Mạnh tay hơn mới thu được thuế của YouTuber
Tính đến cuối năm 2020, Việt Nam chỉ có khoảng 30% trong 15.000 kênh được bật nút kiếm tiền trên YouTube có thực hiện nghĩa vụ thuế. Vậy những trường hợp còn lại thì làm thế nào để truy thu thuế từ họ?
Hiện YouTuber nhận được tiền thông qua hai cách là nhận trực tiếp từ YouTube (Google Adsense) hoặc nhận thông qua Network. Theo đó, cách thức quản lý thuế đối với các YouTuber trong hai cách trên có sự khác nhau.
Khi YouTuber nhận tiền thông qua Network, bản chất đây là hoạt động hợp tác giữa YouTube, Network và YouTuber nên cơ quan thuế yêu cầu Network phải kê khai nộp thuế cho YouTuber. Với cách thức này, việc quản lý sẽ dễ dàng hơn vì Network có nghĩa vụ nộp thuế cho các YouTuber và cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thuế để kiểm soát, giám sát hoạt động thực hiện nghĩa vụ thuế của YouTuber. Theo đó, Network nếu không thực hiện nghĩa vụ của mình thì họ phải chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý thuế.
Cách thứ hai là YouTuber nhận tiền trực tiếp từ Google Adsense, đây cũng là sự hợp tác giữa YouTuber và YouTube nhưng cơ quan quản lý thuế không thể yêu cầu YouTube thay YouTuber nộp thuế. Bởi lẽ YouTube ở nước ngoài nên chính YouTuber là người phải kê khai và nộp thuế.
Pháp luật hiện nay có những quy định chặt điều chỉnh đối với khoản thu nhập của YouTuber. Theo khoản 1 Điều 2 Luật Quản lý thuế 2019, Network và YouTuber đều được coi là người nộp thuế nên các chủ thể này có nghĩa vụ phải đăng ký, kê khai, nộp thuế (nếu có).
Về hành chính nếu vi phạm thủ tục về thuế, kê khai sai và trốn thuế thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền đến ba lần số tiền thuế trốn và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp đủ số tiền thuế trốn (Nghị định 125/2020). Về hình sự thì hành vi trốn thuế có thể bị xử lý theo Điều 200 BLHS 2015. Các cơ quan quản lý thuế đã và đang tích cực để quản lý thu thuế đối với YouTuber nhưng chỉ là những YouTuber nghiêm túc kê khai, nộp thuế.
Sau sự kiện Sở TT&TT tỉnh Bình Dương xử phạt 7,5 triệu đồng đối với YouTuber Thơ Nguyễn, nhiều người quan tâm đến việc nộp thuế của YouTuber này. Thơ Nguyễn hiện có ba kênh trên YouTube, TikTok và fanpage. Theo trang SocialBlade.com (website chuyên thống kê xếp hạng các tài khoản mạng xã hội), các kênh của Thơ Nguyễn thu về hơn 1,7 tỉ lượt xem trong năm 2020, doanh thu tương đương 16 tỉ đồng/năm. Qua rà soát, Tổng cục Thuế cho biết trong các năm 2019, 2020 và 2021, Thơ Nguyễn đã kê khai, nộp thuế khoảng 2 tỉ đồng.
Báo Lao Động Online ngày 11-4-2020 có bài thống kê thu nhập “khủng” của ba nữ YouTuber hàng đầu khác nhưng không rõ việc kê khai, đóng thuế ra sao.
Đó là YouTuber Hậu Hoàng tại Hà Nội sở hữu kênh YouTuber có hơn 5,77 triệu người đăng ký có nội dung về những video nhạc chế hoặc vlog trò chuyện, ước tính doanh thu một năm 6,4-104 tỉ đồng. Hương Ly là một YouTuber với những bản cover hàng triệu view, số người theo dõi kênh là 3,35 triệu, doanh thu mỗi năm 3,2-52 tỉ đồng. YouTuber Misthy (tên thật là Lê Thy Ngọc) chuyên về livestream game, cùng với kỹ năng chơi game tốt có 4,96 triệu người đăng ký, doanh thu 3,6-59,1 tỉ đồng/năm.
Theo Bộ TT&TT, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam chỉ có khoảng 30% trong 15.000 kênh được bật nút kiếm tiền trên YouTube có thực hiện nghĩa vụ thuế. Vậy việc thu và truy thu thuế đối với những nguồn thu nhập đến từ hoạt động kênh YouTube đang gặp khó khăn nên cần có giải pháp.
Một là, các YouTuber chưa thật sự ý thức được nghĩa vụ nộp thuế mặc dù Nhà nước đã tiến hành các hoạt động tuyên truyền. Vì vậy, cơ quan quản lý thuế cần có biện pháp mạnh tay hơn để xử lý các hành vi vi phạm nghĩa vụ thuế, thậm chí có thể áp dụng cả biện pháp hình sự.
Hai là, sự phối kết hợp trong thông tin về thuế chưa thật sự được thực hiện hiệu quả giữa cơ quan quản lý thuế Việt Nam và cơ quan quản lý thuế nước ngoài (Mỹ). Hiện nay, Mỹ và Việt Nam đã ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Tuy nhiên, các thông tin về thuế của những người nộp thuế giữa các cơ quan quản lý thuế của hai quốc gia chưa thật sự hiệu quả. Hệ quả là cơ quan quản lý thuế chưa có đầy đủ thông tin về thu nhập của các YouTuber để thực hiện việc truy thu và xử lý đối với các hành vi vi phạm.
Việc không chủ động khai thuế hoặc khai không chính xác đến từ việc nhiều YouTuber nghĩ rằng cơ quan quản lý thuế không thể phát hiện chính xác thu nhập của họ. Vì vậy, cơ quan quản lý thuế cần thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình theo khoản 3 Điều 12 Luật Quản lý thuế 2019 là: Tổ chức khai thác, trao đổi thông tin và hợp tác nghiệp vụ với cơ quan quản lý thuế nước ngoài, các tổ chức quốc tế có liên quan.
Khi các thông tin của người nộp thuế đầy đủ, cơ quan quản lý sẽ sử dụng các công cụ được hỗ trợ như xử lý vi phạm về thuế và cưỡng chế thi hành việc thu thuế.
Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/manh-tay-hon-moi-thu-duoc-thue-cua-youtuber-973897.html