Mark Zuckerberg mỉa mai Tim Cook và ca ngợi Sundar Pichai giữa căng thẳng dai dẳng với Apple
Mark Zuckerberg và Tim Cook có mối thù lâu năm.
Giám đốc điều hành Meta Platforms và Apple đã tranh cãi với nhau từ năm 2014, liên tục công kích sản phẩm lẫn mô hình kinh doanh của đối thủ. Qua nhiều năm, cuộc chiến giữa Mark Zuckerberg và Tim Cook đã leo thang với những lời chỉ trích công khai, chiến dịch quảng cáo nhắm mục tiêu vào đối thủ và thậm chí cả tranh chấp pháp lý.
Mới đây, khi được hỏi về Tim Cook và Sundar Pichai (Giám đốc điều hành Google) tại hội nghị Stripe Sessions, Mark Zuckerberg nói: "Tim vừa trải qua một tuần tệ hại", ám chỉ thất bại pháp lý của Apple liên quan đến App Store.
Không những thế, Giám đốc điều hành Meta Platforms dường như coi thường Tim Cook khi ca ngợi lãnh đạo Google: "Tôi thích Sundar Pichai. Ông ấy rất tuyệt".

Cuộc khẩu chiến kéo dài nhiều năm giữa Mark Zuckerberg (trái) và Tim Cook vẫn chưa dừng lại - Ảnh: Getty Images
Hôm 30.4, Apple gặp phải thất bại pháp lý nghiêm trọng liên quan đến chính sách App Store trong vụ kiện kéo dài với hãng Epic Games. Yvonne Gonzalez Rogers, thẩm phán liên bang Mỹ, đã phán quyết rằng Apple đã vi phạm lệnh của tòa từ năm 2021 bằng cách tiếp tục áp đặt mức phí 27% với các giao dịch mua hàng diễn ra ngoài App Store và ngăn cản các nhà phát triển hướng người dùng đến các phương thức thanh toán bên ngoài.
Stripe Sessions là hội nghị thường niên do Stripe tổ chức. Stripe là hãng công nghệ chuyên cung cấp nền tảng thanh toán và cơ sở hạ tầng tài chính cho doanh nghiệp. Tại sự kiện này, Stripe giới thiệu các sản phẩm, cập nhật công nghệ mới, chiến lược phát triển, đồng thời tổ chức các buổi thảo luận chuyên sâu về xu hướng thanh toán số, kinh tế internet, trí tuệ nhân tạo (AI) và thương mại toàn cầu.
Tim Cook chỉ trích mô hình kinh doanh của Facebook
Cuộc khẩu chiến giữa Mark Zuckerberg và Tim Cook bắt đầu công khai vào năm 2014, khi Giám đốc điều hành Apple chỉ trích gay gắt mô hình kinh doanh của Facebook.
Vào tháng 9.2014, Tim Cook có một cuộc phỏng vấn chuyên sâu với Charlie Rose, đề cập đến nhiều chủ đề, trong đó có quyền riêng tư. Charlie Rose là nhà báo, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng người Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn, Tim Cook khẳng định cam kết của Apple với quyền riêng tư và chỉ trích mô hình kinh doanh ở những công ty như Google, Facebook.
“Tôi nghĩ ai cũng cần tự hỏi các công ty kiếm tiền như thế nào? Hãy lần theo dòng tiền. Nếu họ chủ yếu kiếm tiền bằng cách thu thập hàng loạt dữ liệu cá nhân, bạn có quyền lo lắng. Bạn nên thực sự hiểu chuyện gì đang xảy ra với dữ liệu đó”, doanh nhân người Mỹ sinh năm 1960 nói.
Ngay sau đó, Tim Cook nhấn mạnh lập trường cá nhân trong một bức thư công khai trên trang web chuyên về quyền riêng tư của Apple.
“Vài năm trước, người dùng dịch vụ internet bắt đầu nhận ra rằng khi một dịch vụ trực tuyến là miễn phí, bạn không phải khách hàng mà là sản phẩm”, Tim Cook viết. Ông ám chỉ Facebook và Google cho chúng ta dùng ứng dụng miễn phí, nhưng thu thập dữ liệu cá nhân để hiển thị quảng cáo chính xác.
