22 qua Cẩm Xuyên, Kỳ Anh vào Quảng Bình.
Để phá hủy hệ thống giao thông này, Mỹ đã rải hàng vạn tấn bom, đạn. Mạng lưới đường Trường Sơn thuở ấy đã ghi dấu bước chân của hơn 1.300 TNXP làm nhiệm vụ mở đường, tu sửa đường sá, cầu cống để thông tuyến. Trên cung đường ấy, biết bao tên đất, tên làng đã đi vào lịch sử. Mỗi tấc đất của những địa danh như cầu Tùng Cóc, Cổ Ngựa, Ngã ba Đồng Lộc, Truông Kén, Khe Giao, bến phà Địa Lợi, ngã ba Thình Thình, cầu Rác, sân bay dã chiến Cẩm Mỹ, ngã ba Kỳ Lâm, Kỳ Lạc… giờ đây vẫn còn in dấu sự hy sinh quả cảm của các chiến sỹ.
Lực lượng TNXP - một trong những lực lượng ghi nhiều chiến công trên tuyến lửa Trường Sơn những năm dài đánh Mỹ. Ảnh TTXVN
Cũng trên cung đường 15A ấy, những miền quê năm xưa bị bắn phá ác liệt, giờ đây đã lành lặn, tươi mới trong bàn tay, khối óc của con người. Từ Phú Lộc đến Thượng Lộc, Đồng Lộc, Mỹ Lộc… đều ngời lên vẻ yên bình, tươi vui.
Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc Nguyễn Xuân Diệu cho biết: “Tận dụng lợi thế của vùng trà sơn, bà con đã mạnh dạn đầu tư phát triển vườn đồi. Hiện nay, toàn xã đã có trên 400 mô hình kinh tế thu ổn định, trong đó có 7 mô hình thu trên 1 tỷ đồng/năm, 40 mô hình thu từ 500 đến dưới 1 tỷ đồng/năm. Chúng tôi đang khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư, đa dạng hình thức phát triển kinh tế. Xã cũng đang thiết kế xây dựng kho lạnh để thu mua sản phẩm nông nghiệp cho người dân địa phương”.
Gắn với phát triển kinh tế vườn đồi, người dân trên những miền quê ấy cũng đã linh hoạt, sáng tạo, phát triển thêm nhiều ngành nghề khác. Những sản phẩm của địa phương đã bước đầu được sơ chế, chế biến thành những sản phẩm hàng hóa, tạo nên giá trị mới cho nền kinh tế địa phương.
Công nhân xưởng gỗ bóc Mỹ Lộc chuẩn bị cho đơn hàng mới
Anh Trần Văn Hưng - chủ xưởng gỗ bóc xã Mỹ Lộc cho hay: “Thời gian qua đi, những vết thương chiến tranh đã lành theo năm tháng. Cung đường lịch sử đang vươn mình thức dậy những tiềm năng đã đưa tôi đến lập nghiệp ở vùng đất này. Nguyên liệu của xưởng chúng tôi cũng chính là sản phẩm của những đổi thay trong tư duy phát triển kinh tế vườn đồi của người dân các xã vùng trà sơn Can Lộc”.
Không riêng gì cung đường 15A, trên phà Địa Lợi, ngã ba Thình Thình, suốt những cung đường 21, 22, đâu đâu cũng bừng lên sức sống mới. Những con đường năm xưa “ghi bao chiến công lẫy lừng”, “ghi dấu chân” bao anh hùng, liệt sỹ, giờ đây “vui biết mấy” trong nhịp đời mới. Tiếp nối khí phách kiên gan, bền chí năm xưa của cha anh, những công dân thế hệ mới trên những miền quê cách mạng đang mỗi ngày một tiến bộ hơn trong cách nghĩ, cách làm. Họ giống như những “họa sỹ” đang cùng chung tay vẽ nên bức tranh quê hương đa sắc và rạng ngời…