Mặt bằng cho thuê: Không 'nóng sốt', nhưng cũng không ế ẩm
Dù không quá khan hiếm, nóng sốt, nhưng mặt bằng cho thuê trên địa bàn TP. Huế cũng không 'cửa đóng then cài' như một số thành phố lớn.
Một số tuyến đường lớn, trung tâm ở TP. Hồ Chí Minh thời gian gần đây rất nhiều cửa hàng đóng cửa và dán bảng cần sang nhượng, cho thuê mặt bằng. Nguyên nhân được cho là do giá thuê mặt bằng cao, trong khi tình hình kinh doanh, buôn bán ế ẩm nên người dân buộc phải đóng cửa, trả mặt bằng hoặc sang nhượng…
Tình trạng này cũng có thể thấy trên địa bàn TP. Huế nhưng là ở thời điểm sau dịch, nhất là gần giữa cuối năm 2021 đến cuối năm 2022. Tuy nhiên hiện nay, rất ít nơi xảy ra tình trạng này.
Các con phố kinh doanh sầm uất khu vực phía nam thành phố như đường Hùng Vương, Bến Nghé, khu phố Tây gần như các mặt bằng đều đã có người thuê hoặc tự kinh doanh. Trục đường Bà Triệu, Trường Chinh, Nguyễn Huệ… cũng vậy. Hàng quán sầm uất, nhộn nhịp. Các mặt hàng kinh doanh đa dạng phong phú, từ thực phẩm, ăn uống, đồ tiêu dùng đến mỹ phẩm, áo quần thời trang, các mặt hàng thiết yếu…
Gần đây, còn rộ lên hình thức kinh doanh trà sữa, bán hàng mang đi nên nhiều chủ đầu tư có mặt bằng còn chia nhỏ các lô để cho thuê, vừa tiện lợi, giá thành phù hợp với những người trẻ khởi nghiệp có số vốn vừa phải. Lợi thế là các bạn trẻ có nhiều ý tưởng, sáng tạo nên khi decor cửa hàng, tiệm trà của mình cũng góp phần làm cho điểm kinh doanh trở nên hiện đại, sang trọng hơn. Các con phố cũng nhờ thế mà “thay da, đổi thịt” hẳn.
Song, cũng có một thực tế cần nhìn nhận là sau đại dịch một số thương hiệu lớn đã rời Huế hoặc thu hẹp quy mô kinh doanh, từ vài ba cửa hàng xuống còn 1-2 cửa hàng. Ví như ở tầng 1 siêu thị GO! Huế. Trước đây có khá nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng như NEM… Hiện các thương hiệu này đã chuyển đi nơi khác hoặc chọn trục đường khác để thuê mặt bằng kinh doanh.
Theo quản lý của một cửa hàng thời trang, nguyên nhân một phần là do sau dịch, người dân thắt chặt chi tiêu khi thu nhập, việc làm giảm sút không như trước nên họ ít mua sắm hơn, nhất là các loại áo quần thời trang đắt tiền. Hơn nữa, giá thuê mặt bằng ở những vị trí trung tâm, đắc địa khá cao nên không thể duy trì cửa hàng. Ngoài chi phí mặt bằng, họ phải gánh thêm rất nhiều chi phí khác như điện nước, nhân viên, vệ sinh môi trường… nên công ty rút gọn mô hình kinh doanh, chỉ tập trung ở những thị trường có tiềm năng.
Dù vậy, ở những mặt bằng mà các thương hiệu này trả lại ở tầng 1 siêu thị GO! Huế hiện nay cũng gần như kín chỗ, chỉ còn một lô phía gần cầu thang cuốn đi lên tầng 3. Những lô khác đã có khách hàng thuê kinh doanh, chủ yếu vẫn là ngành hàng ăn uống, giải khát, thời trang…
Theo Sở Xây dựng, dù thị trường bất động sản, trong đó có mặt bằng cho thuê ở TP. Huế không sôi động như hai đầu đất nước, song vẫn không quá trầm lắng, nhất là từ đầu năm đến nay. Trong đó, phân khúc mặt bằng cho thuê bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Tùy theo từng tuyến đường mà giá cho thuê có sự chênh lệch. Ví như ở một số tuyến đường trung tâm, như Bến Nghé, Hùng Vương, giá cho thuê vài chục triệu đồng/tháng với mặt bằng diện tích từ 30-50m2; đường Bà Triệu cũng tương đương con số đó. Một số đường “mới nổi” sau này như Trường Chinh, Dương Văn An, Hoàng Quốc Việt… giá cho thuê mặt bằng cũng dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, tùy diện tích, vị trí…
Hiện, vẫn chưa có quy định nào cụ thể về giá từng vị trí mặt bằng cho thuê, ngoại trừ những những khu nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước có tổ chức đấu giá. Chủ yếu vẫn là giao dịch dân sự, thỏa thuận giữa hai bên, “thuận mua, vừa bán”. Dù vậy, nếu quản lý tốt hoạt động cho thuê mặt bằng cũng có thể đem lại nguồn thu thuế cho ngân sách.