Mạnh tay chặn thao túng thị trường chứng khoán
Đâu đó trên thị trường vẫn xuất hiện nhiều mã cổ phiếu tăng giảm bất thường trong nhiều phiên liên tục nhưng không ai giải thích được lý do vì sao
Một số tổ chức, cá nhân thông đồng mở nhiều tài khoản chứng khoán để mua bán chéo, tạo cung cầu giả đối với vài cổ phiếu trong thời gian dài nhưng chỉ số ít vụ bị xử lý hình sự. Còn phần lớn các vụ việc không bị phát hiện, ngăn chặn; nếu có thì chỉ bị xử lý hành chính, chưa đủ sức răn đe.
Những vụ việc chấn động
Ngày 5-8, phiên tòa xét xử Trịnh Văn Quyết và đồng phạm đã chính thức khép lại với việc ông Quyết bị tòa tuyên phạt 3 năm tù về tội "Thao túng thị trường chứng khoán (TTCK)" và 18 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Trước phiên tòa này, năm 2023, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án thao túng TTCK đối với Đỗ Thành Nhân (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Louis Holdings) cùng 7 đồng phạm. Theo đó, Đỗ Thành Nhân bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù về tội "Thao túng TTCK" (đầu năm 2024 giảm còn 4 năm).
Cả 2 vụ án này cùng bị phanh phui trong năm 2022, gây chấn động TTCK thời điểm đó. Hàng ngàn nhà đầu tư đã thua lỗ nặng khi các mã cổ phiếu liên quan lao dốc không phanh. Từ đó đến nay, nhiều vụ việc thao túng TTCK, tạo cung cầu giả đã bị cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt.
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước đã xử phạt 4 cá nhân mỗi người 1,5 tỉ đồng vì đã sử dụng 26 tài khoản để liên tục mua bán cổ phiếu PSH của Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu nhằm tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu trong thời gian dài, từ ngày 1-2-2021 đến 27-5-2022. Những người này gồm: ông Mai Hữu Phúc, bà Võ Như Thảo, bà Đỗ Thủy Tiên và ông Trần Minh Hoàng.
Một cá nhân khác là ông Nguyễn Việt Hà cũng bị UBCK Nhà nước xử phạt 1,5 tỉ đồng và cấm giao dịch chứng khoán trong 2 năm do có hành vi thao túng TTCK. Ông Hà còn bị cấm đảm nhận chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán với thời hạn 2 năm.
Theo UBCK Nhà nước, ông Hà đã mở 23 tài khoản để liên tục mua bán cổ phiếu GKM của Công ty CP Khang Minh Group. Hành vi này nhằm tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu GKM trong suốt 8 tháng (từ ngày 2-8-2021 đến 28-1-2022).
Ngoài ra, từ tháng 11-2023 đến tháng 1-2024, UBCK Nhà nước cũng đã xử phạt 3 cá nhân, gồm: ông Nguyễn Hữu Đức, ông Ngô Huỳnh Minh Uy và ông Lưu Thái Hải, mỗi người 1,5 tỉ đồng và cấm giao dịch chứng khoán trong 2 năm do có hành vi thao túng TTCK. Đáng chú ý, cả 3 cá nhân này cùng thao túng mã cổ phiếu FIR của Công ty CP Địa ốc First Real liên tục nhiều tháng.
Trong đó, ông Nguyễn Hữu Đức sử dụng tài khoản của chính mình và 75 tài khoản của 21 nhà đầu tư để liên tục mua bán, giao dịch cổ phiếu FIR. Ông Lưu Thái Hải và ông Ngô Huỳnh Minh Uy đã sử dụng 76 tài khoản chứng khoán để liên tục mua bán, giao dịch giữa các tài khoản với nhau nhằm tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu FIR từ ngày 4-1 đến 17-6-2022.
Cũng trong vụ việc này, UBCK Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt 19 cá nhân khác vì hành vi cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, dẫn đến hành vi thao túng TTCK.
Chế tài quá nhẹ?
Nhận định vì sao thời gian qua có nhiều vụ việc thao túng TTCK bị phanh phui và xử lý, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích - Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng vấn đề là ở chỗ chế tài chưa đủ mạnh để tạo sức răn đe hơn.
Theo chuyên gia Yuanta Việt Nam, để giảm thiểu những vụ thao túng trên TTCK, không chỉ cần giải pháp mạnh tay với DN niêm yết mà cơ quan quản lý còn phải tuyên truyền cho các nhà đầu tư. Chỉ cần nhà đầu tư không mua "cổ phiếu rác", cổ phiếu của DN thường xuyên vi phạm… cũng đã góp phần làm thị trường lành mạnh hơn.
