'Mạng nhà nông' dự báo cung cầu kết nối nông dân và doanh nghiệp
Nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, khó khăn của người nông dân, của các doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu nông sản, thực phẩm là còn hạn chế trong việc nắm bắt, kịp thời cập nhật thông tin thị trường. Điều này khiến doanh nghiệp mất đi nhiều cơ hội xuất khẩu.
Việc chuyển đổi số là xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp, hướng đến mục tiêu “nông dân sản xuất nông sản chất lượng, chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất”.
Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) điều dễ nhận thấy trong sản xuất nông nghiệp là quy mô sản xuất nhỏ, dẫn đến thu nhập của người làm nông chưa mang tính ổn định. Thực tế diễn ra trong những năm qua cho thấy, việc lặp đi lặp lại tình trạng được mùa mất giá, mất mùa mất giá khiến toàn xã hội phải tập trung giải cứu nông sản hàng năm.
Bên cạnh đó, kỹ thuật canh tác của người nông dân vẫn còn hạn chế, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm không chỉ mang đến hiệu quả không cao mà lâu dài còn ảnh hưởng đến chất lượng đất đai, nguồn nước. Mặt khác, tính liên kết và thiếu thông tin thị trường, dẫn đến thách thức cho người nông dân trong việc nắm bắt thông tin giá cả và biến động cung cầu. Việc ứng dụng cơ giới hóa trong canh tác chưa đồng bộ, khó khăn trong việc tiếp cận máy móc vì cần vốn đầu tư cao. Những thách thức trên sẽ khó tìm thấy lời giải thấu đáo, nếu như không có sự xuất hiện của công nghệ số.
Ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, hoạt động sản xuất kinh doanh và tiếp cận thị trường cách nay 4 năm, ông Nguyễn Hữu Phước, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX nông nghiệp Tân Tiến, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long chia sẻ, lợi ích mang lại lớn nhất là cập nhật được nhiều thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX. Đồng thời, minh bạch thông tin về về sản phẩm, các thành viên trong Hội đồng Quản trị thẳng thắn trao đổi thông tin qua lại, giúp cho hoạt động kinh doanh tốt hơn.
“Bản thân tôi lớn tuổi tiếp cận công nghệ thông tin mới rất khó khăn nhưng tôi cũng may mắn nhờ anh em trong ban điều hành trẻ tuổi hỗ trợ, hướng dẫn từng bước tiếp cận được, thao tác công việc trên máy được. Làm sao phát triển nhiều hơn nữa thông tin bổ ích để cho người nông dân tiếp cận nhanh nhất, tạo ra những sản phẩm tốt nhất phục vụ cho xã hội. Mong muốn mạng nhà nông là người đồng hành của người nông dân trong thời đại 4.0 này” - ông Nguyễn Hữu Phước nói.
Với 25 thành viên, diện tích sản xuất 80 ha lúa mỗi vụ, chủ yếu tập trung vào giống chất lượng cao, đặc sản để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, ông Dương Văn Siêu, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Thuận Thắng, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cho biết, chuyển đổi số trong nông nghiệp là vấn đề tất yếu hiện nay, người dân có thể nắm bắt đầy đủ thông tin giá cả thị trường, nguồn cung một cách dễ dàng nhất.
“Trong sản xuất nông nghiệp cũng muốn nhận được thông tin dự báo thời tiết khu vực của mình, thứ hai nữa nông dân số là nắm bắt đầy đủ thông tin giá thị trường, rất là thực tế thì nó sẽ giúp cho bà con nông dân phát triển mạnh hơn” - ông Dương Văn Siêu mong muốn.
Chính vì thế, phải thừa nhận ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ giúp mang lại cho nông dân, doanh nghiệp nói riêng và các thành phần tham gia chuỗi giá trị nhiều lợi ích, bao gồm việc lập kế hoạch điều hành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và cả thị trường tiêu thụ…
Mới đây, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Công ty Cổ phần Thế giới công nghệ phần mềm (Worldsoft) và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt nền tảng “Mạng nhà nông - Hành trình nông dân số”. Sự kiện góp phần vào chương trình Chuyển đổi số quốc gia cũng như thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Đồng thời, tạo ra giải pháp hỗ trợ bà con nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp có các công cụ để quản lý mùa vụ, cải thiện năng suất, chất lượng nông sản và nâng cao hiệu quả quản lý.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, mục tiêu hướng tới của Mạng nhà nông là nâng cao tự chủ kiến thức thông qua phương thức giải đáp các câu hỏi liên quan đến mùa vụ, quy trình canh tác, phòng trừ sâu bệnh, phối hợp chặt chẽ với lực lượng khuyến nông cơ sở.
