Mảnh gạch cổ thời Trần tại thôn Cát Tiền

Bảo tàng tỉnh Hải Dương đang lưu giữ 10 mảnh gạch cổ thời Trần. Số di vật quý này được phát hiện tại thôn Cát Tiền, xã Hồng Hưng (Gia Lộc).

Mảnh gạch cổ thời Trần phát hiện tại thôn Cát Tiền được lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh

Mảnh gạch cổ thời Trần phát hiện tại thôn Cát Tiền được lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh

Khoảng 1 năm trước, sau khi nhận được thông tin từ chị Nguyễn Thị Vóc, sinh năm 1974, tại thôn Cát Tiền về việc người dân cùng xã phát hiện gạch, ngói cổ tại mảnh vườn của gia đình, Bảo tàng tỉnh Hải Dương đã phối hợp UBND xã Hồng Hưng tiến hành khảo sát thực địa.

Được biết làng Cát Tiền xưa có tên chữ là làng Tiền, tên nôm gọi là làng Cát, thuộc xã Cát Khê, tổng Phương Xá, huyện Gia Lộc. Sau Cách mạng Tháng Tám, đến đầu năm 1946 làng thuộc xã Phương Cát. Đến cuối năm 1948, thuộc xã Hồng Hưng cho đến ngày nay. Làng xưa có cảnh quan “trên bến dưới thuyền”, có chợ Cát đông đúc và hệ thống di tích đền, chùa, miếu cùng nhiều cây cổ thụ.

Qua tìm hiểu, chủ nhân của mảnh vườn nơi phát hiện di vật kể trên là vợ chồng ông Nguyễn Văn Tường (sinh 1966) và bà Nguyễn Thị Lý (sinh 1969). Ông bà cho biết mảnh đất này trước đây thuộc khu Lò Ngói của HTX Nông nghiệp Hồng Hưng, gần đây được chuyển đổi thành vườn trồng cây ăn quả của gia đình.

 Đoàn khảo sát tại hiện trường thôn Cát Tiền, xã Hồng Hưng (Gia Lộc)

Đoàn khảo sát tại hiện trường thôn Cát Tiền, xã Hồng Hưng (Gia Lộc)

Ngày 8.12.2021, trong khi cải tạo đất làm vườn, ông Tường phát hiện nhiều mảnh gạch ngói cổ màu đỏ non, không có hoa văn. Dải gạch ngói kéo dài khoảng 2 m; sâu 50 - 60 cm so với mặt ruộng; kích thước trung bình của di vật dài 15,5 cm, rộng 10,5 cm, dầy 1-5 cm. Căn cứ đặc điểm chất liệu và màu sắc của hiện vật và so với một số hiện vật cùng thời, cán bộ khảo sát bước đầu nhận định số gạch ngói trên có niên đại khoảng cuối thời Trần (thế kỷ XIV) và có liên quan đến một công trình kiến trúc cổ nào đó. Sau này, địa phương đã vô tình xây dựng lò sản xuất gạch ngói trùm lên di tích. Đây là vấn đề khoa học cần tiếp tục nghiên cứu.

Theo khảo sát cách vườn nhà ông Tường khoảng 500 m về phía tây có địa danh Quán Mốc (tên địa danh Quán Mốc có từ sau năm 1945, là vị trí có nhiều gò đống). Tại đây có nhiều mảnh gạch ngói cổ giống như các hiện vật phát hiện tại khu Lò Ngói. Qua nhiều năm canh tác, gạch ngói bị xáo trộn, biến dạng. Ông Tường còn cho biết thêm năm 2016, có kẻ gian dùng máy dò kim loại đào trộm ở Quán Mốc trong đêm, lấy đi 1 chum tiền xu cổ, không rõ thời nào (?).

Đây là bài học của địa phương trong việc quan tâm bảo tồn di sản văn hóa dân tộc và tuyên truyền Luật Di sản văn hóa đến với người dân địa phương.

HƯƠNG HOÀNG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/dat-va-nguoi-xu-dong/manh-gach-co-thoi-tran-tai-thon-cat-tien-222010