Mạng xã hội và 'làn sóng' phán xét
Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội (MXH) đã tạo ra không gian mở để người dùng kết nối, chia sẻ thông tin, thể hiện quan điểm cá nhân. Song song với những điều tích cực, MXH còn là nơi xuất hiện những 'làn sóng' phán xét, chỉ trích bừa bãi.
Không ít người đã lợi dụng sự tự do này để phán xét, chỉ trích và công kích người khác một cách thiếu kiểm soát. Từ chuyện đời tư đến hành vi thường ngày của người lạ trên mạng đều có thể trở thành mục tiêu của “búa rìu” dư luận online. Điều đáng nói là phần lớn những phán xét này được đưa ra khi người bình luận không có đầy đủ thông tin, chưa hiểu hết sự việc và không đặt mình vào hoàn cảnh của người bị chỉ trích. Chỉ một lời nói, hành động nhỏ cũng có thể bị “xé to” thành đề tài cho hàng ngàn lời bình phẩm, miệt thị, thậm chí xúc phạm danh dự và nhân phẩm.
Về mặt xã hội, “làn sóng” phán xét đã tạo ra một môi trường “toxic” - độc hại, nơi sự cảm thông, hiểu biết và khoan dung dần bị thay thế bởi thành kiến, định kiến và sự cực đoan. Điều này không chỉ cản trở việc xây dựng một cộng đồng mạng văn minh, mà còn làm xói mòn các giá trị đạo đức trong giao tiếp và ứng xử. “Làn sóng” phán xét trên MXH có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng, gây tổn thương tâm lý đối với nạn nhân khi các cuộc “tấn công” online diễn ra theo dạng “hội đồng”, một người bị hàng loạt tài khoản cùng công kích. Thường “làn sóng” phán xét mang tính “kéo bè”, thiếu kiểm chứng và ít khi dựa vào sự hiểu biết đầy đủ về bản chất sự việc. Sự lan truyền nhanh chóng và thiếu kiểm soát của MXH khiến một phát ngôn, hình ảnh, hành động nhỏ cũng có thể trở thành tâm điểm bị phán xét gay gắt, bởi “ai cũng nói vậy thì chắc là đúng”, khiến hiện tượng “cùng nhau tẩy chay” trở thành xu hướng.

Ảnh minh họa (nguồn internet)
Chị N.T.N (ngụ huyện Phú Tân) chia sẻ: “Năm thứ nhất đại học, con gái tôi từng chịu tác động bởi những lời phán xét từ bạn bè MXH đến mức cháu định nghỉ học, vì sợ đối diện với nhiều người. Chuyện nảy sinh từ một bài đăng của con gái tôi trên facebook về hình ảnh chơi đùa của những thành viên trong gia đình với nhau. Nhưng qua cách nhìn nhận của người trên mạng, họ suy diễn thành câu chuyện lệch lạc, rồi bàn tán. Sau sự việc ấy, con gái tôi không sử dụng MXH nữa”.
Anh Nguyễn Thành An (ngụ TP. Long Xuyên, đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Trên MXH, nhiều người bị “xử án” mà không có cơ hội tự bào chữa. Họ bị chỉ trích, tẩy chay chỉ vì một hành động hoặc lời nói. Điều này tạo ra một hệ thống “phán xét công cộng” không công bằng trong môi trường mạng và ranh giới giữa việc thực hiện quyền tự do ngôn luận với công kích cá nhân rất mong manh. Mọi người không phân biệt giới tính, tuổi tác đều có thể trở thành nạn nhân bị bạo lực trên MXH và nếu không tỉnh táo, chúng ta cũng có thể bị kéo vào “làn sóng” phán xét người khác”.
“Làn sóng” phán xét trên MXH là một hiện tượng xã hội tiêu cực đang ngày càng phổ biến, gây ra nhiều hệ lụy cho cá nhân và cộng đồng. Để không trở thành nạn nhân hoặc vô tình tham gia vào những cuộc “tấn công bằng lời nói”, người dùng MXH cần làm chủ hành vi, sử dụng MXH có trách nhiệm, nhân văn và tỉnh táo.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/mang-xa-hoi-va-lan-song-phan-xet-a421310.html