Mang sổ đỏ giả để... khiếu nại quyết định cưỡng chế của chính quyền
Biết người dân cần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để được nhận tiền đền bù, một phụ nữ làm nghề bói toán ở Bình Định đã dựng lên màn kịch chạy sổ đỏ nhằm mục đích lừa đảo.
Ngày 17-5, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Bình Định cho biết vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra đường dây làm giả sổ đỏ ở địa phương nhằm mục đích lừa đảo. Vụ án hy hữu này được làm rõ sau khi nhiều người dân huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định mang sổ đỏ… giả đi khiếu nại quyết định cưỡng chế của chính quyền địa phương.
Theo đó, tháng 3-2021, chính quyền địa phương ra quân cưỡng chế tháo dỡ hàng loạt công trình do người dân 2 xã Mỹ Đức và Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ lấn chiếm đất tại thôn Tân Phú, xã Mỹ Đức để xây dựng trái phép. Sau khi xảy ra vụ việc, nhiều người dân mang "sổ đỏ" của những lô đất lấn chiếm này để khiếu nại quyết định cưỡng chế.
Cơ quan Công an vào cuộc xác minh thì xác định các sổ đỏ nói trên được làm giả bởi đường dây do người phụ nữ hành nghề bói toán tên Trần Thị Kim Hoa (48 tuổi; ngụ xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) cầm đầu, nhằm mục đích lừa đảo.
Cụ thể, đầu năm 2019, thông qua việc bói toán, Trần Thị Kim Hoa biết được một số người tự ý lấn chiếm đất tại thôn Tân Phú, xã Mỹ Đức có ý định làm sổ đỏ để được đền bù. Nghe vậy, Hoa tung tin mình quen biết với nhiều người làm sổ đỏ ở Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Định, có thể giúp mọi người với giá phải chăng. Tưởng thật, nhiều người nhờ Hoa "giúp đỡ" làm sổ đỏ.
Thấy "cá đã cắn câu", Hoa nhờ Đặng Ngọc Trường (40 tuổi; ngụ xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ) làm giả sổ đỏ để đưa cho người dân. Trường tìm hiểu và nhờ một người trên mạng làm giả sổ đỏ với giá 7 triệu đồng/sổ.
Sau khi nắm được giá làm sổ đỏ giả, Hoa yêu cầu người dân nộp CMND, sổ hộ khẩu và chi mỗi người từ 20 - 40 triệu đồng để làm sổ. Sau khi làm 2 sổ đỏ đầu tiên trót lọt, Trường sợ không dám làm nữa thì Hoa liên hệ với vợ Trường là Lê Thị Kim Nhung (38 tuổi; ngụ xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ) tiếp tục công việc của chồng.
Để người dân tin tưởng sổ đỏ giả là thật, Hoa đã nhờ Lương Văn Phong (52 tuổi; ngụ huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) giả là cán bộ đất đai gọi điện cho các bị hại nói mọi việc cứ liên hệ với Hoa sẽ được giải quyết hết. Không chỉ vậy, Hoa còn cho người đến tận thửa đất của người dân để giả làm cán bộ, đo đạc...
Với chiêu thức lừa tinh vi như trên, nhiều người dân ở 2 xã Mỹ Đức và Mỹ Thắng đã dính bẫy. Do vậy, khi chính quyền địa phương cưỡng chế, nhiều người tưởng rằng sổ đỏ giả của mình là thật nên mang đi khiếu nại.