Mạnh dạn khởi nghiệp từ nghề truyền thống
Trong khi các hộ dân ở làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An, tỉnh Long An) còn làm bánh bằng phương pháp thủ công thì khoảng 3 năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Kiều Tiên (44 tuổi) đã chuyển sang làm bánh bằng máy.
2 giờ sáng, vợ chồng chị Tiên thức giấc, nhóm lửa để tráng bánh sau khi đã chuẩn bị nguyên liệu gạo ngâm từ đêm trước. Vài người cũng có mặt tại cơ sở để sẵn sàng làm việc. Những ngày gần tết, trời trở lạnh nhưng bên trong cơ sở của chị, ai nấy đều lấm tấm mồ hôi vì làm việc liên tục.
Quy trình làm bánh tráng bằng máy hiện đại, nhanh hơn so với làm thủ công. Dù phải dậy sớm và làm việc tất bật để giao hàng vào dịp tết nhưng chị và một số lao động đều phấn khởi. Thị trường bánh tráng những năm gần đây tuy không bằng những năm trước nhưng gần tết, đơn hàng lại tăng so với ngày thường nên mọi người đều rất vui.
Bà Bùi Thị Hồng (55 tuổi), làm việc tại cơ sở bánh tráng của chị Tiên, chia sẻ: “Tôi phụ làm bánh tráng đến nay được khoảng 7 năm, từ lúc gia đình Tiên còn làm bánh tráng bằng thủ công, còn hiện nay đã chuyển sang làm máy. Ở đây chia làm 2 ca, vì sức khỏe không tốt nên tôi chọn ca ngày. Tôi thấy công việc này phù hợp, vừa có thu nhập phụ giúp gia đình lại gần nhà nên tương đối thuận lợi”.
Chị Tiên cho hay, từ đời ông bà ngoại đã làm nghề bánh tráng. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho thị trường nên cũng như một vài hộ dân khác trong làng nghề, gia đình chị mạnh dạn đầu tư máy móc vào quy trình làm bánh tráng. Từ đó, năng suất cao hơn gấp nhiều lần so với làm thủ công như trước đây. Qua mấy năm tích góp tiền và thay đổi công nghệ, hiện chị Tiên có hơn 10 máy các loại, phục vụ việc làm bánh.
Bánh tráng được làm từ gạo xay. Nguyên liệu được chọn phải là loại gạo tốt nhất mới có thể làm ra những chiếc bánh ngon. Gạo được ngâm mềm rồi xay thành bột mịn. Sau đó, lọc bỏ nước chua, pha bột với nước sao cho không loãng cũng không quá đặc rồi đem tráng mỏng thành bánh, phơi khô, cắt bánh, đóng gói,... Trải qua nhiều công đoạn, chiếc bánh tráng nhìn tưởng chừng đơn giản nhưng tốn bao công sức, thời gian, kể cả sự khéo léo, tỉ mỉ của người làm.
“Làm bánh tráng bằng máy, áp dụng khoa học - công nghệ giúp tôi giảm bớt nhân công, từ đó tăng số lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Năm đầu tiên áp dụng máy móc vào quy trình làm bánh, gia đình tôi thu lợi nhuận khoảng 13 triệu đồng/tháng, đến nay là năm thứ 3 nên lợi nhuận tăng gấp đôi.
Tuy nhiên, khi thực hiện mô hình này, tôi cũng gặp khó khăn về vốn đầu tư. Để trang bị máy móc, không phải người làm bánh tráng nào cũng có khả năng đầu tư. Nhưng vì đây là nghề truyền thống từ mấy chục năm nay của gia đình nên tôi cố gắng đầu tư máy móc để giữ nghề” - chị Tiên nói.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phường 5 - Trần Thị Ngọc Hận cho biết, chị Tiên là một trong số ít những hộ làm bánh tráng tại địa phương chuyển từ làm thủ công sang làm bằng máy. Mô hình này của chị vừa đoạt giải Nhì cuộc thi “Phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp năm 2021” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh tổ chức vào cuối tháng 12/2021. Do gặp khó về vốn nên thời gian qua, Hội tạo điều kiện cho chị Tiên vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển nghề truyền thống của gia đình./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/manh-dan-khoi-nghiep-tu-nghe-truyen-thong-a128703.html