Mạnh dạn đổi mới chương trình đào tạo báo chí thời số hóa
nh giá áp lực chuyển đổi số ngày càng 'đè nặng' lên lĩnh vực báo chí- truyền thông, TS. Huỳnh Văn Thông- Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Khoa Báo chí & Truyền thông Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn- ĐHQG TP.HCM cho biết Khoa luôn mạnh dạn đổi mới chương trình đào tạo để thích ứng.
Bài liên quan
Đổi mới phương pháp đào tạo không thể thiếu việc thực hành liên tục
Chúng tôi cũng gặp phải thách thức của người đi trước mở đường
Quan trọng nhất trong bối cảnh chuyển đổi số là đội ngũ nhân lực chất lượng cao
Các tòa soạn cần sẵn sàng một chiến lược “làm mới” đội ngũ làm báo
+ Thưa ông, đâu là động lực thôi thúc ngành báo chí “chuyển mình” giữa thời đại công nghệ 4.0?
- Như chúng ta đã biết, báo chí và truyền thông (BC&TT) là lĩnh vực chịu tác động trực tiếp của sự phát triển công nghệ số. Báo chí nói riêng, truyền thông nói chung là “công cụ trung gian tương tác” hoạt động ở khu vực “giao diện” giữa các tổ chức với nhau và với xã hội. Vì vậy, khi các tổ chức và xã hội thực hiện chuyển đổi số thì áp lực chuyển đổi số đối với lĩnh vực báo chí – truyền thông ngày càng lớn.
Ở Việt Nam, việc đầu tư và ứng dụng hệ thống thiết bị trên nền tảng IoT, khai thác big data và AI được các cơ quan báo chí quan tâm nhiều hơn. Trong đó, một số cơ quan báo chí đặt vào trọng tâm chiến lược để xác lập định vị của mình trong hệ sinh thái báo chí – truyền thông ngày càng đa dạng, phức tạp và bị “phân mảnh” (fragmentation) đến mức rối loạn.
Trong nỗ lực theo đuổi mục tiêu chuyển đổi số, yêu cầu về nguồn nhân lực mới cho ngành báo chí nói riêng, truyền thông nói chung cần được chuẩn bị tốt hơn. Các tòa soạn cần sẵn sàng một chiến lược “làm mới” đội ngũ làm báo với mức đòi hỏi về năng lực số (digital capability) cao hơn, rõ ràng hơn.
TS. Huỳnh Văn Thông trong buổi lễ đón tân sinh viên Khoa Báo chí & Truyền thông Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – ĐHQG TP.HCM – Nguồn: Yến My
+ Với vai trò là người đứng đầu Hội đồng Khoa học và Đào tạo, xin ông cho biết Khoa Báo chí & Truyền thông ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM đã và đang ứng dụng những giải pháp nào để đổi mới công tác đào tạo, nhằm bắt kịp dòng chảy chuyển đổi số?
- Đổi mới công tác đào tạo báo chí và truyền thông trên thực tế đã được Khoa BC&TT đặt ra với những định hướng chính về chuyển đổi mục tiêu và nội dung đào tạo, về phương thức và điều kiện tổ chức đào tạo. Từ đó, có thể đáp ứng bền vững các đòi hỏi về chất lượng nguồn nhân lực tương thích với yêu cầu của chuyển đổi số.
Về mục tiêu đào tạo, sinh viên tốt nghiệp (SVTN) phải đạt được năng lực kỹ thuật số (digital capability) phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số.
Về chương trình đào tạo (CTĐT), bổ sung và cập nhật nhiều nội dung mới liên quan đến sự phát triển vũ bão của xã hội thông tin, theo kịp những cách tiếp cận nghề nghiệp mới dựa trên nguyên lý khai thác lợi thế của chuyển đổi số.
Sinh viên tốt nghiệp phải đạt được năng lực kỹ thuật số phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số. Ảnh: Khoa BC&TT
Về phương thức đào tạo, sự phát triển vượt bậc của ICT, của yêu cầu chuyển đổi số trên thực tế đã “phá vỡ” không gian học tập truyền thống, thúc đẩy các phương thức “đào tạo sống” (live training) và buộc nhà trường phải tính đến những phương thức tổ chức đào tạo “phi truyền thống” như: “giờ học tòa soạn”, “lớp học đảo ngược”, “giảng viên - chuyên gia”, học tập kết hợp (blended learning)… Học dựa trên trải nghiệm và học dựa trên dự án cần được chú trọng nhiều hơn để tăng cường cơ hội và tính chủ động trong phát triển năng lực của người học. Điều này đồng nghĩa với nhiều thay đổi về phương cách tổ chức dạy học, thi cử của nhà trường.
Về điều kiện đào tạo, sự phát triển vượt bậc của ICT trong thời gian gần đây đã tạo ra một nền tảng ứng dụng công nghệ thế hệ mới cho các tòa soạn, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng sản xuất và phân phối thông tin, đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải đầu tư cập nhật hệ thống trang thiết bị dạy học chuyên ngành với đòi hỏi không nhỏ về ngân sách.
Về năng lực giảng dạy, giảng viên được cập nhật và nâng cao năng lực số để đủ khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực báo chí. Cảnh quan xã hội thông tin thay đổi rất nhanh buộc giảng viên phải chủ động tiếp cận và cập nhật liên tục sự thay đổi trong lĩnh vực để cập nhật nội dung giảng dạy.