"Nhiều nhà đầu tư cá nhân thường phản ứng thái quá đối với những sai phạm của DN dù lớn hay nhỏ, dẫn đến dễ bị thao túng tâm lý, bán tháo theo tin đồn, gây thiệt hại cho bản thân và cả DN niêm yết. Trong khi đó, sai phạm lớn nhất của DN niêm yết phải là sai phạm liên quan việc công bố thông tin về báo cáo tài chính, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến TTCK và nhà đầu tư" - ông Minh nhìn nhận.
Ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển đề cập sự buông lỏng quản lý hoặc việc thiếu chặt chẽ của cơ quan chức năng thời gian qua đã dẫn đến những hành vi thao túng TTCK. Trong hành lang pháp lý cho TTCK, vấn đề chính nằm ở quá trình thực thi.
"Trước mắt, chưa cần nghĩ tới những giải pháp mới, chỉ cần UBCK Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán, công ty kiểm toán... làm đúng vai trò của mình thì chắc chắn TTCK sẽ tốt hơn. Nếu các công ty kiểm toán làm chặt báo cáo tài chính của DN niêm yết, số liệu phản ánh đúng tình hình của DN; cơ quan quản lý kiểm soát chặt việc mở tài khoản tràn lan... sẽ giúp cải thiện đáng kể tính minh bạch cho TTCK" - ông Hiển nhận định.
Một chuyên gia tài chính, chứng khoán dẫn chứng ở nước ngoài, cá nhân hay tổ chức dính đến thao túng TTCK đều bị xử lý hình sự, tịch thu hết tài sản thu lợi bất chính và xử phạt rất nặng để răn đe. Trong khi đó, những vi phạm tương tự ở Việt Nam còn xử lý quá nhẹ.
"Thời gian tới, khi Chính phủ chủ trương phát triển TTCK lành mạnh và hướng đến việc nâng hạng, cần triển khai các hoạt động tuyên truyền pháp luật cho nhà đầu tư; đồng thời xử lý mạnh tay các cá nhân, tổ chức vi phạm nhằm tăng niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia TTCK" - chuyên gia này góp ý.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM, cho rằng những giải pháp ngăn chặn thao túng TTCK đang tập trung vào hình thức, chưa đi sâu vào thực chất. Chẳng hạn, việc bán chui cổ phiếu diễn ra rất phổ biến nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để. Giải pháp đơn giản là chỉ cần bắt buộc lãnh đạo DN và những người liên quan phải mở một tài khoản đặc biệt, muốn bán thì phải có sự chấp thuận của UBCK Nhà nước hoặc Sở Giao dịch chứng khoán.
"Không nên để họ mua bán chui xong rồi mới xử lý hành chính, khi đó là quá muộn vì đã gây thiệt hại cho nhà đầu tư khác rồi. Đó là thực tế diễn ra rất nhiều năm nhưng chúng ta chưa làm được" - PGS-TS Nguyễn Hữu Huân trăn trở.
Một vấn đề khác liên quan đến việc kiểm toán độc lập. Trên TTCK, rất nhiều sai phạm liên quan báo cáo tài chính nhưng chỉ một số vụ bị xử lý hình sự. Trong những vụ này, vai trò của công ty kiểm toán rất mờ nhạt trong khi về lý thuyết, họ là người đầu tiên phát hiện sai phạm hoặc những vấn đề của DN để đưa ra ý kiến loại trừ hoặc cảnh báo cho các nhà đầu tư biết.
"Cần quy định chặt chẽ và nâng cao vai trò, trách nhiệm của công ty kiểm toán trong việc phát hiện sai phạm của DN để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Việc tăng cường biện pháp có tính răn đe hơn đối với trường hợp làm giá, lũng đoạn TTCK sẽ góp phần tạo niềm tin cho nhà đầu tư" - ông Huân góp ý.
Thế nào là thao túng TTCK?
Theo Nghị định 156/2020/NĐ-CP (quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK), khoản 2 điều 3 nêu rõ: Thao túng TTCK được hiểu là việc thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và TTCK - quy định tại khoản 3 điều 12 Luật Chứng khoán - gồm một, một số hoặc tất cả hành vi:
- Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hay thông đồng để liên tục mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo;
- Đặt lệnh mua bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu, hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;
- Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường, nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;
- Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua bán chứng khoán, gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;
- Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;
- Sử dụng các phương thức, thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.
Luật sư Trương Văn Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/manh-tay-chan-thao-tung-thi-truong-chung-khoan-196240811195340508.htm