Mạnh tay chấn chỉnh thị trường đa cấp

Theo số liệu từ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, năm 2024, trong lĩnh vực quản lý bán hàng đa cấp đã kiểm tra, xử phạt 4 DN với số tiền 985 triệu đồng, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 1 DN.

Trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đã kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 610 triệu đồng. Hiện tại, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đang tiếp tục triển khai 5 đoàn thanh tra chuyên ngành, lĩnh lực quản lý bán hàng đa cấp.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tăng cường công tác quản lý cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Lực lượng Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước (cơ quan quản lý thị trường) chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; chủ động, tích cực kiểm tra hoạt động của các tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp… Đây được xem là những động thái mạnh mẽ của nhà quản lý trong việc chấn chỉnh thị trường bán hàng đa cấp hiện nay.

Phải nói rằng, kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam, do các quy định và chế tài quản lý còn lỏng lẻo và nhiều kẽ hở nên loại hình kinh doanh đa cấp đã phát triển và biến tướng theo chiều hướng rất xấu. Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng tính hợp pháp của mô hình kinh doanh này để trục lợi, làm trái các quy định của pháp luật Việt Nam và lôi kéo nhiều người dân tham gia. Đáng nói, các hình thức biến tướng dựa trên mô hình kinh doanh đa cấp vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động ngày càng tinh vi. Hiện tượng lợi dụng lòng tin của người tham gia đa cấp để lừa đảo đã liên tục diễn ra gây tác hại lớn cho nền kinh tế và bức xúc trong Nhân dân.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, hiện nay, cả nước có 20 DN có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động. Tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp hiện khoảng 750.000 người, doanh thu tăng trưởng tốt từ 10 - 20%/năm. Không phủ nhận hoạt động kinh doanh đa cấp được quản lý theo đúng quy định sẽ góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu ngân sách cho Nhà nước.

Tuy nhiên, việc cần làm hiện nay đối với mỗi địa phương là tăng cường tuyên truyền để cán bộ, người dân thận trọng, kiểm tra kỹ tính pháp lý và không tham gia vào các hoạt động đầu tư, kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được các cơ quan Nhà nước cấp phép. Còn với các DN có đăng ký bán hàng đa cấp phải thực hiện nghiêm các quy định, cũng như tự kiểm tra, giám sát đối với hoạt động bán hàng đa cấp của mạng lưới phân phối, người tham gia bán hàng đa cấp của đơn vị, DN không để biến tướng.

Trong thời gian tới, để tiếp tục chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng, Bộ Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của DN, phát hiện và xử lý kịp thời các DN hoạt động biến tướng. Đồng thời, Bộ Công Thương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo để nâng cao nhận thức của người dân trước các biểu hiện của đa cấp biến tướng; cũng như phối hợp với các bộ, ngành, lực lượng liên quan, đặc biệt là cơ quan công an, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, nâng cao tính răn đe và ngăn ngừa sớm các hệ lụy xấu cho xã hội.

Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công Thương, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cùng các bộ, ngành liên quan và các địa phương, công tác quản lý bán hàng đa cấp ngày càng đạt hiệu quả thực chất, đưa thị trường bán hàng đa cấp vận hành ổn định trong khuôn khổ pháp luật.

Bình Minh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/manh-tay-chan-chinh-thi-truong-da-cap.html