Bên cạnh việc xây dựng năng lực số cho các cử nhân BC&TT, việc tập trung xây dựng năng lực làm nội dung sáng tạo, kiểm chứng chuyên nghiệp và báo chí dữ liệu là định vị then chốt và bền vững về giá trị đào tạo BC&TT trong bối cảnh xã hội công nghệ phát triển vượt bậc, nhiều khâu lao động “giản đơn” trong nghề báo/truyền thông sẽ có khả năng bị thay thế dễ dàng bởi AI, bởi robot làm báo. Khoa BC&TT đã sớm đưa vào CTĐT các môn học mới như tư duy sáng tạo, đồ họa thông tin để chuẩn bị năng lực làm nội dung sáng tạo cho sinh viên.
Các tòa soạn nên “mở cửa” hơn nữa để đón nhận sinh viên thực tập và chủ động hỗ trợ tổ chức các “giờ học tòa soạn” – Nguồn: Khoa BC&TT Các tòa soạn nên “mở cửa” nhiều hơn nữa để đón nhận sinh viên thực tập
+ Trong tiến trình phát triển, khó khăn và thách thức là điều không thể tránh khỏi. Theo ông, những khó khăn thách thức mà các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông ở nước ta đang phải đối mặt là gì?
- Đối chiếu với những đòi hỏi nêu trên, có thể nhận ra 3 thách thức chính mà các trường đại học đào tạo chuyên ngành báo chí, truyền thông sẽ phải đối mặt. Trong đó, phải kể đến thách thức về định vị giá trị CTĐT.
Trong bối cảnh chuyển đổi số với sự thay đổi rất nhanh của xã hội thông tin, các trường đại học cần xác định tầm nhìn thế nào và cần áp dụng công nghệ thiết kế và vận hành CTĐT ra sao để có thể đào tạo các cử nhân chuyên ngành có năng lực vừa đáp ứng đòi hỏi trước mắt của thị trường, vừa đảm bảo tính bền vững trong phát triển bản thân và nghề nghiệp.
Đồng thời, thách thức về đổi mới phương thức tổ chức đào tạo cũng được đặt ra. Bởi, những hình thức dạy và học mới “phi truyền thống” sẽ phá vỡ nhiều thói quen tổ chức và quản lý đào tạo, đòi hỏi các trường phải có tinh thần mạnh dạn và tiên phong.
Ngoài ra, các trường đại học đào tạo còn đứng trước thách thức về nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực giảng dạy. Sự đổi mới của ngành báo chí, truyền thông dưới tác động của xã hội công nghệ trên thực tế đã đẩy nhiều giảng viên của ngành vào tình thế “lạc hậu”, kéo theo đó việc tìm kiếm đội ngũ thay thế sẽ tạo ra một “khoảng trống” nhân lực khó tránh khỏi.
+ Nhìn rộng ra bước tiến của ngành báo chí thế giới, theo ông, những mô hình đào tạo nào nước ta có thể học hỏi, ứng dụng?
- Sáng kiến CDIO là một khung giáo dục được khởi xướng tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vào cuối những năm 1990. CDIO là viết tắt của 4 từ Conceive – Design – Implement – Operate, phản ánh vòng đời căn bản nhất để tạo ra sản phẩm kỹ thuật. CDIO tuy xuất phát từ lĩnh vực đào tạo kỹ thuật, nhưng cách tiếp cận này trên thực tế có thể là một bài học tốt về xây dựng chương trình đào tạo (CTĐT) dựa trên đáp ứng yêu cầu của các bên liên quan và phản ánh được các yêu cầu về năng lực nghề nghiệp phù hợp với bối cảnh phát triển thực tế.
Giảng viên được cập nhật và nâng cao năng lực số, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực báo chí – Nguồn: Khoa BC&TT
Khoa BC&TT đã mạnh dạn áp dụng CDIO để tổ chức đào tạo dựa trên phân tích về vòng đời nghề báo CVEP (Collect – Verify – Explain – Publish) và vòng đời nghề truyền thông APPP (Analyze – Planning – Produce – Publish). Trên cơ sở của 2 vòng đời CVEP và APPP, cần xây dựng khung năng lực (competence framework) cụ thể để thiết kế chuẩn đầu ra và CTĐT chuyên ngành. Ở mỗi khâu trên vòng đời CVEP và APPP, các yêu cầu về năng lực số, năng lực sáng tạo được chỉ định cụ thể.
+ Để đạt được những chuyển biến tích cực hơn trong việc đổi mới đào tạo báo chí truyền thông trong thời gian tới, ngoài nhà trường, ông cho rằng các cơ quan báo chí cũng như cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí cần có sự phối hợp nào?
- Theo tôi, các tòa soạn nên “mở cửa” nhiều hơn nữa để đón nhận sinh viên thực tập và chủ động hỗ trợ tổ chức các “giờ học tòa soạn”. Còn về phía cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, theo tôi cần bổ sung định mức lao động “truyền thụ nghề nghiệp” đối với các chức danh nghề báo để quy chuẩn trách nhiệm của đội ngũ nhà báo đối với việc hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực báo chí chuyên nghiệp.
+ Trân trọng cảm ơn ông!
Kỳ Hoa (Thực hiện)