'Mập mờ' phụ phí khiến giá vé máy bay đắt đỏ?

Khoản thu 'phụ phí quản trị hệ thống' ở mức từ 430.000 đồng đến 480.000 đồng có thời điểm còn đắt hơn cả giá vé máy bay.

 Khoản phụ phí hệ thống được cho là một trong những nguyên nhân khiến vé máy bay tăng cao. Ảnh: T.L.

Khoản phụ phí hệ thống được cho là một trong những nguyên nhân khiến vé máy bay tăng cao. Ảnh: T.L.

Đặt vé máy bay chặng TP.HCM - Phú Quốc của Vietravel Airlines cho lịch trình di chuyển sắp tới, chị Ngọc Anh (32 tuổi, TP.HCM) rất bất ngờ khi thấy giá vé hiển thị chỉ ở mức 398.000 đồng/chiều. Tuy nhiên, khi thanh toán, chị phát hiện tổng số tiền phải trả lên tới gần 1,1 triệu đồng. Trong đó, khoản phát sinh lớn nhất là phụ phí quản trị lên đến 450.000 đồng, cao hơn cả giá vé.

Khoản thu "mập mờ"

Website của Vietnam Airlines cho biết "phụ phí quản lý" hay "phụ phí quản trị hệ thống" là chi phí chi trả cho việc duy trì hệ thống quản trị dữ liệu liên quan đến hành trình bay của hành khách. Phụ thu quản trị hệ thống áp dụng cho vé mua trên website/ứng dụng di động của hãng hoặc tại các phòng vé, đại lý chính thức tại thị trường Việt Nam.

Tương tự, website của Bamboo Airways cũng nêu rõ khoản này được thu với lý do giống của Vietnam Airlines.

Thực tế, hiện các hãng bay đều đang thu khoản phí này ở mức 430.000 đồng đến 480.000 đồng cho mỗi chiều bay của hành khách. Con số này có thể chiếm 1/2, thậm chí là cao hơn cả giá gốc vé.

 Khoản phụ thu quản trị còn đắt hơn cả giá vé chặng TP.HCM - Phú Quốc ngày 2/6.

Khoản phụ thu quản trị còn đắt hơn cả giá vé chặng TP.HCM - Phú Quốc ngày 2/6.

Cụ thể, Vietnam Airlines hiện thu 450.000 đồng/vé, Vietravel Airlines thu 480.000 đồng/vé, Bamboo Airways thu 430.000 đồng/vé. Riêng Vietjet Air tách thành hai khoản là phụ thu dịch vụ hệ thống quốc nội 215.000 đồng và phụ thu quản trị hệ thống 215.000 đồng.

Đáng chú ý, loại phụ phí này liên tục tăng trong những năm qua, dao động trong khoảng 20-30%. Cụ thể, hồi năm 2020, khoản phí này của Vietjet Air mới là 310.000 đồng, Bamboo Airways khi đó thu 320.000 đồng. Trong khi đó, phụ thu quản trị hệ thống của Vietnam Airlines và Pacific Airlines cùng thời điểm thu ở mức 350.000 đồng.

"Gần đây tôi mới để ý khoản phí này khi đặt vé máy bay. Tại sao nó không được tính chung vào giá vé máy bay mà lại tách riêng? Hãng bay thu phụ phí quản lý hệ thống, dữ liệu khác nào khi đi ăn, ngoài tiền món ăn còn phải phụ phí xây dựng nhà hàng?", chị Ngọc Anh đặt câu hỏi.

Cách các hãng "lách" quy định giá trần

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, lãnh đạo Cục Hàng không cho biết khoản thu này không không nằm trong các khoản thu được Nhà nước quy định theo Thông tư 53/2019 của Bộ Giao thông vận tải. Đây là khoản các hãng tự đưa ra, dựa theo các khoản chi cấu thành để cân đối hoạt động kinh doanh.

Trước đó, báo cáo của Cục Hàng không chỉ ra các khoản phụ thu nằm trong giá vé như phụ thu quản trị hệ thống, phụ thu dịch vụ hệ thống của các hãng dao động trong khoảng 430.000-480.000 đồng/vé, tùy hãng. Khoản thu này được thể hiện ở phần phụ phí, cùng với mục thuế, phí và các khoản thu hộ. Tuy nhiên, việc hiển thị thông tin chưa đồng nhất giữa các hãng.

 Các hãng bay đang thu "phụ phí hệ thống" từ 430.000 đồng đến 480.000 đồng/vé máy bay. Ảnh: Cục HK.

Các hãng bay đang thu "phụ phí hệ thống" từ 430.000 đồng đến 480.000 đồng/vé máy bay. Ảnh: Cục HK.

Trước phản ánh khoản phí này hiện được hãng thu khá mù mờ, lãnh đạo Cục Hàng không cho biết sẽ làm việc với các hãng để rà soát, điều chỉnh phù hợp cách hiển thị giá vé trên hệ thống đặt vé để khách hàng có thể hiểu và tránh nhầm lẫn các khoản thanh toán khi thực hiện đặt vé máy bay.

Nói về bản chất của khoản phí này, một chuyên gia hàng không (đề nghị giấu tên) thẳng thắn cho biết đây là cách các hãng bay "lách" quy định về giá trần.

Cụ thể, các hãng không được bán vé vượt quá quy định tại Thông tư 34/2023 sửa đổi Thông tư 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Khi muốn thu thêm từ khách hàng, hãng không thể để giá vé quá cao vì sẽ vượt trần nên phân bổ khoản thu sang phần phụ phí.

"Vì khoản này không có trong quy định, không bị nhà chức trách quản lý nên các hãng mặc sức thu từ khách hàng. Còn có tình trạng hãng nhìn nhau để tăng phụ phí quản trị, không để khoản này chênh nhau quá lớn giữa các hãng rồi tạo ra sự so sánh, cạnh tranh", vị chuyên gia khẳng định.

Diệu Thanh

Nguồn Znews: https://znews.vn/map-mo-phu-phi-khien-gia-ve-may-bay-dat-do-post1477705.html