Cuộc phỏng vấn trên diễn ra sau khi loạt ảnh khỏa thân của hơn 100 nữ nghệ sĩ nổi tiếng bị rò rỉ từ tài khoản iCloud. Apple cho biết đã tiến hành điều tra và nhận thấy việc hơn 100 sao nữ bị lộ ảnh nhạy cảm là do lỗi từ người dùng chứ không liên quan đến lỗ hổng hệ thống. Theo công ty, người nổi tiếng luôn là mục tiêu tấn công của tội phạm mạng và hacker đã tận dụng những thông tin mà chúng nắm được để thâm nhập các tài khoản của sao nữ.
Mark Zuckerberg phản pháo, nói Apple bán các sản phẩm đắt đỏ
Những phát biểu của Tim Cook trong cuộc phỏng vấn nêu trên khiến Mark Zuckerberg tức giận. Tỷ phú sinh người Mỹ năm 1984 gọi các tuyên bố đó là "nực cười" và chỉ trích Apple bán các sản phẩm đắt đỏ.
Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Time cuối năm 2014, Mark Zuckerberg thể hiện nỗi bực tức với những nhận định từ Tim Cook.
“Điều khiến tôi bực mình là ngày càng nhiều người cho rằng mô hình kinh doanh dựa trên quảng cáo là đi ngược lại với lợi ích của khách hàng. Tôi nghĩ đó là một quan điểm nực cười. Bạn nghĩ chỉ vì trả tiền cho Apple thì bạn và họ có cùng chí hướng sao? Nếu thật sự như vậy thì họ nên làm sản phẩm của mình rẻ hơn nhiều!”, Mark Zuckerberg nói.
Căng thẳng leo thang sau vụ bê bối Cambridge Analytica
Cuộc tranh cãi lên đến đỉnh điểm sau vụ bê bối Cambridge Analytica, khi Tim Cook chỉ trích hành động của Facebook.
Năm 2018, một người tố cáo tiết lộ rằng công ty tư vấn Cambridge Analytica đã thu thập dữ liệu từ 50 triệu người dùng Facebook mà không được phép.
Nhiều thông tin cho thấy ít nhất 87 triệu người dùng Facebook bị thu thập dữ liệu. 10 quốc gia có số tài khoản Facebook bị thu thập dữ liệu nhiều nhất là Mỹ, Philippines, Indonesia, Anh, Mexico, Canada, Ấn Độ, Brazil, Việt Nam và Úc.
Facebook thừa nhận con số này cao hơn nhiều so với những gì được biết đến từ trước thời điểm đó, trên một bài viết của Giám đốc Công nghệ Facebook. Facebook tuyên bố vô hiệu hóa tính năng cho phép người dùng tìm kiếm hồ sơ bằng cách sử dụng số điện thoại hoặc email cá nhân do các phần tử xấu có thể đã lạm dụng tính năng này và lấy được thông tin cá nhân từ các tài khoản.
Cambridge Analytica là công ty tư nhân chuyên về khai thác dữ liệu, môi giới và phân tích dữ liệu với truyền thông chiến lược chuyên dụng cho quá trình bầu cử.
Vào tháng 6.2014, nhà nghiên cứu Aleksandr Kogan đã phát triển ứng dụng trắc nghiệm về tính cách con người trên Facebook. Khoảng 270.000 người đã cài đặt ứng dụng của Aleksandr Kogan trên tài khoản Facebook cá nhân.
Aleksandr Kogan đã cung cấp cơ sở dữ liệu chứa thông tin của 50 triệu người dùng Facebook cho Cambridge Analytica, công ty xác lập hồ sơ cử tri. Cambridge Analytica sử dụng nó để tạo ra hồ sơ “đồ họa tâm lý” của các cử tri.
Vụ bê bối dữ liệu người dùng được Christopher Wylie, cựu nhân viên Cambridge Analytica nghỉ việc từ năm 2014, phanh phui vào tháng 3.2018. Christopher Wylie tiết lộ Cambridge Analytica đã thu thập dữ liệu ít nhất 50 triệu người dùng Facebook.
