Mang no ấm về bản làng Vân Kiều, Pa Kô
Người Vân Kiều, Pa Kô ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị ngày càng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nói về sự thay da, đổi thịt nơi miền biên viễn này, bà con luôn nhắc về những đóng góp của Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hướng Phùng.
Mùa vàng nơi biên cương
Từ đỉnh đèo Sa Mù nhìn xuống, thu vào tầm mắt là những con đường vượt núi, vượt đèo đến tận biên giới Việt - Lào. Rồi, một màu vàng óng từ những bông lúa chín vàng trên các thửa ruộng ở thôn Bụt Việt, xã Hướng Phùng đang được cán bộ, chiến sĩ biên phòng cùng bà con thu hoạch dần hiện ra, quyện trong tiếng nói cười, rộn rã. Đám trẻ con tụ tập quanh máy tuốt lúa, chơi đùa bên những bao thóc chật căng trước khi thóc được đưa về nhà phơi khô và cất trữ khi mùa đông giá rét sắp về.
Chị Hồ Thị Hiền (thôn Bụt Việt) chia sẻ trong niềm vui vụ mùa bội thu: “Từ khi gieo trồng giống lúa mới mà bộ đội Bằng cung cấp, gia đình mình thu hoạch được nhiều lúa hơn. Trước đây, đất đai rộng mênh mông nhưng đồng bào mình chỉ làm một vụ thôi, nay làm 2 vụ nên không thiếu cái ăn nữa”.
Ông Phan Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng, cho biết, nhờ Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Phùng tận tình hướng dẫn, làm cùng, ăn cùng, cầm tay chỉ việc mà giờ dân bản ai cũng quen việc, biết chăm sóc ruộng lúa, ruộng bắp cho năng suất cao.
“Bao năm qua, do trình độ canh tác hạn chế, nguồn giống bản địa thoái hóa nên cây lúa sinh trưởng dài ngày, chịu sâu bệnh kém, lúa thường không phát triển, lép hạt... Từ thực tế đó, sau nhiều năm gắn bó và thấu hiểu khó khăn của đồng bào, Thiếu tá Bằng thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị và chính quyền địa phương nhiều cách làm hay nhằm hỗ trợ giúp bà con ổn định cuộc sống, tìm kiếm cơ hội vươn lên thoát nghèo, trẻ em được đến trường”, ông Phan Ngọc Long chia sẻ.
Thiếu tá Bằng cùng cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Hướng Phùng đã mạnh dạn nghiên cứu triển khai trồng thử nghiệm lúa và bắp nếp mới. Giống mới không chỉ vượt trội về năng suất mà chất lượng gạo gấp 2-3 lần so với giống lúa bản địa, cộng với việc bộ đội biên phòng kiên trì, kề vai sát cánh nên đồng bào dần thay đổi phương thức canh tác, tạo nên những mùa vàng ấm no.
Lời nói đi đôi với việc làm
Màu vàng rực trên các cánh đồng chạy mãi về phía chân trời. Tiếng người, tiếng máy khẩn trương, rộn rã khắp mọi nơi và cả những gương mặt rám nắng của người nông dân lấp lánh nụ cười. Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng, đồng bào ở đây chân chất, thật thà, họ chỉ tin những gì mắt thấy tai nghe, những việc làm cụ thể mang lại lợi ích cho đời sống thì mới tâm phục, khẩu phục và làm theo.
Được hỗ trợ về giống lúa, Thiếu tá Bằng đã vận động hộ gia đình 2 đảng viên gương mẫu làm trước, trồng lúa mới thử nghiệm tại thôn Bụt Việt. Thiếu tá Bằng còn cùng với đồng đội trực tiếp xắn quần, lội bùn cải tạo đồng ruộng, hướng dẫn bà con ngâm ủ giống, kỹ thuật vào nước, bón phân... Ngay vụ đông xuân năm 2022-2023, giống lúa thử nghiệm sinh trưởng tốt, ngắn ngày, chống chịu sâu bệnh và thời tiết mưa lạnh tốt, cho chất lượng gạo thơm, ngon, năng suất đạt 300kg/sào/vụ.
“Tại hội nghị đầu bờ đánh giá chất lượng lúa giống mới sau khi trồng thử nghiệm thành công ở thôn Bụt Việt, đồng bào các thôn Cheng, Chênh Vênh, Mã Lai Pun... ở xã Hướng Phùng thấy giống lúa mới ngắn ngày cho được năng suất cao nên đề nghị Đồn Biên phòng Hướng Phùng kết nối Tập đoàn ThaiBinh Seed hỗ trợ thêm 1 tấn lúa giống các loại. Đồng thời, bộ đội biên phòng tăng cường hỗ trợ kỹ thuật canh tác để đồng bào mở rộng diện tích. Nhờ vậy, vụ hè thu năm 2023, giống lúa mới miền xuôi bén rễ đất vùng biên giới đã sinh trưởng tốt, cho năng suất gần 400kg/sào/vụ, người dân rất vui, càng tin tưởng hơn lời nói của bộ đội”, Thiếu tá Bằng nhớ lại.
Chất lượng cuộc sống của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều ở Hướng Phùng ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Trong sự đổi thay ấy, có bóng dáng của những người lính mang “quân hàm xanh” luôn đồng hành cùng bà con và chính quyền địa phương trong mọi hoạt động lao động sản xuất, phòng chống thiên tai, hay xây dựng nhà cửa, tạo dựng nếp sống mới…
Ông Hồ Văn Khưn, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Phùng, nhận xét những việc làm nghĩa tình vì dân và trách nhiệm cao trong công việc của Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng được thực hiện thông qua các mô hình “Tiết học biên giới”, “Ánh sáng vùng biên”, “Ổ bánh mì biên giới”, “Cánh đồng kiểu mẫu trên biên giới”…
Đồng thời Thiếu tá Bằng giúp dân bản thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; thí điểm mô hình trồng cây cà phê hữu cơ, mô hình nuôi đà điểu châu Phi..., góp phần gắn kết tình quân dân; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc.
Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng được trao tặng rất nhiều danh hiệu, bằng khen: 2 lần được tuyên dương danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu của Bộ đội biên phòng năm 2017 và 2019; được tuyên dương danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Trị năm 2018, danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc năm 2018… Năm 2024, Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng được chính quyền huyện Sê Pôn, nước bạn Lào tặng Bằng khen vì có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế, xã hội...
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mang-no-am-ve-ban-lang-van-kieu-pa-ko-post775448.html