Masan muốn bỏ giới hạn room ngoại

Masan sẽ lấy ý kiến cổ đông để bỏ điều khoản quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Masan là 49% vốn điều lệ.

Tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Công ty CP Tập đoàn Masan ghi nhận nội dung “thông qua tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và sửa đổi điều lệ tương ứng”.

Theo đó, Masan muốn hủy bỏ khoản 11 điều 5 điều lệ công ty, phần quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty.

Hiện tại, điều khoản này quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Masan là 49% vốn điều lệ doanh nghiệp.

Ngoài ra, Masan cũng muốn thông qua việc xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 điều 139 Nghị định 155/2020/ND-CP.

Điều 139 xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng theo điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, quy định về ngành nghề hạn chế.

Trong đó điểm d quy định công ty đại chúng không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều này, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế .

Hiện tại, Masan đang đặt mức room ngoại là 49% và khối ngoại đang sở hữu gần 30% tập đoàn này.

Các cổ đông ngoại lớn bao gồm BCC Meerkat LLC (quỹ thuộc Bain Capital) với 4,15%, SK Investment Vina I Pte.Ltd. (thuộc SK Group của Hàn Quốc) với 3,86%, GIC (thuộc chính phủ Singapore) với 2,2%.

Tăng trưởng hai chữ số

Năm 2025, Masan lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần trong từ 80.000 tỷ đồng đến 85.500 tỷ đồng, tương ứng với tăng trưởng từ 7% đến 14% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế trước phân bổ cổ đông thiểu số được dự báo đạt 4.875 tỷ đồng đến 6.500 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh từ 14% đến 52% so với 4.272 tỷ đồng trong năm tài chính 2024.

Theo Masan, động lực chính cho mục tiêu tăng trưởng hai chữ số đến từ các lĩnh vực kinh doanh tiêu dùng cốt lõi.

Đồng thời, tập đoàn cũng đẩy mạnh chiến lược giảm đòn bẩy tài chính, cải thiện bảng cân đối kế toán và tiết giảm chi phí tài chính thông qua việc thu hẹp sở hữu tại các mảng không trọng yếu.

Năm ngoái, Masan ghi nhận doanh thu thuần tăng hơn 6% lên gần 83.200 tỷ đồng và lợi nhuận ròng đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng hơn 300% so với năm trước, vượt gấp đôi kế hoạch đề ra.

Mặc dù lợi nhuận tăng vọt, hội đồng quản trị Masan vẫn đề xuất không chia cổ tức cho năm 2024. Masan cũng duy trì chính sách không chi thù lao cho các thành viên hội đồng quản trị trong năm nay.

Đổi lại, Masan trình cổ đông xem xét thông qua phương án phát hành cổ phần theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) trong năm nay hoặc bốn tháng đầu năm 2026.

Tổng tỷ lệ phát hành tối đa là 0,5% tổng số cổ phần đang lưu hành, với mức giá ưu đãi 10.000 đồng/cổ phiếu.

Đối tượng được lựa chọn là các cá nhân có thành tích nổi bật, đóng góp đặc biệt vào hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo ra giá trị tăng trưởng dài hạn cho tập đoàn.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/masan-muon-bo-gioi-han-room-ngoai-d39687.html