Mạnh tay chi tiền mua giống bưởi hồng như ngọc ruby về ăn thử
Mặc dù loại bưởi ruby từ Thái Lan mới xuất hiện ở Việt Nam nhưng lại có giá cao hơn gấp nhiều lần so với bưởi trong nước, khoảng hơn 300.000 đồng một quả và được nhiều người sành ăn lùng mua.
Thời gian gần đây, nhiều người dân ở Miền Tây quan tâm đến một giống bưởi lạ, xuất xứ từ Thái Lan có tên ruby. Đặc điểm của bưởi ruby là da xanh, màu sắc đẹp, ruột đỏ, vị ngọt và vỏ mỏng, thích hợp để đi biếu, tặng...
Sở dĩ loại này được gọi là bưởi ruby vì chúng có màu đỏ đậm như màu ngọc ruby. Khác với bưởi da xanh, loại này tép mềm, nằm ngang chứ không nằm dọc như giống thông thường. Mặt khác, loại này vỏ khá mỏng nên thịt nhiều, ăn thơm ngon.
So với bưởi của Việt Nam thì giống bưởi này đắt hơn nhiều lần (có nơi rao bán từ 300.000 - 350.000 đồng/quả) nhưng người tiêu dùng vẫn mạnh tay chi tiền. Vì vậy nhiều nhà vườn ở Miền Tây bắt đầu trồng giống bưởi ruby.
Theo ông Võ Ngọc Duy Phong ở Vĩnh Long, trước đây khi được cho ăn thử, ông thấy bưởi ngọt, màu sắc đẹp lại mọng nước nên mua 100 cây giống, với giá 600.000 đồng một cây về trồng.
Được biết, loại cây này sinh trưởng mạnh nên hạn mặn vẫn không khiến cây ngừng phát triển. Hiện vườn bưởi 2,2 ha nhà ông đã ra trái đều và sai quả nhưng vì năm đầu tiên nên chỉ để ăn và cho bà con trong vùng thưởng thức. Đa phần trái bưởi ruby đạt chuẩn là từ 1,5 kg trở lên nhưng cũng phải đến 2 năm nữa mới có sản lượng nhiều để bán.
Hiện nay, nhiều người tiêu dùng đang “săn lùng” mua bưởi ruby nên một số nhà vườn ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long bắt đầu trồng loại bưởi này. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm cho biết, Sở đã nắm được việc người dân trồng giống bưởi ruby nói trên.
Cũng theo ông Liêm, đây là giống bưởi chưa nằm trong danh mục giống cây trồng của Bộ NN&PTNT.
"Do đó, chưa được phép sản xuất, kinh doanh mua bán giống bưởi này. Còn việc người dân trồng thử thì đây là chuyện của họ. Do đó, mình chưa có khuyến cáo hay hướng dẫn gì về giống bưởi này. Sở NN-PTNT Vĩnh Long cũng đã báo cáo giống bưởi này về Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT), nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được ý kiến gì từ Cục”, ông Liêm nói.
Trúc Chi (tổng hợp)