Nghiên cứu điều chỉnh quy định dạy thêm, học thêm ở trường nếu phụ huynh, học sinh có nhu cầu

Tại phiên thảo luận Tổ về KT-XH sáng 23/5, ĐBQH Nguyễn Thị Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đã phân tích và đề xuất nhiều nội dung liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm.

Theo nữ đại biểu tỉnh Bắc Ninh, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT sau một thời gian triển khai đã tác động tích cực tới nhận thức, hành động các cấp quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh.

Bà Hà cũng phân tích những điểm tích cực sau khi thực hiện Thông tư trên, như: Giúp cán bộ quản lý, giáo viên nhận thức đầy đủ và rõ ràng hơn về trách nhiệm và tầm quan trọng của dạy học chính khóa, trách nhiệm trong việc hỗ trợ học sinh nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục; trách nhiệm và tầm quan trọng của việc trang bị cho học sinh ý thức tự học, tự chủ, tự giác trong các hoạt động giáo dục…

ĐBQH Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại phiên thảo luận Tổ sáng 23/5.

ĐBQH Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại phiên thảo luận Tổ sáng 23/5.

Tuy nhiên, theo đại biểu, tình hình dạy thêm, học thêm hiện vẫn còn một số vấn đề:

Thứ nhất, theo phản ánh từ dư luận, báo chí, nhu cầu học thêm chưa hoặc giảm rất thấp, bởi sự lo lắng của cha mẹ về sự lơ là, không chủ động trong việc học của con, thậm chí là không có ai quản lý khi không có người lớn ở nhà; có sự tăng vọt về số lượng các trung tâm dạy thêm. Sự nở rộ của các trung tâm dạy thêm xét ở một góc độ nào đó là tất yếu, nhất là khi nhu cầu học thêm của học sinh, phụ huynh rất cao.

Nhiều trung tâm uy tín đang cung cấp chương trình học chất lượng, có kiểm định, có giảng viên chuyên môn, góp phần hỗ trợ đáng kể cho học sinh yếu, học sinh cần ôn luyện nâng cao, học sinh muốn phát triển tư duy. Tuy vậy, về mặt nhân sự, không phải trung tâm nào cũng có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn hoặc có kinh nghiệm sư phạm. Việc thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ khiến chất lượng giảng dạy tại nhiều trung tâm cũng là một điều đáng lo ngại.

Thứ hai,việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường: Theo Thông tư 29 quy định việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học.

Bà Hà thông tin, đây là nội dung nhận được nhiều ý kiến trái chiều: Một số ý kiến cho rằng, quy định này phần nào giúp giảm áp lực cho học sinh vì phụ huynh cho rằng việc không tổ chức dạy thêm sẽ giúp con em họ có thời gian nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động ngoại khóa, giảm bớt căng thẳng do lịch học dày đặc, đồng thời tránh tình trạng ép buộc học thêm.

Tuy nhiên, phần đông phụ huynh lại đang lo ngại, băn khoăn bởi việc không được học thêm trong trường sẽ khiến con cái không được hỗ trợ kịp thời, ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Từ thực tế trên, ĐBQH Nguyễn Thị Hà đề nghị, các cơ quan chức năng tăng cường giám sát để đảm bảo các trung tâm tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường tuân thủ quy định, tránh tình trạng "lách luật" hoặc hoạt động "chui". Đồng thời công khai các cơ sở được cấp phép về danh sách giáo viên, môn học, học phí, thời gian hoạt động. Tăng cường các đoàn kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất tại các địa phương; Công khai danh sách các trung tâm vi phạm trên các kênh truyền thông để răn đe…

Đặc biệt, nữ đại biểu tỉnh Bắc Ninh đề nghị nghiên cứu điều chỉnh quy định về tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường khi phụ huynh, học sinh có nhu cầu và được thu phí nhưng cần quản lý chặt chẽ, đảm bảo việc tham gia học là tự nguyện; Nâng cao chất lượng giảng dạy trong giờ học chính khóa để giảm nhu cầu học thêm…

Lê Bảo - Dương Tú

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nghien-cuu-dieu-chinh-quy-dinh-day-them-hoc-them-o-truong-neu-phu-huynh-hoc-sinh-co-nhu-cau-169250523112458303.htm