'Mánh khóe' tinh vi của tổ chức lừa đảo quốc tế tại Tam giác Vàng
Tổ chức lừa đảo chỉ đạo 'nhân viên' dùng Facebook ảo để kết bạn với những người phụ nữ đơn thân, thiếu thốn tình cảm. Sau khi tạo lòng tin, các đối tượng sẽ kêu gọi đầu tư và chiếm đoạt tiền.
Thủ đoạn tinh vi
Chiều 16/8, Công an tỉnh Hà Tĩnh công bố lời khai ban đầu của một số người trong chuyên án bắt giữ 155 đối tượng của tổ chức lừa đảo chiếm đoạt tài sản quốc tế, hoạt động tại Tam giác Vàng (tỉnh Bokeo, Lào).
Theo cơ quan điều tra, Đinh Văn Châu - một tổ trưởng trong đường dây lừa đảo quốc tế khai nhận, trước đây đối tượng này đến tỉnh Bokeo làm việc và quen biết một người bạn. Người này ngỏ ý sẽ mở công ty riêng nên rủ Châu đến làm việc cùng.
Thời gian đầu, Châu làm việc như một nhân viên bình thường và không biết đây là công việc lừa đảo. Nếu có ý định bỏ về nước, Châu sẽ phải bồi thường 70 triệu đồng tiền hợp đồng.
Quá trình làm việc, Châu được giao làm tổ trưởng với nhiệm vụ giám sát, đôn đốc các nhân viên dưới trướng tại công ty làm việc. Tùy nhiệm vụ được giao theo ngày hoặc tuần, các nhân viên sẽ phải lên mạng xã hội kết bạn và trò chuyện với các “khách hàng” mới.
“Quá trình nhắn tin qua mạng để tạo tình cảm, niềm tin, mục đích để sau này đưa con mồi vào ứng dụng kêu gọi đầu tư”, Châu khai.
Mỗi ngày, một nhân viên phải tương tác với 2 khách hàng mới trong ngày. Những khách hàng được nhắm đến chủ yếu là phụ nữ đơn thân, thiếu thốn tình cảm. Mục đích nhân viên kết bạn với khách hàng để tạo lòng tin, sau khi chín muồi sẽ dẫn khách hàng vào các ứng dụng do công ty viết ra để họ đầu tư và chiếm đoạt tài sản.
Quá trình nhân viên trong đường dây lừa đảo này tìm khách hàng dựa trên một tài liệu mà công ty cung cấp. Trong đó, ghi rõ quy trình đi tìm khách hàng, làm quen, chào hỏi, nói chuyện với khách hàng như thế nào để tình cảm ngày càng sâu đậm hơn.
Từ nạn nhân đến kẻ lừa đảo
Một người phụ nữ trong đường dây lừa đảo quốc tế vừa bị công an triệt phá, khai nhận lúc được giới thiệu vào làm việc được hứa trả lương mỗi tháng 5.000 nhân dân tệ. Tuy nhiên hai tháng đầu không có doanh thu, bị phạt, nên tổng số tiền chỉ nhận được 4.000 nhân dân tệ (khoảng 17 triệu đồng).
Hằng ngày, nhóm nhân viên trong đường dây được quản lý và tổ trưởng giao cho các Facebook ảo để đi nói chuyện với những phụ nữ trung niên ở Việt Nam. Các Facebook ảo sẽ đăng tải các thông tin cá nhân là những doanh nhân thành đạt, giàu có, thường xuyên đăng ảnh ăn chơi những nơi sang trọng.
Lúc đầu nói chuyện với khách hàng sẽ hỏi năm sinh, quê quán, rồi sau đó nói chuyện quan tâm đến cuộc sống của nhau. Khi khách hàng đã tin tưởng sẽ dẫn khách hàng vào “mua phòng” nộp tiền đầu tư. Trong vòng 3 ngày nếu không có khách hàng tiềm năng nói chuyện, các nhân viên trong đường đường dây này sẽ bị trừ tiền thậm chí bắt phải chống đẩy, có nhiều nhân viên còn bị những kẻ cầm đầu đánh đập.
Nhiều người trong đường dây từng muốn trốn về nước song bị những kẻ cầm đầu nhốt lại trong các tòa nhà, không cho ra khỏi nhà. Các trường hợp khác muốn về nước phải gọi điện về cầu cứu người thân với số tiền đền hợp đồng rất lớn.