Mang niềm vui đến đồng bào vùng biên
Con đường vào bản Chà Lắn, xã Hữu Lập (Kỳ Sơn, Nghệ An) gập ghềnh, gian nan hơn tôi tưởng tượng. Chiếc xe bán tải liên tục cài cầu, vượt lên những 'sống trâu', khúc cua tay áo và đá tảng ven đường. 'Phải quen đường và tay lái cứng mới qua được những cung đường nơi đây. Còn mùa mưa thì không nói trước được điều gì, nhà báo ạ!', Thượng tá Lô Thanh Như, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Kỳ Sơn bộc bạch.
Chúng tôi đến xã Hữu Lập vào những ngày đầu năm 2025. Ông Lương Văn Lon, Chủ tịch UBND xã Hữu Lập cung cấp những con số: Cả xã có 654 hộ, có 296 hộ nghèo, 196 hộ cận nghèo, chiếm hơn 75% số hộ. Những năm trước, đồng bào Thái, Khơ Mú nơi đây cơ bản thiếu đói mùa giáp hạt. 4 năm qua, mô hình “Giúp dân no đủ, tự chủ bản làng” do Ban CHQS huyện Kỳ Sơn-đơn vị kết nghĩa với xã Hữu Lập-triển khai đã đem lại nhiều kết quả tích cực với những mô hình, việc làm thiết thực.
Xe của chúng tôi dừng chân tại gia đình anh Lương Văn Thu ở bản Chà Lắn. Ngôi nhà được cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các nhà hảo tâm xây tặng anh chị, trong đó, cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện Kỳ Sơn giúp san lấp nền nhà. Nhà anh Thu nghèo gần “đội sổ” ở bản. Nghèo bởi ruộng nương không đủ gạo ăn, việc làm không có, mà anh chị sinh liền 6 người con. Tôi không phân biệt được đâu là đứa lớn, đâu là đứa nhỏ trong 6 đứa con hột gà hột vịt của anh chị. “Vợ chồng biết nghèo do đông con rồi. Cán bộ cũng tuyên truyền nhiều, giờ không đẻ nữa. Nay có ngôi nhà kiên cố để ở, vợ chồng mình sẽ chịu khó làm ăn để nuôi các con”, anh Thu nói.
Tiếp tục hành trình đến với những hộ dân ở xã Hữu Lập, ông Lương Văn Lon nói nhiều đến những mô hình, việc làm giúp dân của cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện Kỳ Sơn trong 4 năm qua. Từ năm 2020, triển khai mô hình “Giúp dân no đủ, tự chủ bản làng”, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, Ban CHQS huyện Kỳ Sơn đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền xã Hữu Lập tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; từ bỏ các hủ tục trong việc cưới, việc tang; ăn ở hợp vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh; sinh đẻ có kế hoạch để nuôi dạy con tốt; vận động từ nguồn xã hội hóa hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tặng 4 hộ gia đình với số tiền gần 170 triệu đồng; tham gia ngày công làm đường bê tông liên thôn; hỗ trợ con giống, nhu yếu phẩm cho bà con, các hộ bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét; thăm, tặng quà các gia đình đặc biệt khó khăn nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc; tặng quà học sinh hiếu học, học sinh nghèo vượt khó nhân dịp năm học mới...
Điều đáng mừng là từ nguồn hỗ trợ vốn, giống ban đầu của Ban CHQS huyện Kỳ Sơn, được sự tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ chuyên môn ở huyện, nhiều hộ dân ở xã Hữu Lập đã mạnh dạn vay thêm vốn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Tiêu biểu như gia đình ông Lô Văn Đàn ở bản Na. Mấy ngày qua, khi Tết đang cận kề, nhiều thương lái dưới xuôi lên gia đình ông Đàn mua gà đen để bán thịt. Không chỉ phát triển đàn gia cầm bản địa, ông Lô Văn Đàn còn mạnh dạn vay thêm vốn đào ao thả cá, nuôi dê, bò sinh sản. Nguồn thu từ mô hình trang trại đã giúp gia đình ông thoát nghèo, trở thành hộ khá và mô hình điểm cho các hộ trong bản noi theo. “Không có sự hỗ trợ ban đầu, sự khích lệ, động viên, hướng dẫn từ cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện Kỳ Sơn thì gia đình tôi không có được như ngày hôm nay”, ông Lô Văn Đàn cho biết.
Với những việc làm thiết thực, hiệu quả, thể hiện rõ phẩm chất “hiếu với dân” của Bộ đội Cụ Hồ nên cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện Kỳ Sơn được cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào ở xã Hữu Lập nói riêng và trên toàn tuyến biên giới Kỳ Sơn nói chung tin tưởng, yêu quý, sẻ chia, gắn bó. Từ đó, nhân dân tích cực hỗ trợ đơn vị, cung cấp nhiều thông tin quý góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, làm tốt công tác tuyển quân và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đóng quân.
“Những mô hình, việc làm hỗ trợ nhân dân trên địa bàn xã Hữu Lập tuy giá trị vật chất không lớn nhưng đó là tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên đơn vị đối với đồng bào. Nguồn lực thực hiện mô hình chủ yếu từ sự đóng góp tự nguyện của cán bộ, nhân viên trong đơn vị và một phần từ hỗ trợ của các "mạnh thường quân". Chúng tôi mong muốn có thêm sự chung tay để đơn vị có thể giúp được nhiều hộ dân hơn nữa. Mỗi hộ dân thoát đói, giảm nghèo, cán bộ, nhân viên đơn vị đều cảm thấy hạnh phúc vì góp một phần nhỏ trong sự đổi thay ấy”, Trung tá Nguyễn Toàn Thắng, Chính trị viên Ban CHQS huyện Kỳ Sơn tâm sự trước lúc chia tay.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/mang-niem-vui-den-dong-bao-vung-bien-811506