Theo Christopher Wylie, Cambridge Analytica đã khai thác lỗ hổng của Facebook để thu thập dữ liệu hàng triệu tài khoản và “xây dựng những mô hình cho phép khai thác tất cả những điều chúng tôi biết về người dùng cũng như nhắm đúng tâm lý của họ”. Đó là cơ sở để Cambridge Analytica duy trì hoạt động.
Dữ liệu được thu thập nhằm mục tiêu quảng cáo cho khách hàng của Cambridge Analytica, bao gồm cả chiến dịch tranh cử Tổng thống của Donald Trump.
Trong một cuộc phỏng vấn vài tháng sau sự việc gây chấn động này, Tim Cook được hỏi ông sẽ làm gì nếu ở vị trí của Mark Zuckerberg. Giám đốc điều hành Apple đáp: “Tôi sẽ không rơi vào tình huống đó”.
Tim Cook cho rằng Facebook lẽ ra nên tự kiểm soát việc sử dụng dữ liệu người dùng, nhưng "tôi nghĩ giờ đã quá muộn". Ông cũng lặp lại quan điểm rằng Facebook coi người dùng là sản phẩm.
“Sự thật là chúng tôi có thể kiếm rất nhiều tiền nếu thương mại hóa khách hàng của mình, tức biến khách hàng thành sản phẩm. Thế nhưng, chúng tôi đã chọn không làm vậy”, ông nói.
Mark Zuckerberg phản pháo Tim Cook, gọi những phát biểu của Giám đốc điều hành Apple là “cực kỳ sáo rỗng”.
“Tôi thấy lập luận rằng nếu bạn không trả tiền thì tức là chúng tôi không quan tâm đến bạn là một điều cực kỳ sáo rỗng. Hoàn toàn không đúng sự thật”, Mark Zuckerberg nói trong podcast The Ezra Klein Show.
Ông bác bỏ ý tưởng rằng Facebook không quan tâm đến người dùng, đồng thời tiếp tục chỉ trích mức giá cao của các sản phẩm Apple.
“Yêu cầu ban lãnh đạo Facebook chuyển sang dùng smartphone Android”
Tháng 11.2018, tờ The New York Times đăng phóng sự gây chấn động về hậu quả của vụ bê bối Cambridge Analytica. Bài báo cho biết các phát ngôn của Tim Cook khiến Mark Zuckerberg phẫn nộ, đến mức yêu cầu các thành viên trong ban lãnh đạo đang dùng iPhone phải chuyển sang smartphone Android.
Ngay sau khi bài báo được đăng, Facebook viết bài blog phản bác một số thông tin từ The New York Times, nhưng không hề phủ nhận cuộc đối đầu giữa Mark Zuckerberg và Tim Cook.
“Tim Cook luôn chỉ trích mô hình kinh doanh của chúng tôi và Mark Zuckerberg cũng nhiều lần thể hiện sự không đồng tình. Từ lâu chúng tôi đã khuyến khích nhân viên và lãnh đạo dùng Android vì đó là hệ điều hành phổ biến nhất thế giới”, Facebook viết.
Năm 2019, Mark Zuckerberg và Tim Cook đã gặp nhau tại hội nghị Sun Valley, nhưng theo The New York Times, buổi gặp gỡ diễn ra không mấy tốt đẹp.
Hội nghị Sun Valley là sự kiện thường niên, được tổ chức bởi ngân hàng đầu tư Allen & Company tại khu nghỉ dưỡng sang trọng Sun Valley, bang Idaho, Mỹ. Đây được mệnh danh là "trại hè dành cho tỉ phú" bởi quy tụ những nhân vật quyền lực và có ảnh hưởng nhất trong các lĩnh vực kinh doanh, công nghệ, truyền thông, chính trị và tài chính trên thế giới.
Theo The New York Times, sau bê bối Cambridge Analytica, Mark Zuckerberg đã hỏi ý kiến Tim Cook về cách xử lý. Tim Cook khuyên Zuckerberg rằng Facebook nên xóa dữ liệu người dùng mà công ty thu thập từ bên ngoài hệ sinh thái ứng dụng của mình. Điều này khiến Mark Zuckerberg sững sờ và xem như bị ám chỉ rằng mô hình kinh doanh của Facebook là “không bền vững”, theo The New York Times.
