Sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ các-bon
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế xanh, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Lào Cai chủ động triển khai các hoạt động điều tra, đánh giá trữ lượng các-bon rừng để sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch điều tra xác định hiện trạng rừng, trữ lượng các-bon rừng giai đoạn 2024 - 2025. Địa điểm thực hiện tại các khu rừng tự nhiên và rừng trồng trên toàn tỉnh. Hoạt động này nhằm định giá rừng, tính sinh khối và trữ lượng các-bon, các trạng thái rừng làm cơ sở cho việc mua bán tín chỉ các-bon trong tương lai.
Huyện Văn Bàn hiện có hơn 86.000 ha rừng, trong đó có hơn 22.000 ha rừng đặc dụng và hơn 42.000 ha rừng phòng hộ. Huyện đang tiến hành đo đạc, xác định sinh khối rừng nhằm tính toán chính xác lượng các-bon được hấp thụ và lưu trữ.

Đoàn điều tra thuộc Viện Nghiên cứu Lâm sinh (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện tích cực triển khai hoạt động này trong những cánh rừng đặc dụng, phòng hộ tại các xã Liêm Phú, Nậm Tha, Nậm Xé, Nậm Chày… Công việc được thực hiện theo quy trình kỹ thuật, ứng dụng thiết bị đo đạc tiên tiến và phần mềm tính toán theo quy chuẩn.
Tại thôn Lâm Sinh, xã Liêm Phú, nơi được chọn là một trong những điểm điều tra thực địa, nhóm điều tra rừng tiến hành các bước kỹ thuật để đo đạc tại ô tiêu chuẩn 1.000 m2. Các kỹ sư phối hợp công việc nhịp nhàng: người đo, người ghi chép, người bấm số cây, người cắm mốc GPS…

Được biết, tại huyện Văn Bàn, nhóm điều tra tiến hành đo đếm 130 ô rừng tự nhiên và rừng trồng. Đơn vị đã cơ bản hoàn thành công việc “ngoại nghiệp” và đang thực hiện các công việc “nội nghiệp” đảm bảo tiến độ kế hoạch đề ra.
Ông Phạm Ngọc Oanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn cho biết: Việc xác định chính xác trữ lượng các-bon rừng không chỉ giúp địa phương tăng cường hiệu quả quản lý tài nguyên thiên nhiên, mà còn mở ra cơ hội tiếp cận các nguồn lực tài chính từ thị trường tín chỉ các-bon, phục vụ công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Ngoài ý nghĩa về môi trường, việc xác định trữ lượng các-bon cũng góp phần hỗ trợ người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu có thêm thu nhập khi tham gia các dự án bảo vệ rừng gắn với sinh kế bền vững.
Với độ che phủ rừng đạt 59,37%, Lào Cai được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng lớn trong lĩnh vực hấp thụ và lưu trữ các-bon. Việc điều tra trữ lượng các-bon là bước chuẩn bị cần thiết để tỉnh chủ động tham gia các chương trình bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế xanh.

Thị trường tín chỉ các-bon được xem là cơ hội lớn để các địa phương có diện tích rừng lớn như Lào Cai phát huy lợi thế, đồng thời thu hút nguồn vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Mỗi tín chỉ các-bon tương đương 1 tấn khí CO2 được giảm phát thải hoặc hấp thụ. Đây là nguồn tài sản môi trường mà rừng Việt Nam nói chung và rừng của tỉnh Lào Cai nói riêng hoàn toàn có thể khai thác hợp pháp, minh bạch.

Ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để đáp ứng yêu cầu cần thiết khi gia nhập thị trường tín chỉ các-bon, ngành lâm nghiệp đã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về tín chỉ các-bon, chú trọng công tác bảo vệ, phát triển rừng để tăng lượng các-bon lưu trữ. Chi cục Kiểm lâm đang phối hợp với các địa phương, đơn vị tiến hành kiểm kê, điều tra các trạng thái rừng để tính toán, xác định trữ lượng các-bon trước khi tham gia thị trường này.

Việc điều tra xác định hiện trạng rừng, trữ lượng các-bon rừng giúp tỉnh Lào Cai đánh giá đúng giá trị môi trường của rừng, từ đó mở ra cơ hội tham gia thị trường tín chỉ các-bon, một lĩnh vực đầy tiềm năng kinh tế trong tương lai gần.
Tỉnh xác định việc chủ động điều tra, thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát trữ lượng các-bon rừng là bước đi cần thiết để không bỏ lỡ cơ hội tham gia thị trường này. Công tác điều tra sẽ áp dụng các phương pháp khoa học hiện đại, đảm bảo tính chính xác và phù hợp với điều kiện sinh thái của từng khu vực rừng.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/san-sang-tham-gia-thi-truong-tin-chi-cac-bon-post401594.html