'Mãnh thú' Pantsir-S1 trị giá 13 triệu USD của Nga lật ngang khi vào cua
Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 biệt danh 'quái thú' của Nga lật ngang khi rẽ tại ngã ba ở thành phố Sochi, nguyên nhân đang được điều tra làm rõ.
Video được công bố trên Telegram ngày 29/2 cho thấy một tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 được xe cảnh sát dẫn đường khi di chuyển trên đường phố Sochi, ven bờ biển miền nam nước Nga. Khi vào cua tại một ngã ba, xe bất ngờ bị lật ngang, ngay tại vị trí một ôtô dân sự vừa đi qua. Hiện nguyên nhân đang được điều tra làm rõ.
Tổ hợp Pantsir-S1 của Nga bị lật khi rẽ phải tại thành phố Sochi ngày 29/2.
"Vấn đề trọng tâm xe nằm quá cao và khung gầm không mấy phù hợp của hệ thống Pantsir đã được biết đến từ lâu", kênh Voyenny Osvedomitel của Nga bình luận về vụ tai nạn ở Sochi. "Điều này dẫn đến nhiều vụ lật tổ hợp PantsirS-1 tương tự ở cả Nga lẫn Serbia".
Trước đó, tổ hợp Pantsir-S1 vào sáng 9/4/2021 cũng lật ngang trên tuyến đường cao tốc dẫn đến cầu Ostruznica, gần thủ đô Belgrade của Serbia. Hình ảnh hiện trường cho thấy kính lái bị rạn nứt, trong khi cụm thiết bị chiến đấu phía sau vẫn được bọc bạt bảo vệ. Nhân chứng cho biết một tên lửa đã văng khỏi xe trong tai nạn.
Pantsir-S1 là hệ thống phòng không đánh chặn tầm thấp nguy hiểm nhất thế giới do Nga chế tạo. Pantsir-S1 được phát triển từ nền tảng tổ hợp 2K22 Tunguska, được bổ sung nhiều tính năng và vũ khí mới để đối phó với các mối đe dọa trong thế kỷ 21. Nhiệm vụ chính của Pantsir-S1 là bảo vệ cơ sở hạ tầng và công trình quân sự, các trung đoàn tăng thiết giáp và bộ binh cơ giới, cũng như những hệ thống phòng không tầm xa như S-300 và S-400.
Một xe chiến đấu Pantsir-S1 gồm hai pháo tự động 2A38M cỡ nòng 30 mm với tốc độ bắn 5.000 phát/phút, trang bị 1.500 viên đạn nổ mảnh hoặc xuyên giáp với tầm bắn tối đa 4 km. Ngoài ra, Pantsir-S1 còn mang 12 tên lửa tầm ngắn 57E6 có khả năng diệt mục tiêu từ cách 20 km.
Thực nghiệm cho thấy hệ thống này vẫn có thể đánh chặn cả đạn rocket đang bay với vận tốc lên tới 1.000km/h. Đạn pháo, rocket hay máy bay chiến đấu và cả UAV, tất cả đều có thể trở thành mồi ngon cho hệ thống phòng thủ đánh chặn tầm thấp được mệnh danh là "mãnh thú" này.
Theo AFP, Reuters