Đồng thời liên kết tiêu thụ góp phần giải quyết đầu ra thông qua kết nối giao dịch nông sản và liên minh bán buôn hay quản lý HTX, doanh nghiệp, hộ nông dân tốt hơn thông qua nền tảng số, ứng dụng điện thoại, máy tính bảng. Theo ông Nguyễn Quốc Toản, ngành nông nghiệp có gần 20.000 hợp tác xã nông nghiệp, gần 14.000 doanh nghiệp nông nghiệp và hơn 7.500 cơ sở chế biến cũng là dữ liệu rất lớn. Thế nhưng, từ trước đến nay, bị lãng phí vì không có một “cái kho chung” để sử dụng.
“Trên không gian mạng, chúng ta chưa có một nền tảng dùng chung. Chúng tôi nghĩ rằng mạng nhà nông không chỉ một người làm được, không chỉ một cơ quan làm được, không chỉ một bộ, ngành làm được mà mạng nhà nông là tất cả chúng ta cùng làm. Chúng ta chia sẻ dữ liệu, cung cấp dữ liệu, sử dụng dữ liệu, đấy là việc chúng ta đang kiến tạo những giá trị việc đồng áng, việc ruộng đồng, thông tin thị trường, thông tin khuyến nông, thông tin canh tác và ở đó các doanh nghiệp, các chủ thể những người cung cấp thông tin hàng ngày, những người đưa nông sản của ĐBSCL ra phạm vi ngoài đồng bằng và xa hơn nữa là đi xuất khẩu” - ông Nguyễn Quốc Toản nói.
Ông Nguyễn Ái Hữu - Nhà sáng lập Công ty Cổ phần Thế giới công nghệ phần mềm (Worldsoft), nền tảng Mạng nhà nông được kỳ vọng là diễn đàn nông dân rộng lớn được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (Al), giúp cho việc trao đổi thông tin một cách dễ dàng. Các thông tin thị trường sẽ được cập nhật mới nhất, nhanh nhất với các số liệu chính xác, có thể giải đáp các vấn đề bất kỳ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ngoài ra những ứng dụng công nghệ, cách làm tốt hoặc vấn đề khác liên quan lĩnh vực nông nghiệp sẽ được giải đáp ngay lập tức. Người sử dụng nền tảng cũng dễ dàng và linh hoạt tạo lập kế hoạch tài chính, báo cáo mùa vụ theo mục tiêu đề ra với sự hỗ trợ của các công cụ tiên tiến.
“Mạng nhà nông” là tư duy mở của chúng ta. Theo kỳ vọng của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nền tảng Mạng nhà nông tạo ra không gian chia sẻ và kết nối giữa nông dân và chuyên gia, lên kế hoạch dự báo năng suất, tiếp cận nguồn vốn tín dụng hiệu quả. Qua đó, góp phần giải quyết những bức xúc của ngành nông nghiệp Việt Nam thông qua những bức xúc của người nông dân.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chuyển đổi số bắt đầu từ người nông dân. Khi tích hợp nhiều người nông dân ra một ngành hàng, tích hợp ngành hàng sẽ phục cho công tác lãnh đạo điều hành của ngành nông nghiệp xã, huyện, tỉnh, tích hợp cho cả ngành hàng dưới sự điều hành của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Chúng ta đừng nghĩ là áp từ trên xuống dưới mà phải lấy từ đơn vị gốc, tế bào là chuỗi đầu vào của người nông dân để nâng dần mục tiêu chuyển đổi số.
“Thông qua mạng nhà nông ngày sẽ góp phần giải quyết những bức xúc của ngành nông nghiệp chúng ta. Đừng để bà con bơ vơ trên một ốc đảo của mình nữa. Giữa một người và một mạng chúng ta thấy rằng giá trị nó khác nhau, hướng tới một cái mục tiêu, hướng tới một giá trị lan tỏa rất là lớn” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Yêu cầu và giải pháp về “phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí nông dân” đã được xác định trong Nghị quyết 26, Trung ương 7 Khóa X. Do đó, tri thức hóa nông dân là yêu cầu bắt buộc trong quá trình xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Mạng nhà nông ra đời, với cách tiếp cận đơn giản, cung cấp các thông tin tiện ích sẽ thực hiện sứ mệnh “tri thức hóa nông dân”.
Hệ sinh thái này sẽ giúp kết nối các chủ thể trong ngành, từ đó, cải thiện giá thành sản xuất, giá nông sản khi đến tay người tiêu dùng thông qua nền tảng thương mại điện tử. Đồng thời đây cũng là công cụ phát triển ngành nông nghiệp trong thời đại 4.0.