Mạng xã hội Ấn Độ dậy sóng vì lời kêu gọi làm việc 70 giờ/tuần
Gần đây, các cuộc tranh cãi nổ ra gay gắt trên mạng xã hội ở Ấn Độ sau khi tỉ phú Narayana Murthy, người sáng lập Infosys, công ty công nghệ thông tin lớn thứ hai Ấn Độ, kêu gọi giới trẻ làm việc 70 giờ mỗi tuần để thúc đẩy kinh tế đất nước.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (IMO), số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của người lao động Ấn Độ hiện là 47,7 giờ. Tuy nhiên, trong một cuộc trò chuyện trên chương trình podcast của Công ty đầu tư mạo hiểm 3one4 Capital hồi cuối tháng 10, ông Murthy cho biết, năng suất của người lao động Ấn Độ thuộc hàng thấp nhất thế giới. Do vậy, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông đề xuất giới trẻ Ấn Độ nên làm việc 70 giờ mỗi tuần. Con số 70 giờ trong một tuần làm việc 5 ngày điển hình tương đương với 14 giờ làm việc mỗi ngày.
Đề xuất của ông Murthy đã làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội ở Ấn Độ, với một số người không đồng tình với quan điểm của vị tỉ phú công nghệ.
“Đạt thành công (bằng cách làm việc nhiều hơn) nhưng mất đi sự cân bằng về mặt tinh thần không phải là một sự đánh đổi mà tôi sẵn sàng thực hiện”, một người dùng trên mạng xã hội X, viết.
Một người dùng khác của mạng xã hội X bày tỏ: “Tại sao bạn phải làm việc 70 giờ/tuần và có thể tự tử trong quá trình giúp kiếm tiền cho những tỉ phú đáng khinh này?”
Trong khi nhiều ý kiến trên mạng xã hội phản đối phát biểu của Murthy, các lãnh đạo ngành công nghệ Ấn Độ nhất trí rằng đó có thể cần thiết nếu Ấn Độ muốn cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu.
“Nếu muốn trở thành số 1 và trở thành người giỏi nhất, các bạn trẻ Ấn Độ phải làm việc chăm chỉ với thời gian dài hơn. Ấn Độ thực sự đang cố gắng cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc. Nếu chúng ta muốn đạt được sự vĩ đại, thì đó là số giờ làm việc và sự hy sinh mà chúng ta cần phải thực hiện”, Ayushmaan Kapoor, người sáng lập Công ty phần mềm Xeno, nói trong cuộc trao đổi với CNBC.
Bhavish Aggarwal, người sáng lập 38 tuổi của ứng dụng gọi xe Ola (Ấn Độ), cũng lên tiếng ủng hộ quan điểm của ông Murthy.
“Đây không phải là lúc chúng ta làm việc ít hơn và giải trí. Thay vào đó, đây là thời điểm chúng ta dốc toàn lực và xây dựng trong một thế hệ những gì các nước khác đã xây dựng qua nhiều thế hệ!”, Aggarwal viết trên X.
Theo IMO, số giờ làm việc trung bình 47,7 giờ/tuần của người lao động Ấn Độ, cao hơn Mỹ (36,4), Anh (35,9) và Đức (34,4). Dữ liệu của ILO cho thấy, người lao động Ấn Độ cũng làm việc nhiều hơn các nước châu Á khác như Trung Quốc (46,1), Singapore (42,6) và Nhật Bản (36,6).
Ông Narayana Murthy, cha vợ của Thủ tướng Anh Rishi Sunak, chỉ trích thế hệ trẻ vì đã áp dụng “những thói quen không mấy tốt đẹp” từ phương Tây, nơi người lao động đang yêu cầu giảm số giờ làm việc trong tuần để giúp cân bằng công việc và cuộc sống.
Theo Vivek Mudaliar, người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm quản lý nhân sự tại các công ty nổi tiếng toàn cầu như tập đoàn Reliance Industries của Ấn Độ, đề xuất làm việc 70 giờ/tuần không có gì đáng ngạc nhiên vì nhiều người Ấn Độ hiện nay đã làm việc từ 55-60 giờ /tuần.
