Mạnh tay với buôn lậu, gian lận thương mại

Dự báo năm 2023 tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới sẽ gia tăng khi dịch Covidd-19 đã được khống chế, hoạt động thông quan giữa Việt Nam và các quốc gia được 'cởi mở'. Chính vì vậy, lực lượng hải quan sẽ triển khai quyết liệt các kế hoạch, biện pháp đấu tranh với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại.

Nhận diện thách thức trên mặt trận chống buôn lậu

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hùng Anh - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, đơn vị đã nhận diện và đang phối hợp với các đơn vị chức năng, cục hải quan tỉnh, thành phố cũng như lực lượng chức năng liên quan như công an, bộ đội biên phòng… triển khai các kế hoạch, chuyên án ngay từ đầu năm 2023.

Qua công tác theo dõi, tổng hợp tình hình và kết quả bắt giữ một số vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của ngành Hải quan cho thấy, bên cạnh phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu thường sử dụng như khai sai tên hàng, chủng loại, số lượng, xuất xứ, trị giá hàng hóa... thì xuất hiện phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, khó lường nhằm qua mắt, trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước.

Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Văn Chung

Đáng chú ý, trên tuyến đường bộ, lợi dụng chính sách phân luồng miễn kiểm tra thực tế hàng hóa đối với luồng xanh để nhập, xuất hàng cấm, hàng có điều kiện; hàng hóa vi phạm được cất giấu tinh vi, lẫn trong hàng hóa không vi phạm; đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh, chuyển cửa khẩu, vận chuyển độc lập; chuyển giá, xuất khống để hoàn thuế VAT, giả mạo chứng từ, hồ sơ hải quan…

Trên tuyến đường biển, các đối tượng đã tăng cường hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép mặt hàng có lợi nhuận cao như xăng dầu, than, khoáng sản, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, phế liệu, hàng đông lạnh, gia cầm... sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, các chiêu thức mới, hoạt động có tổ chức như ngụy trang tàu chở hàng lậu thành khai thác thủy sản, gia cố các bồn, bể trên các phương tiện xuất nhập cảnh để che đậy việc mua bán, vận chuyển trái phép hàng lậu... Các tàu vi phạm thường neo đậu ở vùng biển giáp ranh đường phân định, lợi dụng đêm tối, thời tiết xấu,... để sang tải sang các ghe, thuyền nhỏ đưa vào nội địa. Nhiều tàu chở hàng lậu còn dùng thủ đoạn như thay đổi tên và số hiệu phương tiện, tuyến hành trình, tắt thiết bị định vị...

Với sự chủ động, cụ thể hóa và triển khai các kế hoạch, chương trình công tác trọng tâm, trọng điểm ở từng địa bàn, ngay trong tháng 1/2023, theo báo cáo, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 546 vụ việc vi phạm, tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 196 tỷ đồng, số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 14,5 tỷ đồng. Đặc biệt, cơ quan hải quan đã khởi tố 2 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 3 vụ.

Tăng cường kiểm soát buôn lậu qua đường hàng không

Triên tuyến hàng không, thời gian qua cơ quan hải quan đã phát hiện thủ đoạn lợi dụng quy định về định mức miễn thuế của hành khách xuất nhập cảnh, sự phát triển của thương mại điện tử, phương thức chuyển phát nhanh, dịch vụ ký gửi hàng hóa, hành lý,… các đối tượng trong và ngoài nước đã móc nối, cấu kết hình thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua các cảng hàng không quốc tế như vũ khí, chất nổ, động vật hoang dã quý hiếm, rượu, thuốc lá, các mặt hàng tân dược, mỹ phẩm, đồ điện tử, hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, các loại hàng hóa khác có trị giá cao…

Điển hình, ngày 10/10/2022, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phát hiện 4 kiện hành lý không có thẻ, chứa 463 chiếc điện thoại di động. Giữa tháng 11/2022, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện gần 26 kg ma túy được giấu trong các kiện hàng từ Đức, Mỹ về Việt Nam qua đường hàng không. Đây là lần đầu tiên Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phát hiện ma túy đá và ma túy tổng hợp được vận chuyển từ Mỹ về Việt Nam với số lượng lớn.

