Maroc kêu gọi cải cách Bộ luật Gia đình sau 20 năm

Quốc hội Maroc đã thông qua Bộ luật Gia đình vào tháng 2/2004, thay thế Bộ luật Địa vị Cá nhân (PSC) được ban hành năm 1958 sau khi đất nước giành được độc lập. Đến nay, nhiều quy định trong bộ luật gia đình 2004 đã lỗi thời.

 Các nhà hoạt động nữ quyền tuần hành yêu cầu sửa đổi Bộ luật Gia đình

Các nhà hoạt động nữ quyền tuần hành yêu cầu sửa đổi Bộ luật Gia đình

Nhiều điều luật mang tính phân biệt đối xử

Cụ thể, Bộ luật Gia đình 2004 quy định độ tuổi kết hôn của người dân nước này là từ đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, nó cho phép phụ nữ Maroc dưới 18 tuổi kết hôn với điều kiện gia đình được sự cho phép của thẩm phán. Trong khi đó, nam giới Maroc bị nghiêm cấm kết hôn trước 18 tuổi.

Theo tổ chức phi chính phủ quốc tế Girls Not Brides, hiện 14% bé gái ở Maroc kết hôn trước sinh nhật thứ 18 và 1% kết hôn trước 15 tuổi. Cơ quan Liên hợp quốc vì Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) đã xác định các điểm "nóng" về tảo hôn ở các vùng nông thôn nghèo khó của Maroc như Azrou, Midelt và Beni Mellal.

Bên cạnh đó, theo các Chương 230, 231, 236 và 237 của Bộ luật Gia đình hiện hành, quyền giám hộ hợp pháp cho con sẽ tự động trở lại với người cha sau khi hai vợ chồng ly thân. Trong khi người mẹ lại không có quyền giám hộ hợp pháp đối với con.

Việc bảo lưu quyền giám hộ cho nam giới chủ yếu dựa trên văn bản tôn giáo nêu rõ, người cha là người giám hộ của gia đình. Trong nhiều năm qua, nhiều phụ nữ sau khi ly hôn đã bày tỏ nỗi đau khổ của mình khi phải đối mặt với những trở ngại trong việc quản lý việc học, tài khoản ngân hàng hay giấy tờ tùy thân của con.

Chủ tịch Tổ chức Phụ nữ Harakis Nezha Bouchareb

Chủ tịch Tổ chức Phụ nữ Harakis Nezha Bouchareb

"Người mẹ chỉ có quyền chăm sóc con của mình nhưng không có quyền quản lý các giấy tờ tùy thân như hộ chiếu. Điều này đồng nghĩa với việc họ không thể đi du lịch cùng con ra nước ngoài hoặc thực hiện việc chuyển trường cho con. Những quyền đó chỉ dành cho người cha", Bushra Abdou, Chủ tịch Hiệp hội vì Bình đẳng và Quyền công dân, cho biết.

Nabila Bouaayach, người đứng đầu Hội đồng Nhân quyền Maroc (CNDH), cho biết, sự bất bình đẳng về thừa kế sẽ làm gia tăng tình trạng đói nghèo ở phụ nữ Maroc và kêu gọi thay đổi ngay lập tức điều luật mang tính phân biệt đối xử này.

Chấm dứt tảo hôn, bất bình đẳng về thừa kế và thực hiện chế độ một vợ-một chồng… là các yêu cầu của phụ nữ Maroc đối với việc sửa đổi Bộ luật Gia đình 2004. Sau nhiều năm vận động không mệt mỏi của các nhà hoạt động nữ quyền, Quốc vương Mohammed VI mới đây đã ra lệnh thực hiện sửa đổi Bộ luật này trong vòng 6 tháng. Ủy ban phụ trách sửa đổi đã chính thức giao nhiệm vụ này cho Thủ tướng Aziz Akhannouch.

Cần đặt phụ nữ vào trung tâm của sự phát triển

Tổng thư ký Phong trào Nhân dân (MP) Mohamed Ouzzine công nhận mức độ tiến bộ của một số điều của Bộ luật Gia đình 2004. Tuy nhiên, ông cho rằng, chúng không đủ để đảm bảo quyền của phụ nữ và đảm bảo bình đẳng giới. Ông kêu gọi một cuộc tranh luận sâu sắc về việc sửa đổi Bộ luật này và xem xét các khía cạnh văn hóa, kinh tế.

Các nhà hoạt động nữ quyền tuần hành yêu cầu sửa đổi Bộ luật Gia đình

Các nhà hoạt động nữ quyền tuần hành yêu cầu sửa đổi Bộ luật Gia đình

Phát biểu tại cuộc họp của Hạ viện Maroc, Chủ tịch Tổ chức Phụ nữ Harakis Nezha Bouchareb nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Bộ luật Gia đình 2004 với mục đích xác định những hạn chế, bao gồm cả việc hiểu sai các điều khoản của Bộ luật.

Bà Bouchareb kêu gọi việc sửa đổi Bộ luật Gia đình 2004 phải phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2011, các công ước quốc tế đã được Maroc thông qua và các mô hình phát triển mới. Ngoài ra, bà cho rằng mục tiêu cuối cùng của động thái này là tăng cường sự đoàn kết gia đình và xã hội.

Chủ tịch Phong trào Nhân dân tại Hạ viện Driss Sentissi nêu bật những hạn chế hiện nay của Bộ luật Gia đình sau 20 năm thực hiện. Ông Sentissi kêu gọi sửa đổi theo hướng tiếp cận kết hợp các nguyên tắc của Hồi giáo và lợi ích tốt nhất của gia đình, phụ nữ và trẻ em.

Đồng thời, Chủ tịch Phong trào Nhân dân tại Hạ viện nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập các chính sách đặt phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn, vào trung tâm của quá trình phát triển. Ông cũng kêu gọi Chính phủ Maroc đưa cách tiếp cận về giới vào tất cả chương trình và chiến lược của mình.

Việc sửa đổi Bộ luật Gia đình 2004 có thể mang lại nhiều sự bảo vệ hơn cho phụ nữ trong các vấn đề như thừa kế, ly hôn, quyền giám hộ và kết hôn với người nước ngoài... Việc chấm dứt nạn tảo hôn sẽ thay đổi cuộc sống của hàng nghìn bé gái, cho phép các em được học hành và phát triển. Việc sửa đổi quy định về thừa kế và ly hôn sẽ mang lại cho phụ nữ sự an toàn, công bằng, để hướng tới bình đẳng giới ở Maroc.

Theo giới phân tích, việc sửa đổi Bộ luật Gia đình 2004 là một việc cần thiết để đạt được tiến bộ về bình đẳng giới tại Maroc nhưng cần tiến thêm một bước nữa để thay đổi các chuẩn mực xã hội. Điều này đòi hỏi sự vận động, giáo dục và đối thoại liên tục để mang lại những thay đổi thực sự trong cuộc sống của hàng triệu phụ nữ nước này.

Hành trình hướng tới bình đẳng giới ở Maroc được đánh dấu bằng "cuộc đấu tranh kép": Đảm bảo việc thực thi luật nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ, đồng thời xây dựng một cộng đồng hỗ trợ, thực hiện bình đẳng giới trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

Nguồn: moroccoworldnews.com, newarab.com

Nhu Thụy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/maroc-keu-goi-cai-cach-bo-luat-gia-dinh-sau-20-nam-20240604154618499.htm