Masan High-Tech Materials: Phát triển bền vững là một hành trình, không phải là đích đến
Masan High-Tech Materials (công ty thành viên của Tập đoàn Masan sở hữu mỏ Vonfram đa kim Núi Pháo) vừa được vinh danh 'Top 100 Doanh nghiệp bền vững' tại Lễ công bố các Doanh nghiệp bền vững Việt Nam (CSI) năm 2023 do VCCI-VBCSD tổ chức.
MHT là doanh nghiệp chế tạo vật liệu công nghệ cao sở hữu dây chuyền sản xuất hiện đại, quy trình quản lý nghiêm ngặt, và tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường. Sở hữu mỏ Vonfram đa kim Núi Pháo (Đại Từ, Thái Nguyên) cũng như 2 nhà máy sản xuất vật liệu công nghệ cao tại Thái Nguyên, Việt Nam và Goslar, Đức, Masan High-Tech Materials là doanh nghiệp điển hình trong sản xuất khép kín, từ khâu khai thác đến sản xuất và tái chế. Với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, MHT đang tạo ra những bước tiến lớn trong việc chuyển đổi ngành công nghiệp sản xuất vonfram theo hướng bền vững, đáp ứng nhu cầu Vonfram trên toàn cầu.
“Chúng tôi đã và đang chuyển đổi cách tư duy của mình về phát triển bền vững, vượt xa các tiêu chuẩn ngành và cam kết thực hiện các thông lệ thúc đẩy cải tiến liên tục trong kinh doanh thông qua việc xem xét có thể giảm dấu chân Carbon và tác động của mình tới môi trường. Đồng thời tìm tòi các phương án trong trường hợp không thể tận dụng chất thải, thì có đối tác có thể sử dụng các vật liệu là sản phẩm phụ từ quy trình công nghệ của chúng tôi không.” - Ông Craig Bradshaw, CEO MHT chia sẻ.
Thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn vì một tương lai bền vững
Năm 2023, Masan High-Tech tái sử dụng 76% lượng nước trong quy trình sản xuất, giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ nước sạch, và giữ vững sự cân bằng môi trường. Hệ thống quản trị nguồn lực được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), giúp phản ứng nhanh hơn với những thay đổi trong điều kiện vận hành, tối ưu hóa quy trình, và tiết kiệm năng lượng.
MHT cũng được ghi nhận là doanh nghiệp tiên phong trong việc thực thi các sáng kiến trung hòa các bon, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Công ty thực hiện kiểm kê khí nhà kính và tính toán lượng phát thải khí nhà kính, đồng thời triển khai chương trình tiết kiệm năng lượng trên toàn công ty với 9 dự án vượt mục tiêu, lượng điện tiết kiệm lên tới 1.191MWh/năm. Năm 2023, thông qua các chương trình phục hồi cải tạo môi trường, Công ty đã trồng 2.000 cây xanh tại các khu vực của bãi thải đất đá để hấp thụ CO2 trong khí quyển.
Masan High-Tech Materials thực hiện phân loại rác thải trong quá trình hoạt động để tái chế thành các dòng sản phẩm mới, tỷ lệ tái chế đạt hơn 30% trên tổng khối lượng rác thải phát sinh. Ở giai đoạn cuối cùng của sản phẩm, MHT sẽ thu mua phế liệu có chứa Vonfram để tái chế phế liệu thành vật liệu mới.
Hiện nay, MHT đang tiếp tục cùng với công ty thành viên H.C. Starck (Goslar, Đức) nghiên cứu triển khai dự án xây dựng nhà máy tái chế Vonfram đầu tiên và lớn nhất châu Á tại Việt Nam. Mục tiêu của dự án sẽ đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và tăng trưởng bền vững về Vonfram ở khu vực châu Á. Đây là một phần trong chiến lược “Tăng trưởng gắn với phát triển bền vững” của MHT, với niềm tin rằng phát triển bền vững là một hành trình, không phải là đích đến.
Không ngừng tạo ra những giá trị mới cho cộng đồng
Bên cạnh thực hành kinh doanh bền vững, sản xuất xanh, MHT là lá cờ đầu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong việc đóng góp vào ngân sách Nhà nước, hỗ trợ thực hiện các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, tạo sinh kế cho người lao động, và nâng cao phúc lợi cộng đồng.
Năm 2023, Công ty được vinh danh “Nơi làm việc tuyệt vời” và “Doanh nghiệp vì người lao động” nhờ những nỗ lực theo đuổi chiến lược “lấy con người làm trọng tâm phát triển”, theo định hướng phát triển bền vững mà Công ty đã đặt ra từ những ngày đầu. MHT không chỉ đảm bảo chế độ đãi ngộ, khen thưởng minh bạch và hấp dẫn cho đội ngũ nhân viên, mà còn tạo ra một môi trường nơi mỗi người lao động có nhiều cảm hứng sáng tạo, nỗ lực cống hiến và phát huy tối đa khả năng của mình.
MHT cũng đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng một cộng đồng văn minh và thịnh vượng. Mỗi năm, Công ty đóng góp hơn 1.000 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước; 1 triệu USD cho các hoạt động đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của tỉnh Thái Nguyên; tạo việc làm cho hàng nghìn người lao động địa phương. Công ty đóng góp hơn 4 tỷ đồng cho việc đầu tư vào giáo dục, hỗ trợ hơn 2.500 em học sinh trong suốt hơn 10 năm qua. Đây chính là những điểm sáng trong hành trình phát triển bền vững tại MHT.
“Giải thưởng Top 100 Doanh nghiệp bền vững Việt Nam thực sự đã ghi nhận chính sách quản trị kiên định cũng như cam kết hướng tới mục tiêu bền vững trên tất cả các hoạt động của chúng tôi, từ khai thác, sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng, môi trường, đến các hoạt động cộng đồng. Động lực chính để thúc đẩy bền vững tại MHT đó là những giá trị phúc lợi cho cộng đồng, an sinh cho xã hội ..., cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam trong sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp vonfram và vật liệu công nghệ cao thế giới.”, Craig Bradshaw, Tổng Giám đốc MHT chia sẻ.
Năm thứ 6 liên tiếp được vinh danh trong Top 100 Doanh nghiệp Bền vững Việt Nam, Masan MHT là tấm gương mạnh mẽ về tăng trưởng thông qua bền vững, đồng thời tạo động lực cho các doanh nghiệp sản xuất khác đầu tư thực hiện mô hình kinh doanh bền vững, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Giải thưởng một lần nữa ghi nhận chính sách quản trị hướng tới bền vững của doanh nghiệp cũng như những nỗ lực không ngừng của MHT trong việc đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, song song với bảo vệ môi trường. Sự kiên trì và tầm nhìn chiến lược của MHT không chỉ mang lại thành công ngày hôm nay mà còn là động lực quan trọng cho sự phát triển thịnh vượng và bền vững của doanh nghiệp và cộng đồng trong tương lai.