Mảnh vỏ Trái Đất 'thất lạc' bị nuốt chửng ở Thái Bình Dương
Các nhà khoa học đã phát hiện ra mảng kiến tạo mất tích của Trái Đất, thủ phạm tạo nên một phần vành đai lửa Thái Bình Dương.
Mảng kiến tạo có thể hiểu là một mảnh vỏ của Trái Đất. Vỏ Trái đất không liền lạc mà hiện đang chia làm 15 mảng kiến tạo lớn nhỏ, các lục địa và đại dương nằm trên các mảng này. Nhưng mảnh "Phục Sinh" mới được tìm thấy không nằm trong số 15 mảnh đó: nó đang nằm đâu đó trong lòng đất vì bị chính Trái Đất "nuốt chửng".
Công trình mới từ Đại học Houston (Mỹ) đã giúp tái tạo lại mảng kiến tạo cổ xưa đó trên mô hình máy tính, tái tạo lại hoạt động của các mảng kiến tạo kể từ kỷ nguyên địa chất Kainozoi, khởi đầu khoảng 66 triệu năm trước.
Trước đó, các nhà địa vật lý đã ghi nhận được sự tồn tại của 2 mảng kiến tạo ở Thái Bình Dương là mảng Kula và mảng Farallon. Nhưng có quá nhiều magma (đá nóng chảy) hiện diện ở phần phía Đông vị trí cũ mà 2 mảng từng tồn tại (Alaska và Washington ngày nay) cho thấy có một mảnh ghép còn thiếu.
Điều này đã dẫn các nhà khoa học tới mảng Phục Sinh: phần vành đai lửa ở gần bờ biển Bắc Mỹ chính là do nó, hay đúng hơn là phần nó bỏ lại trước khi chui hoàn toàn vào lòng đất trong quá trình gọi là "hút chìm". Đó là khi Trái Đất tự nuốt một mảng vỏ của mình, một phần hay toàn bộ.
Do cõng trên lưng các lục địa và đại dương, nên quá trình nuốt rồi trồi lên của các mảng kiến tạo chính là nguyên nhân khiến đất đai nhiều lần hợp thành siêu lục địa rồi lại bị chia tách thành nhiều châu lục như ngày nay.