Thu ngân sách 459 tỷ đồng từ chống buôn lậu

Từ ngày 16/12/2021 đến 15/12/2022, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 16.680 vụ việc vi phạm, tăng 21%, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 8.746 tỷ đồng, tăng 222 % so với cùng kỳ năm 2021; số thu ngân sách nhà nước đạt 459 tỷ đồng, tăng 58%; cơ quan hải quan khởi tố 53 vụ, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 141 vụ án.

Theo lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu, năm 2023, lực lượng hải quan sẽ tập trung kiểm soát, ngăn chặn vi phạm trên tuyến hàng không khi mà lưu lượng hành khách xuất, nhập cảnh gia tăng trở lại sau dịch Covid-19 tiềm ẩn nhiều rủi ro về vi phạm an ninh xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh.

Tiếp tục triển khai các kế hoạch đấu tranh vi phạm trên tuyến hàng không, ngay từ đầu năm 2023, thực hiện Kế hoạch số 111/KH-BCĐ ngày 22/11/2022 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế, Cục Điều tra chống buôn lậu đã và đang phối hợp với cục hải quan các tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Kiên Giang thực hiện có hiệu quả việc thu thập thông tin, dự báo tình hình, nắm chắc, nhận diện, cảnh báo những phương thức, thủ đoạn buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ, ma túy qua cửa khẩu cảng hàng không quốc tế.

Đồng thời, cơ quan hải quan tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế đối với các cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng hóa miễn thuế; hành lý ký gửi, hành lý của hành khách xuất nhập cảnh qua các cảng hàng không quốc tế, nhất là các tuyến bay đến từ Singapore, Malaysia, Hồng Kông, Nhật, Hàn Quốc, Doha, Quata, Nga, Pháp, Đức, Anh, Mỹ… Đặc biệt, lực lượng kiểm soát hải quan đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường công tác soi chiếu, phân tích hình ảnh; sử dụng chó nghiệp vụ để kiểm tra, kiểm soát tập trung trọng tâm vào các loại mặt hàng trọng điểm như: vũ khí, ma túy, chất nổ, động vật hoang dã quý hiếm, hàng cấm, rượu, tiền tệ, vàng, thuốc lá, các mặt hàng tân dược, mỹ phẩm, đồ điện tử, hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, các loại hàng hóa khác có trị giá cao…

Xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật hải quan qua giám sát trực tuyến

Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thực hiện công tác trực ban theo phân công của lãnh đạo Tổng cục Hải quan thực hiện hiệu quả việc phát hiện, xử lý vi phạm, truy thu thuế hàng trăm triệu đồng cho ngân sách nhà nước.

Điển hình là các vụ việc như Công ty TNHH xuất nhập khẩu LBK mở tờ khai tại Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 2, hàng hóa khai báo là “Thực phẩm bổ sung: Nước uống Dongsung”. Kết quả kiểm tra thực tế, doanh nghiệp khai sai mã số hàng hóa dẫn đến thiếu số thuế phải nộp. Cơ quan hải quan đã lập biên bản xử phạt hành chính gần 20 triệu đồng, truy thu thuế hơn 99 triệu đồng.

Tiếp đến là vi phạm của Công ty TNHH DV vận tải và sản xuất thương mại Việt Thành đăng ký tờ khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 3, hàng hóa khai báo là “Ống chân không thụ nhiệt bằng thủy tinh phi 58mm dài 1800mm, dùng trong bình nóng lạnh hấp thụ năng lượng mặt trời”, xuất xứ Trung Quốc. Kết quả kiểm tra, công ty đã có hành vi khai báo sai số lượng dẫn đến thiếu số thuế phải nộp. Cơ quan hải quan đã xử phạt hành chính hơn 37 triệu đồng và truy thu thuế hơn 185 triệu đồng...

Qua kiểm tra, phát hiện vi phạm, Cục Điều tra chống buôn lậu đã cảnh báo các phương thức, thủ đoạn các doanh nghiệp lợi dụng để gian lận thương mại, gian lận thuế để các đơn vị hải quan có biện pháp phòng ngừa.

Hải Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/manh-tay-voi-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-122151.html