Mạnh tay ngăn chặn các vụ việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm 'bẩn'
Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý nhiều vụ kinh doanh, vận chuyển thực phẩm 'bẩn', nhập lậu, không đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, nhiều vụ việc vi phạm với quy mô lớn, thủ đoạn tinh vi hòng qua mặt lực lượng chức năng.
Phát hiện nhiều vụ thực phẩm từ hết hạn đến không nguồn gốc
Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã kiểm tra 3.182 vụ về an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý 2.241 vụ vi phạm, số tiền xử phạt gần 9,7 tỉ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu vi phạm trên 2,3 tỉ đồng.
Điển hình như ngày 13/4, Đội QLTT số 10, Cục QLTT Hà Nội đã phối hợp với Công an huyện Mê Linh khám lô hàng hóa móng giò lợn đông lạnh của Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Nam Khải Phú, Công ty đã đăng ký thay đổi tên là Công ty cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ Nam Khải Phú đã hết hạn sử dụng. Quá trình kiểm tra, xác minh, làm việc đã xác định Công ty cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ Nam Khải Phú gửi, lưu giữ bảo quản 53.640 kg thùng móng giò lợn đông lạnh chứa ghi xuất xứ Canada quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa.
Hay như vào ngày 20/6, sau khi nhận được nguồn tin báo của quần chúng nhân dân, Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh tiến hành kiểm tra phương tiện xe ô tô BKS: 15H-043.74 của ông Nguyễn Thắng Mạnh, có địa chỉ thường trú tại thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão, TP Hải Phòng. Kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện trên phương tiện vận chuyển 1.800kg thịt vịt đã sơ chế (5kg/gói) có nguồn gốc từ Trung Quốc và 1.140kg trứng gà non đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đáng nói, tại thời điểm kiểm tra, ông Nguyễn Thắng Mạnh là chủ hàng chưa xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ gì chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa nêu trên.
Đặc biệt nhiều vụ việc phát hiện hàng hóa đã bốc mùi hôi thối như vụ việc Đội QLTT số 5, Cục QLTT Sơn La đã phối hợp với Công an huyện Thuận Châu tiến hành kiểm tra phương tiện đối với một ô tô tải đang xuống hàng tại xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện ông Q.V.T vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, tổng khối lượng số hàng hóa gồm 300 kg nội tạng động vật. Toàn bộ số hàng hóa đều đã biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối…
Ngoài ra, theo ghi nhận của Cục QLTT TP Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, các Đội QLTT đã kiểm tra 4.542 vụ chuyên ngành và phối hợp liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có 39 vụ vi phạm. Theo đó, đã kiểm tra đột xuất và kiểm tra định kỳ 87 vụ, trong đó có 35 vụ vi phạm, các hành vi vi phạm chủ yếu, gồm: hàng không hóa đơn chứng từ; hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; sử dụng người lao động không mang trang phục bảo hộ lao động theo quy định; khu vực chứa đựng, kho bảo quản không có hoặc không đầy đủ giá, kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh; không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh...Số lượng hàng hóa vi phạm tạm giữ gồm có 5.547 đơn vị sản phẩm và 1.414 kg thực phẩm các loại, với tổng trị giá hơn 200 triệu đồng. Đã xử phạt hành chính với số tiền là 340.100.000 đồng.
Còn tại Kiên Giang, lực lượng QLTT luôn coi công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được xem là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Kết quả, trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, từ ngày 15/4 – 15/5/2023, Cục QLTT Kiên Giang đã tiến hành kiểm tra 50 vụ, phát hiện 6 vụ vi phạm về hành vi trực tiếp đưa tạp chất vào thủy sản (tôm sú nguyên liệu), không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định; Phạt tiền 28.500.000 đồng. Bên cạnh đó, Cục cử công chức tham gia phối hợp với lực lượng chức năng tuyến huyện, tỉnh kiểm tra 244 vụ, phát hiện 5 cơ sở vi phạm, buộc tiêu hủy 14,16kg thực phẩm hết hạn sử dụng, còn lại nhắc nhở, buộc làm cam kết đối với một số cơ sở.
Tăng cường các giải pháp ngăn chặn
Có thể thấy, tình hình buôn bán, vận chuyển thực phẩm “ bẩn”, thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, chủng loại hàng hóa đa dạng hơn gây khó khăn cho lực lượng QLTT trong việc phát hiện và xử lý.
Để ngăn chặn tình trạng này, lực lượng QLTT đã tăng cường công tác kiểm tra về an toàn thực phẩm, thực hiện thường xuyên, kịp thời. Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý nhiều vi phạm pháp luật trong an toàn thực phẩm, có tác dụng răn đe, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, việc kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc đã giảm so với trước.
Tổng cục QLTT đã văn bản số 361/TCQLTT-CNV ngày 27/2/2022 về việc triển khai công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2023. Đồng thời, có văn bản số 604/TCQLTT-CNV ngày 31 tháng 3 năm 2023 về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 332/KH-BCĐTƯATTP ngày 10 tháng 3 năm 2023 của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm và triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
Theo đó, chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành tăng cường công tác quản lý địa bàn, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, trong đó tập trung vào các địa bàn trọng điểm, các điểm trung chuyển hàng hóa, kho hàng, các giao dịch thương mại điện tử chào bán, quảng cáo thực phẩm để kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn sử dụng.
Chú trọng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chế biến, bao gói sẵn, các mặt hàng thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công thương như rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo,…
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, hành động, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm và thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.