Mark Zuckerberg cáo buộc Apple App Store cản trở đổi mới và cạnh tranh
Đến tháng 8.2020, Mark Zuckerberg tiếp tục tham gia vào cuộc tranh cãi khi Apple đối mặt với chỉ trích vì các chính sách của App Store.
Trong một cuộc họp toàn công ty, Mark Zuckerberg nói rằng Apple nắm giữ “quyền kiểm soát độc quyền với vai trò là người gác cổng về những gì được đưa lên iPhone”, theo trang BuzzFeed News.
Ông cho rằng App Store cản trở đổi mới và cạnh tranh, đồng thời “cho phép Apple thu phí độc quyền”, BuzzFeed News đưa tin.
Apple khi đó đang chịu áp lực từ các cuộc điều tra chống độc quyền của Quốc hội Mỹ và bị giới lập trình viên, đặc biệt là nhà phát triển game Fortnite của hãng Epic Games, chỉ trích dữ dội vì thu khoản phí 30% từ các giao dịch trên App Store.
Năm 2020, Facebook cho biết Apple đã chặn một bản cập nhật của ứng dụng Facebook trên iOS, vốn sẽ thông báo cho người dùng biết về khoản phí mà công ty này thu.
Tính năng ATT từ Apple gây ảnh hưởng đến mảng quảng cáo của Facebook
Bản cập nhật iOS 14.5 từ Apple khiến Facebook tức giận vì những tính năng về quyền riêng tư có thể phá hủy một phần hoạt động kinh doanh của họ.
Phiên bản mới này có tính năng App Tracking Transparency (ATT) yêu cầu các ứng dụng trên iPhone phải xin phép người dùng nếu muốn thu thập và theo dõi dữ liệu của họ. Dù ảnh hưởng đến tất cả công ty phát triển ứng dụng iOS, ATT tác động trực tiếp đến mảng quảng cáo của Facebook, vốn phụ thuộc vào dữ liệu theo dõi để phân phối nội dung phù hợp.
Theo báo cáo, khoảng 80% người dùng iOS chọn không cho phép theo dõi, làm giảm hiệu quả của quảng cáo được cá nhân hóa trên Facebook.

iOS 14.5 với ATT là đón giáng mạnh vào mảng quảng cáo của Facebook - Ảnh: Apple
Trong một bài đăng blog tháng 8.2020, Facebook cho biết có thể buộc phải ngừng hoạt động Audience Network (công cụ dùng để cá nhân hóa quảng cáo trong các ứng dụng bên thứ ba) trên iOS.
“Đây không phải là thay đổi mà chúng tôi mong muốn, nhưng đáng tiếc là các bản cập nhật của Apple cho iOS 14 đã buộc chúng tôi phải đưa ra quyết định này”, Facebook viết.
Những phàn nàn từ Facebook và các nhà phát triển khác khiến Apple tạm hoãn triển khai bộ công cụ về quyền riêng tư, với lý do muốn “cho các nhà phát triển thêm thời gian để thực hiện những thay đổi cần thiết”.
Facebook đã đẩy căng thẳng lên một tầm cao mới bằng cách đăng quảng cáo toàn trang trên các tờ báo lớn như The New York Times, Washington Post và Wall Street Journal.
Trong các mẫu quảng cáo này, Facebook lập luận thay đổi từ Apple sẽ gây thiệt hại cho những doanh nghiệp nhỏ đang chạy quảng cáo trên nền tảng của họ.
“Nếu không có quảng cáo được cá nhân hóa, dữ liệu từ Facebook cho thấy một doanh nghiệp nhỏ trung bình sẽ mất hơn 60% doanh thu trên mỗi USD chi tiêu cho quảng cáo”, theo chia sẻ của người dùng Twitter Dave Stangis.
Apple đã phản bác, nói rằng hãng đang “bảo vệ quyền lợi của người dùng”.
“Người dùng nên được biết khi nào dữ liệu của họ bị thu thập và chia sẻ giữa các ứng dụng, trang web khác. Họ nên có quyền lựa chọn cho phép điều đó hay không”, một người phát ngôn Apple tuyên bố.
Cuối cùng, Apple vẫn triển khai iOS 14.5 vào tháng 4.2021 với ATT.
Theo ước tính từ trang The Information, ATT có thể khiến Facebook mất hơn 4 tỉ USD mỗi năm.