Masan đặt mục tiêu trở thành Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam
Năm 2020, Masan Group đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt từ 75.000-85.000 tỷ đồng (tăng trưởng từ 101% đến 128% so với năm 2019) và lợi nhuận sau thuế, lợi nhuận thiểu số đạt từ 1.000-3.000 tỷ đồng.
Ngày 30/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) và hai công ty thành viên niêm yết là Masan Consumer (HNX_UpCoM: MCH) và Masan MEATLife (HNX_UpCoM: MML) đã tổ chức Đại hội cổ đông năm 2020.
Theo đại diện Masan, Đại hội Cổ đông được tổ chức chung nhằm mang đến cho các bên liên quan cơ hội để đánh giá đầy đủ nền tảng tích hợp độc đáo mà Masan đang xây dựng.
Việc Masan gia nhập vào ngành bán lẻ thông qua thượng vụ sáp nhập VinCommerce (VCM), MCH và MML được kỳ vọng tạo ra sự hiệp lực, đẩy nhanh chiến lược tập trung vào người tiêu dùng và mang lại giá trị vượt trội cho cổ đông.
Báo cáo tại Đại hội cổ đông cho thấy, năm 2020, Masan Group đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt từ 75.000-85.000 tỷ đồng (tăng trưởng từ 101% đến 128% so với năm 2019) và lợi nhuận sau thuế, lợi nhuận thiểu số đạt từ 1.000 đến 3.000 tỷ đồng.
Cụ thể, VCM phấn đấu đạt mức hòa vốn ở nửa cuối năm 2020. MCH cũng đưa ra mục tiêu doanh thu tăng 15% và đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ở mức 2 con số. MML phấn đấu doanh thu ngành thịt đóng góp 20% vào doanh thu gộp và phát triển nền tảng thịt chế biến để tối ưu hóa lợi nhuận.
Còn Công ty Tài nguyên Macsan (MSR) sẽ tập trung vào mảng tích hợp nền tảng kinh doanh vonfram của H.C.Starck (nhà chế tạo hàng đầu các sản phẩm vonfram công nghệ cao) để trở thành nhà chế tạo các sản phẩm vonfram midstream (giai đoạn giữa của chuỗi giá trị).
MSR đã hoàn tất mua lại mảng kinh doanh Vonfram của H.C.Starck. Đây là bước đi chiến lược trong tầm nhìn trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao dựa trên nền tảng chuỗi giá trị tích hợp xuyên suốt hàng đầu thế giới của MSR.
Thương vụ này mang đến cho MSR lợi thế cạnh tranh trên toàn cầu, tạo ra dòng tiền ổn định qua các chu kỳ thị trường; đồng thời mở rộng quy mô thị trường đầu ra lên 3.5 lần, từ 1,3 tỷ USD lên 4,6 tỷ USD.
Chia sẻ tại Đại hội cổ đông, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Masan Group cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là dẫn đầu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi bán lẻ hiện đại trên toàn quốc chứ không chỉ giới hạn ở một vài địa phương. Thay vì chỉ ở mức 8% hiện nay, kênh mua sắm hiện đại dự kiến sẽ chiếm 30% toàn ngành bán lẻ vào năm 2025 và Masan có thể gia tăng quy mô này lên đến 50%."
Theo ông Quang, Masan có mối quan hệ mật thiết và lâu dài với hơn 300.000 điểm bán lẻ truyền thống. Từ chỗ đơn thuần bán sản phẩm của Masan như hiện nay, các điểm bán lẻ sẽ trở thành một phần trong nền tảng bán lẻ của Masan thông qua mô hình nhượng quyền, giúp mang đến lợi ích cho cả hai bên và cho chính người tiêu dùng.
"Năm 2020, Masan Group sẽ không mở rộng kinh doanh quá nhanh chóng mà nỗ lực đảm bảo mô hình hiện có tiếp tục phát triển bền vững. Tôi tin rằng nếu thực thi quyết liệt và kiên định với chiến lược, chúng tôi sẽ trở thành nền tảng bán lẻ hàng đầu Việt Nam và có thể đạt được biên lợi nhuận hai con số," ông Quang nhấn mạnh.
Tổng giám đốc Masan Group - ông Danny Le chia sẻ trong năm 2019, với việc sáp nhập VCM, Masan có bước tiến lớn để trở thành Tập đoàn Tiêu dùng-Bán lẻ hàng đầu và nâng cao khả năng phục vụ tốt hơn các nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng.
Hiện tại, Masan hoạt động trong các lĩnh vực như hàng tiêu dùng nhanh, sản phẩm tươi sống và dịch vụ tài chính (thông qua cổ phần đáng kể trong Techcombank), các lĩnh vực này chiếm khoảng 50% chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam.
"Tuy nhiên, Masan đặt mục tiêu trở thành điểm đến phục vụ nhu cầu đa dạng hơn của người tiêu dùng Việt Nam bằng cách xây dựng một nền tảng lấy người tiêu dùng làm trọng tâm, có thể đáp ứng các nhu cầu thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giải trí, xã hội và truyền thông," ông Danny Le nói.
"Dự kiến đến năm 2025, doanh thu của Masan sẽ đạt từ 150-250 nghìn tỷ đồng với tỷ suất lợi nhuận hoạt động 14-5%. Điều này do tăng trưởng đến từ các sản phẩm nhãn hàng riêng, phát triển mạnh kênh bán hàng trực tuyến, các sản phẩm độc quyền tại các địa điểm bán lẻ, mở rộng mạng lưới phân phối thông qua các cửa hàng và nhượng quyền bán lẻ trong tương lai," ông Danny Le nhấn mạnh.
Để xây dựng nền tảng bán lẻ tích hợp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Việt, Masan đã thành lập Công ty The CrownX, công ty sở hữu cổ phần của MCH và VCM, tận dụng thế mạnh là nhà sản xuất có thương hiệu và nhà bán lẻ hàng đầu của cả 2 công ty.
Theo đó, các ưu tiên chiến lược chính của The CrownX là phát triển mạng lưới cửa hàng và chuỗi cung ứng bao phủ trong cả nước; Phát triển VCM thành mô hình kinh doanh hàng tiêu dùng với các thương hiệu mạnh và trở thành top 50 thương hiệu toàn cầu; phát triển danh mục sản phẩm độc quyền (lên đến 40%) cùng đối tác và nhà cung cấp chiến lược; xây dựng công ty thành Top “10 công ty có môi trường đáng làm việc” tại Việt Nam.
Tại sự kiện, Masan Group công bố cổ tức bằng tiền mặt 10% (1.000 đồng/cổ phiếu) sẽ được trả trong vòng 6 tháng và sẽ thiết lập một chính sách cổ tức để trả cho các cổ đông như hàng năm. Masan Consumer cũng đề xuất mức cổ tức bằng tiền mặt lên tới 45% (4.500 đồng/cổ phiếu), đánh dấu năm thứ 7 liên tiếp trả cổ tức bằng tiền mặt./.