Mang thai ở tuổi vị thành niên và những hệ lụy

Tình trạng mang thai ở độ tuổi vị thành niên (VTN)- tức giai đoạn từ 10 - 18 tuổi- hiện đang là một vấn đề đáng báo động trong giới trẻ. Chuẩn mực đạo đức, lối sống bị ảnh hưởng, sức khỏe và tương lai của thế hệ trẻ cũng đang chịu những hệ lụy không nhỏ từ việc mang thai ở tuổi VTN.

 Tư vấn về giáo dục sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên

Tư vấn về giáo dục sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên

Có thai khi vừa bước sang tuổi 17, em Phạm Thị Hoàng H. ở Phường 2, thị xã Quảng Trị buộc phải kết thúc việc học tập sớm. Sau khi bàn bạc, gia đình em đồng ý chọn giải pháp tổ chức cưới cho con mà không có giấy hôn thú. Về sống với nhà chồng, ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới, đôi vợ chồng trẻ liên tục xảy ra mâu thuẫn. Thiếu kinh nghiệm sống, thiếu kĩ năng xử lí các tình huống đời sống gia đình, khi con gái chưa tròn tuổi, H. bỏ con cho gia đình chồng vào Nam làm công nhân. Chồng H. chán nản cũng sinh rượu chè và bỏ xứ làm ăn xa, để lại đứa con nhỏ sống trong cảnh thiếu thốn tình thương của cả cha lẫn mẹ.

Tình trạng mang thai ở tuổi VTN được xem là một vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay. Kéo theo đó là những hệ lụy về vấn đề sức khỏe và nguy cơ đối mặt với tình trạng nghèo đói, bệnh tật, đặc biệt là sự đe dọa trực tiếp đến tương lai của các trẻ em gái khi các em mang thai, làm mẹ quá sớm. Theo số liệu thống kê của Khoa Sức khỏe sinh sản - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị, trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 152 trường hợp mang thai ở độ tuổi vị thành niên, giảm nhiều so với cùng kì năm 2018 (211 trường hợp).

Theo Bác sĩ Lê Thị Quyên, phụ trách hoạt động sức khỏe sinh sản VTN- Thanh niên, Khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị thì việc mang thai ở tuổi VTN thường đối mặt với rất nhiều nguy cơ. Đối với mẹ, nếu quyết định tiếp tục giữ thai và sinh đẻ, người mẹ VTN phải đối mặt với nhiều nguy cơ không tốt về sức khỏe từ việc mang thai ở tuổi VTN. Do ở độ tuổi này, cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện. Ví dụ như hệ cơ xương đang trong giai đoạn phát triển mà mang thai thì người mẹ phải tiêu tốn rất nhiều sức lực để cung cấp và bảo vệ cho đứa trẻ trong bụng. Khung chậu chưa phát triển đầy đủ để có một thai kì và cuộc sinh đẻ an toàn. Do đó nguy cơ tử vong mẹ vẫn cao hơn so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Mẹ sinh con ở tuổi VTN dễ bị các tai biến sản khoa hơn. Bên cạnh đó, con của các bà mẹ vị thành niên thường có tỉ lệ nhẹ cân, bệnh tật và tử vong cao gấp nhiều lần so với con của các bà mẹ tuổi trưởng thành. Đồng thời, người mẹ cũng dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có cả HIV/AIDS. Không chỉ gây ra những hệ lụy về mặt sức khỏe, việc mang thai và sinh đẻ trong độ tuổi VTN còn gây ra những tác động về mặt kinh tế - xã hội. Đó là việc có thai ở giai đoạn VTN khiến cho việc học hành phải gián đoạn, dẫn đến khó khăn về kinh tế và không kiếm được việc làm trong tương lai, điều này dễ khiến các bà mẹ VTN rơi vào con đường bế tắc. Khi mang thai, nếu cưới nhau, tình yêu của lứa tuổi này chưa đủ chín chắn nên sau khi cưới, hạnh phúc gia đình dễ bị rạn nứt, ảnh hưởng đến tương lai của cả vợ và chồng. Những đứa trẻ sinh ra cũng chịu không ít thiệt thòi, ảnh hưởng không chỉ một thế hệ mà cả thế hệ con cái về sau. Bên cạnh đó, việc làm mẹ sớm dễ bị căng thẳng và khủng hoảng tâm lí.

Cũng theo bác sĩ Quyên, nhức nhối nhất của vấn đề này chính là tình trạng nạo phá thai ở tuổi VTN và những nguy cơ kèm theo. Số liệu thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam cho biết, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 ngàn ca nạo phá thai ở độ tuổi từ 15 đến 19 tuổi. Trong đó, có 60 đến 70% là học sinh, sinh viên. Con số này khiến Việt Nam trở thành nước có tỉ lệ nạo phá thai ở tuổi VTN cao nhất Đông Nam Á. Trên thực tế, do mặc cảm, xấu hổ nên thay vì đến các cơ sở y tế tin cậy, đa phần trẻ em gái VTN thường tìm kiếm dịch vụ nạo phá thai không an toàn. Bên cạnh đó, các em thường không biết các dấu hiệu để nhận biết thai nghén, nên không tìm đến cơ sở y tế sớm dẫn đến việc phải phá thai to. Do cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh, tâm lí lại lo sợ nên thủ thuật phá thai ở trẻ em gái VTN thường xảy ra nhiều tai biến hơn ở người trưởng thành, chưa kể những ảnh hưởng tâm lí sau phá thai ở tuổi VTN có thể rất nặng nề và kéo dài. Phá thai có thể xảy ra nhưng tai biến và hậu quả nghiêm trọng như nhiễm khuẩn do sót nhau hoặc vô khuẩn không tốt, không dùng kháng sinh gây viêm niêm mạc tử cung hoặc nhiễm trùng máu có thể đe dọa tính mạng.

Xu hướng quan hệ tình dục sớm dẫn đến có thai ngoài ý muốn ở trẻ em gái VTN được cho xuất phát từ việc dậy thì sớm ở trẻ em cùng những tác động từ môi trường, điều kiện sống, đặc biệt là việc thiếu kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản của trẻ VTN. Để hạn chế tình trạng này, điều quan trọng nhất là gia đình, cộng đồng và xã hội cần quan tâm, chăm sóc trẻ VTN chu đáo thông qua việc định hướng cho các em có lối sống tích cực, lành mạnh, giáo dục kĩ năng sống, giáo dục giới tính toàn diện cho các em. Đối với thực trạng mang thai ngoài ý muốn ở trẻ em gái VTN hiện nay, để phòng tránh, bác sĩ Lê Thị Quyên khuyến cáo: Tốt nhất là không nên quan hệ tình dục ở lứa tuổi VTN. Bên cạnh đó, các em cần chủ động tìm hiểu thông tin và kiến thức về giới tính, về tình dục, tình dục an toàn, các biện pháp tránh thai phù hợp, kĩ năng ứng xử có trách nhiệm. Nên tránh gặp gỡ khi chỉ có hai người ở những nơi vắng vẻ, tối tăm. Biết thuyết phục và giải tỏa cảm xúc tình dục; không tiếp xúc với văn hóa phẩm đồi trụy, uống rượu và chất kích thích ngay kể cả khi vui vẻ với bạn bè trong dịp sinh nhật, tiệc tùng. Đặc biệt, bạn gái cần chủ động trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản để có thể nhận biết sớm các dấu hiệu mang thai nhằm có quyết định xử trí đúng đắn và kịp thời, tránh những hệ lụy không mong muốn về sau.

Phương Thảo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=141052