Ayushmaan Kapoor, người sáng lập Xeno, cho rằng, khái niệm cân bằng giữa công việc và cuộc sống là “rất phương Tây”, đồng thời giải thích, các nước phát triển có sức mạnh kinh tế và những tài sản tốt mà họ có thể dựa vào “trong 100 năm tới”. Theo ông, người dân Ấn Độ phải làm việc một số giờ nhất định trong tuần để giúp nền kinh tế tổng thể mở rộng. Kapoor cũng khuyến khích người lao động Ấn Độ làm những công việc phụ trong khuôn khổ tuần làm việc 70 giờ.
Liên đoàn lao động ngành công nghệ thông tin Ấn Độ (AIITEU) ra tuyên bố lên án phát biểu của Murthy, nói rằng làm việc 70 giờ/tuần là “bất hợp pháp”. Tuyên bố khẳng định người lao động Ấn Độ không nên bị buộc phải làm việc hơn 48 giờ/tuần, tức 8 giờ mỗi ngày trong một tuần làm việc 6 ngày.
“Với việc tự động hóa ngày càng tăng, chúng ta cần phải giảm liên tục thời gian làm việc để người lao động có nhiều thời gian sáng tạo và giải trí hơn, từ đó giúp cải thiện năng suất”, tuyên bố nhấn mạnh.
ILO đồng ý với quan điểm này và giải thích, hậu quả của việc làm việc nhiều giờ có thể ảnh hưởng đến sự an toàn và hiệu suất tại nơi làm việc. “Những tác động lâu dài của chế độ làm việc nhiều giờ có thể bao gồm tăng tỷ lệ mắc bệnh như các bệnh nhiễm trùng mãn tính và bệnh tâm thần”, ILO cho biết.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi một người thường xuyên làm việc từ 55 giờ trở lên mỗi tuần, nguy cơ đột quỵ và bệnh tim của người đó tăng lần lượt là 35% và 17%, so với người làm việc làm việc trung bình 35-40 giờ/tuần.
Trong khi một số lãnh đạo ngành công nghệ ủng hộ ý kiến của Murthy, họ nhấn mạnh, các công ty nên tạo điều kiện linh hoạt hơn cho nhân viên để thúc đẩy họ làm việc chăm chỉ hơn.
“Cung cấp cho mọi người khả năng lựa chọn giờ làm việc và không gian làm việc là yêu cầu quan trọng để làm việc hiệu quả”, Chandrasekhar Sripada, giáo sư của Trường Kinh doanh Ấn Độ, bình luận.
“Chúng tôi đã thoát khỏi quan điểm cho rằng chế độ kiểm soát nghiêm ngặt người lao động là công thức duy nhất để thành công”, ông nói nhưng lưu ý thêm, làm việc chăm chỉ luôn là thước đo của thành công.
Vivek Mudaliar kêu gọi cần có sự linh hoạt hơn đối với các bà mẹ đang đi làm, điều mà ông cho rằng sẽ thúc đẩy số lượng phụ nữ tham gia thị trường lao động ở Ấn Độ.
Theo ILO, yêu cầu làm việc nhiều giờ có thể kéo dài tình trạng bất bình đẳng giới ở nơi làm việc, khiến phụ nữ khó thăng tiến trong sự nghiệp và làm trầm trọng thêm khoảng cách về lương giữa các giới.
“Điều này cũng có thể cản trở các nỗ lực đa dạng và hòa nhập trong doanh nghiệp vì ngăn cản phụ nữ tham gia hoặc ở lại với tổ chức”, ILO cho biết thêm.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ Ấn Độ từ 15 tuổi trở lên đứng ở mức 32,8% trong giai đoạn 2021-2022, tăng nhẹ từ 32,5% trong giai đoạn 2020- 2021.
Giáo sư Chandrasekhar Sripada cảnh báo, dù Ấn Độ có tham vọng vượt qua Trung Quốc để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2075, văn hóa “996” của Trung Quốc không nên được áp dụng vì điều đó sẽ khiến Ấn Độ trở thành một quốc gia “kiệt sức”.
Văn hóa làm việc “996”, được một số công ty công nghệ ở Trung Quốc thực hiện, yêu cầu nhân viên phải làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối trong sáu ngày một tuần.
Theo CNBC, Qz.com