Mạnh tay với hàng giả trong thương mại điện tử

Trước kia, chúng ta phòng chống, xử lý hàng giả trên thị trường truyền thống mua bán trực tiếp. Tuy nhiên hiện nay, việc kinh doanh, buôn bán hàng giả đã chuyển dịch và phổ biến trên môi trường trực tuyến. Do đó, cần có những quy định chặt chẽ hơn với hình thức kinh doanh này.

Đây là kiến nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh tại hội thảo “Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử” cho 21 Cục QLTT các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam vừa diễn ra tại TPHCM, ngày 29/11 vừa qua.

Khó khăn, phức tạp

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh, dù tình hình sản xuất kinh doanh còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, song sức mua sắm của người dân không hề thuyên giảm mà chỉ chuyển từ phương thức mua sắm trực tiếp sang hình thức mua sắm online. Thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi, dẫn đến các cơ sở phải cắt giảm sự hiện diện trên phố để chuyển dịch hình thức kinh doanh.

Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT Trần Hữu Linh

Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT Trần Hữu Linh

Cụ thể, nếu như năm 2020, doanh số bán lẻ trên Internet tại Việt Nam là 13 tỷ USD thì đến năm 2022, con số này tăng vọt lên thành 35 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm cao nhất Đông Nam Á. Gần 1 nửa dân số Việt Nam mua sắm online, cao nhất Đông Nam Á với 49,3 triệu người, tương đương 41% tỷ lệ dân số.

Ông Linh nhìn nhận, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây, mà sau khi hàng hóa qua biên giới sẽ được tập kết tại kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc tại nhà riêng, sau đó, các đối tượng lợi dụng việc kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử (TMĐT) để kinh doanh hàng hóa vi phạm, gây khó khăn cho công tác nắm bắt, kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng.

Theo ông Linh, TMĐT phát triển bùng nổ đã và đang tạo ra thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Hơn nữa, đây là mạng xã hội xuyên biên giới nên các hành vi vi phạm đã vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Với thương mại truyền thống, việc xác minh địa điểm mua bán, kho chứa hàng, giao kết hợp đồng dễ dàng hơn. Nhưng với bán hàng online, lực lượng chức năng khó xác định địa điểm mua bán, người bán, kho hàng, thời điểm giao kết hợp đồng và chứng cứ cũng dễ dàng bị thay đổi. Hơn nữa việc thanh toán qua trung gian càng khiến quá trình truy vết gặp khó. Điều này cũng đã và đang tạo ra thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Ông Nguyễn Hữu Tuấn – Trưởng phòng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho hay, các mặt hàng bị làm giả, làm nhái trên TMĐT rất đa dạng và khó phát hiện, do hình ảnh và thông tin sản phẩm cung cấp trên các trang bán hàng là thật. Người bán hàng lại thường không có kho hàng, chỉ bán online, làm cộng tác viên trung gian; các đối tượng chỉ chạy một link bán hàng trên 50 fanpage khác nhau để kinh doanh, mỗi trang chỉ cần bán vài đơn hàng là họ khóa trang, xóa dấu vết... nên lực lượng chức năng khó kiểm tra, xử lý.

Phối hợp để phòng, chống hiệu quả

Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, để phòng, chống và ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên TMĐT, tháng 3/2023, Chính phủ đã phê duyệt Đề án 319 về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025. Theo ông Linh, Nghị định 52 về TMĐT đến thời điểm hiện tại vẫn còn hiệu lực, song TMĐT phát triển bùng nổ, phát sinh ra những hành vi vi phạm mới.

Do đó, Đề án 319 ra đời là cần thiết và cấp bách. Bởi hàng giả bày ở ngoài đường, ngoài phố, ngoài cửa hàng phát hiện rất dễ, nhưng hàng giả bán trên Internet đang là một mặt trận mới, nóng bỏng vì có đến 80 - 90% hàng giả được mua bán trên mạng. Đây là một mặt trận vô cùng khó khăn, bởi xử lý ở ngoài thực tế đã khó, phát hiện và xử lý vi phạm trên không gian mạng còn khó hơn rất nhiều.

Lực lượng QLTT TPHCM thu giữ hàng giả, hàng lậu trên địa bàn thành phố

Lực lượng QLTT TPHCM thu giữ hàng giả, hàng lậu trên địa bàn thành phố

“Chúng ta không bàn nữa, hết thời gian rồi. Khó mấy cũng phải làm. Trước mắt phải siết chặt hoạt động cấp phép cho các sàn, gian hàng trên các sàn từ đó kiểm soát chất lượng hàng hóa để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, của doanh nghiệp cũng như xây dựng môi trường TMĐT lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế. Phòng chống hàng giả trên TMĐT là vấn đề vô cùng quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Nhiệm vụ này sẽ được toàn lực lượng quản lý thị trường đẩy mạnh trong vòng 3 - 5 năm tới” – ông Linh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Phương Minh, Phó trưởng phòng Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ thừa nhận, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ xảy ra trên mọi lĩnh vực, địa bàn. Để quản lý hàng hóa trên không gian mạng, Nhà nước cần hoàn thiện quy định về TMĐT và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý, tăng cường hoạt động thanh – kiểm tra thường xuyên. Đồng thời, trang bị công nghệ hiện đại trong việc chống hàng giả trong TMĐT, bảo đảm sớm phát hiện, ngăn chặn tận gốc vi phạm.

Thượng tá Phạm Công Hải, Phó trưởng phòng 4 Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cho rằng, hình thức livestream bán hàng trên các ứng dụng, mạng xã hội, website, sàn TMĐT đang bị triệt để lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Thượng tá Hải cũng đề xuất một số giải pháp quản lý hàng hóa trên sàn TMĐT. Cụ thể, phối hợp với các đơn vị chức năng thu thập thông tin công khai về các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội, website TMĐT, hình ảnh, số lượng các loại hàng hóa nghi vấn là hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại do các đối tượng quảng cáo, đăng bán trên không gian mạng.

“Mong thời gian tới nhận được sự phối hợp chặt chẽ giữa các sàn TMĐT để phối hợp tuyên truyền, giúp người dân biết thủ đoạn của đối tượng và có biện pháp bảo vệ nhãn hiệu, gian hàng của mình trên sàn TMĐT cũng như các website bán hàng…” – Thượng tá Hải kỳ vọng.

Bốn giải pháp chống hàng giả trên TMĐT

Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT Trần Hữu Linh, để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên TMĐT, từ nay đến năm 2025 lực lượng QLTT cả nước phải chú trọng vào 4 nhiệm vụ chính:

Thứ nhất, hoàn thiện, sửa đổi bổ sung các văn bản chính sách pháp luật để bám sát thực tiễn; tránh sự chồng chéo giữa các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm.

Thứ hai, tạo sự chuyển biến trong nhận thức tiêu dùng của người dân.

Thứ ba, nâng cao chất lượng lực lượng QLTT thông qua các buổi tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, đặt mục tiêu trở thành lực lượng phản ứng nhanh 24/7, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, mọi lúc mọi nơi.

Thứ tư, mục tiêu cao nhất của công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả trên không gian mạng là hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng.

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/manh-tay-voi-hang-gia-trong-thuong-mai-dien-tu-post1594571.tpo