Mạnh tay trấn áp tội phạm liên quan đến 'tín dụng đen'
Với nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và nhân dân… đến nay, công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến 'tín dụng đen' trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã đạt được những kết quả tích cực; góp phần kiềm chế tội phạm, đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Bám địa bàn, bám đối tượng, liên tiếp triệt phá các ổ nhóm
Kết quả phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có thể được chứng minh bằng những con số ấn tượng. Chỉ tính riêng trong năm 2023, Phòng Cảnh sát hình sự và các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Hưng Yên đã phát hiện, giải quyết 62 vụ có liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".
Trong đó, đã khởi tố 27 vụ/35 bị can về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". Riêng quý 1/2024, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Hưng Yên đã phát hiện, giải quyết 18 vụ liên quan đến hoạt động "tín dụng đen"; khởi tố 6 vụ, 6 bị can…
Điển hình như việc bóc gỡ ổ nhóm cho vay lãi nặng do vợ chồng Nguyễn Văn Doanh (SN 1985) và Phạm Thị Phượng (SN 1987, cùng trú tại phường An Tảo, TP Hưng Yên) điều hành. Trước đó, từ thông tin tố giác tội phạm của quần chúng về hai đối tượng gồm Phạm Trường Hà (SN 1997, ở tại thôn Đặng Cầu, xã Trung Nghĩa, TP Hưng Yên) và Quách Văn Công (SN 1996, nơi thường trú tại xã Hiệp Cường, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên), Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hưng Yên đã nhanh chóng xác minh thông tin.
Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hưng Yên đã vận động Hà, Công đến đầu thú vào ngày 9/11/2023; làm rõ hành vi phạm tội của Doanh và Phượng.
Quá trình điều tra xác định, từ khoảng nửa cuối năm 2020 đến 9/11/2023, Doanh cùng Phượng đã cho nhiều người vay tiền với mức lãi suất cao. Quá trình cho khách vay tiền, Doanh và Phượng đã thuê Công (em họ của Phượng) với mức tiền công là 5 triệu đồng/1 tháng để nhắc nợ khách khi đến hạn đóng lãi, đi thu tiền lãi hoặc tiền vay gốc của khách.
Trong quá trình điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hưng Yên còn xác định, ngoài việc làm thuê cho Doanh và Phượng, từ cuối năm 2022, Công còn chung tiền với Hà để cho khách vay tiền với mức lãi suất cao. Theo đó, Doanh, Phượng, Hà và Công cho khách vay tiền dưới hình thức "vay trả lãi ngày" với mức lãi suất từ 3 nghìn đến 5 nghìn đồng/1 triệu đồng/ ngày. Khi vay, có khách bị cắt lãi trước một tháng, có khách không bị cắt lãi trước tùy theo từng mối quan hệ giữa các đối tượng với khách vay tiền; sau đó khách tiếp tục phải đóng tiền lãi suất với kỳ hạn 30 ngày/ lần.
Trong vụ án này, để trốn tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các đối tượng có nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó. Cụ thể, khi vay tiền, tùy mối quan hệ khách quen biết mà các đối tượng yêu cầu khách phải để lại giấy tờ tùy thân, ký nhận vào hợp đồng đã được soạn sẵn từ trước, trong hợp đồng không thể hiện nội dung vay tiền mà thể hiện nội dung Hà hoặc Công đặt cọc tiền (tương đương số tiền khách vay) cho khách để mua xe máy tại cửa hàng xe máy Ngọc Huệ ở TP Hưng Yên do khách có người quen ở cửa hàng này. Trong hợp đồng này thể hiện thông tin người vay và thể hiện ngày nhận tiền, ngày hẹn giao xe (tức ngày vay tiền). Trong hợp đồng không thể hiện mức lãi suất. Hợp đồng này do Doanh, Phượng, Công, Hà giữ.
Quá trình đấu tranh, đến nay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên đã làm việc được với 14 khách vay tiền của Hà, Công, Doanh và xác định được tổng số tiền cho vay là 565 triệu đồng. Căn cứ vào các tài liệu điều tra, ngày 16/11/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hà, Công, Doanh và Phượng về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".
Tiếp đó, từ đơn tố giác về tội phạm của người dân tại xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên tố cáo về hoạt động cho vay lãi nặng của Đỗ Hồng Hạnh (SN 1988, ở tại xã Giai Phạm), đầu tháng 1/2024, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hưng Yên cũng điều tra, làm rõ vụ án cho vay lãi nặng.
Quá trình điều tra xác định, trong khoảng thời gian từ 21/11/2022 đến 16/1/2024, Hạnh đã cho 10 khách vay tổng số tiền là 220 triệu đồng với mức lãi suất từ 3 đến 4 nghìn đồng/1 triệu đồng/1 ngày (tức từ 109,5%/năm đến 146%/ năm); tổng số tiền lãi mà khách vay phải trả cho Hạnh tính đến thời điểm bị phát hiện (tính đến 16/1) là hơn 67 triệu đồng. Căn cứ vào các tài liệu điều tra, ngày 19/1, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự"…
Những kinh nghiệm hay ở một địa phương
Xác định "tín dụng đen" là nguyên nhân phát sinh tội phạm, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên, Phòng Cảnh sát hình sự đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 12, kế hoạch số 240 lồng ghép với triển khai các nội dung trong Đề án 2 về "Phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia"; kế hoạch 131/KH-BCA-CSHS ngày 30/3/2021 của Bộ Công an về phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia giai đoạn 2021-2025 và các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm.
Đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 12, qua đó phát huy được vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".
Cụ thể, đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 12 tới cán bộ, đảng viên, công nhân viên trong đơn vị; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể khu dân cư, các tổ tự quản về ANTT, tổ hòa giải… vận động cán bộ, nhân dân không tham gia vào các hoạt động "tín dụng đen". Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị, xã hội, gia đình, nhà trường để có biện pháp quản lý chặt chẽ con, em, học sinh, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thanh, thiếu niên bỏ học, tụ tập, tham gia những trò chơi điện tử, cờ bạc, cá độ bóng đá… là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phải vay tiền các đối tượng hoạt động "tín dụng đen".
Công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen" được thực hiện với nhiều giải pháp dài hạn, ngắn hạn ở nhiều cấp, nhiều ngành từ công tác tham mưu, chỉ đạo, công tác xây dựng pháp luật đến công tác phối hợp liên ngành, công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, kiểm tra, điều tra, xử lý.
"Các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố đã sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ tiến hành rà soát những cơ sở, cá nhân có biểu hiện hoạt động liên quan đến "tín dụng đen". Căn cứ kết quả rà soát, chủ động xây dựng kế hoạch; đề ra các giải pháp phòng ngừa, quản lý và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm này"- Thượng tá Nguyễn Tiến Hưng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết.
Với các giải pháp trên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã được kiềm chế và giảm rõ rệt cả về số cơ sở kinh doanh và các vụ án, vụ việc liên quan đến "tín dụng đen". Tình trạng dán tờ rơi, treo biển quảng cáo liên quan đến "tín dụng đen", cho vay lãi nặng, đổ chất bẩn, chất thải để đòi nợ không còn phức tạp, gây bức xúc trong dư luận như trước.