Mang Yang phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng rau khoảng 370 ha, cây ăn quả 3.380 ha
Ngày 29-2, UBND huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị đánh giá tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất rau và cây ăn quả giai đoạn 2019-2023, triển khai kế hoạch đến năm 2030, định hướng đến năm 2040.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện về kết quả phát triển sản xuất rau và cây ăn quả giai đoạn 2019-2023, trình độ canh tác của nông dân có nhiều tiến bộ so với trước, nhất là việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để giảm giá thành, tăng hiệu quả cây trồng; đồng thời giúp cải tạo đất, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Theo đó, diện tích trồng rau toàn huyện tăng từ 326 ha (năm 2019) lên 407 ha (năm 2023), sản lượng tăng từ 3.862 tấn lên 5.156 tấn. Diện tích sản xuất cây ăn quả tăng từ 2.245,7 ha (năm 2019) lên 3.282,6 ha (năm 2023), với sự mở rộng đáng kể của cây chuối và cây sầu riêng. Sản lượng trái cây tăng mạnh từ 20.666,8 tấn (năm 2019) lên 61.440,7 tấn (năm 2023).
Huyện đã triển khai các hoạt động hỗ trợ, vận động người dân mở rộng diện tích, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với xây dựng các sản phẩm OCOP. Cụ thể, toàn huyện có 15 mã số vùng trồng đã được cấp cho 2.094,4 ha các loại cây như: Chanh dây, chuối, thanh long, mít để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; trong đó, chuối (4 mã vùng trồng) với diện tích 1.208 ha, chanh dây (5 mã vùng trồng) với diện tích 102,4 ha, sầu riêng (1 mã vùng trồng) với 32 ha; mít (3 mã vùng trồng) với 612 ha, thanh long (2 mã vùng trồng) với 140 ha. Riêng cây chanh leo có 8 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3-4 sao cấp tỉnh.
Các mô hình sản xuất bước đầu đã cho thu nhập cao như: Mô hình trồng sầu riêng cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng/ha; trồng chuối già hương Nam Mỹ xuất khẩu cho thu nhập khoảng 500-600 triệu đồng/ha...
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề như: Việc phát triển diện tích cây ăn quả chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra theo đề án phát triển rau, hoa, cây ăn quả của tỉnh, huyện; tình hình sản xuất vẫn chủ yếu là quy mô nhỏ, manh mún, thiếu ổn định; việc phát triển các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu tập trung còn gặp khó khăn; việc hình thành chuỗi giá trị sản xuất từ người sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã đến thị trường tiêu thụ sản phẩm còn chậm.
Việc chuyển đổi sang trồng cây ăn quả còn nhiều khó khăn do nguồn nước tưới, giao thông vào khu sản xuất, đường điện chưa hoàn thiện; việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn nhiều bất cập, dẫn đến người nông dân còn e ngại khi tham gia.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Lê Trọng nhấn mạnh: Thời gian tới Phòng Nông nghiệp và PTNT cần tiếp tục định hướng, hỗ trợ các địa phương và người dân đẩy mạnh phát triển rau, cây ăn quả theo quy mô tập trung, bền vững, hiệu quả và tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất thông qua các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; nhân rộng các mô hình trồng rau, cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Huyện phấn đấu đến năm 2025, phát triển diện tích trồng rau khoảng 370 ha, cây ăn quả khoảng 3.380 ha.
Cùng với đó, vận động người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến các sản phẩm rau, hoa, quả và sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Phát triển chế biến rau, quả truyền thống, đặc sản địa phương, vùng miền và sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá du lịch nông nghiệp, gắn với phát triển du lịch nông nghiệp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong việc sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm rau, quả. Tổ chức quản lý tốt nguồn vật tư đầu vào đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.