Mất bao lâu để việc tiêm vắc xin chống Covid-19 tạo ra sự khác biệt?
Lại một lần nữa, các bệnh viện trên thế giới đang oằn mình vật lộn với làn sóng bệnh nhân Covid-19. Vắc xin ra đời được kỳ vọng sẽ mang lại chiến thắng trong cuộc chiến chống lại đại dịch này. Nhưng đường đến ngày chiến thắng vẫn còn xa và gian nan.
Mất bao lâu để việc tiêm vắc-xin chống Covid-19 tạo ra sự khác biệt? Ảnh: Cristina Spano/The Economist
Bài liên quan
Vắc xin COVID-19 của AstraZeneca được cấp phép sử dụng ở Việt Nam hiệu quả ra sao?
Vắc xin COVID -19 đang được nhiều nước đẩy mạnh tiêm chủng
Vắc xin Covid-19 có thể gây tử vong hay không?
Ở những nơi như London, Cape Town và Los Angeles, xe cứu thương phải đợi hàng giờ để có thể đưa bệnh nhân ra khỏi xe, còn những xe tải đông lạnh ngày càng xuất hiện nhiều để lưu thi thể bệnh nhân.
Vắc xin là giải pháp duy nhất. Vấn đề là, sau bao lâu chúng sẽ có thể xoay chuyển tình thế?
Vắc xin hạn chế số ca tử vong và nhập viện theo 2 hướng: thứ nhất, chúng trực tiếp bảo vệ những người đã được tiêm phòng khỏi bệnh tật; thứ hai, chúng gián tiếp bảo vệ những người chưa tiêm phòng bởi vì những người đã được tiêm phòng sẽ ít có khả năng lây nhiễm cho họ.
Chỉ khi nào tiêm chủng diện rộng được tiến hành, tác dụng hai chiều và tốc độ của vắc xin mới được kiểm chứng. Tuy nhiên, đã dần có những kết quả ban đầu.
Bên cạnh những nhân viên y tế, người già chính là đối tượng mà phần đông các nước tiến hành tiêm chủng trước tiên. Phần lớn những ca tử vong do Covid-19 - ví dụ, khoảng 85% tại Anh - là những người có độ tuổi từ 70 trở lên.
Đồng thời, độ tuổi này cũng chiếm đa số trong các khu bệnh viện chữa trị Covid-19 Do vậy, cả tỉ lệ tử vong và nhập viện đều giảm xuống đáng kể chỉ một vài tuần sau khi những người cao tuổi được tiêm mũi đầu tiên.
Tuy nhiên, phải cho đến khi có nhiều người trung niên được tiêm chủng thì các bệnh viện mới hết chật vật. Lý do là vì ở thời điểm hiện tại, áp lực lớn nhất đang đè lên vai Đơn vị Chăm sóc Chuyên sâu (ICU), và phần đông bệnh nhân ở đây nằm trong độ tuổi từ 50 đến 70. Điều này dường như khá kỳ lạ vì tỷ lệ tử vong ở người già chiếm phần lớn.
Tuy nhiên, máy thở và những thiết bị hỗ trợ chức năng khác thường tác động rất lớn lên cơ thể con người, và người cao tuổi thường quá yếu nên không thể sử dụng chúng.
Chẳng hạn, những ICU Covid tại các bệnh viện Anh Quốc gần đây đã phải tiếp nhận số lượng bệnh nhân trong độ tuổi 20-49 ngang với số bệnh nhân từ 70 tuổi trở lên.
Điều này nghĩa là, nơi nào việc tiêm vắc xin diễn ra chậm trễ thì tỉ lệ người trung niên tử vong có liên quan đến Covid sẽ tăng lên trong hàng tuần hoặc hàng tháng tiếp theo, đồng nghĩa các ICU sẽ bị lấp đầy.
Thông thường, mỗi y tá tại ICU sẽ phụ trách một bệnh nhân. Tuy nhiên, các y tá ngày càng phải điều trị cho nhiều bệnh nhân hơn.
Có hai cuộc nghiên cứu đến từ Anh và Israel đã kết luận rằng khi các ICU Covid mà họ nghiên cứu chạm đến sức chứa tối đa, tỷ lệ tử vong ở đó sẽ tăng lên 20-25% so với dự kiến ban đầu dựa trên đặc điểm của từng bệnh nhân có liên quan.
Lọ vắc xin Covid-19 và kim tiêm được đặt trên bản đồ Liên minh châu Âu chụp ngày 2 -12-2020. Ảnh: Reuters.
Quan sát trên diện rộng
Vì công dân Israel được tiêm vắc xin sớm nhất trên thế giới nên đây là nơi được trông chờ sẽ có bằng chứng đầu tiên cho việc tiêm chủng diện rộng có thể thay đổi tình hình, giúp ích cho tương lai của nhiều nước khác.
Trước ngày 19/1, một tháng sau khi chiến dịch được tiến hành, Israel đã tiêm ít nhất một liều cho 26% trong tổng số 9 triệu dân.
Cũng như mọi nơi khác, người cao tuổi là đối tượng đầu tiên. Và đối với họ, kết quả đang dần xuất hiện. Trong một phân tích gần đây, Ran Balicer của Viện Nghiên cứu Clalit tại Tel Aviv và những cộng sự của mình đã so sánh một nhóm gồm 200.000 người trên 60 tuổi đã được tiêm chủng và một nhóm khác tương tự nhưng chưa được tiêm chủng.
Họ ghi nhận sự khác biệt trong tỉ lệ nhiễm bệnh giữa hai nhóm bằng cách so sánh kết quả xét nghiệm Covid của những người khai báo những triệu chứng giống với Covid hoặc có tiếp xúc gần với bệnh nhân đã dương tính với Covid.
Trong suốt 12 ngày đầu tiên của cuộc nghiên cứu, tỉ lệ dương tính giữa hai nhóm giống hệt nhau. Nhưng sang đến ngày thứ 13, tỷ lệ này giảm nhẹ ở nhóm người đã được tiêm chủng. Sau đó, vào ngày thứ 14, tỷ lệ giảm đi 1/3.
Có đôi phần thất vọng khi mức giảm này không thể lớn hơn, nhưng loại vắc xin của Pfizer/BioNTech cần được tiêm hai liều, vì vậy bức tranh sẽ chỉ trở nên rõ ràng khi liều thứ hai được tiêm, và đồng thời kết quả từ người ở những độ tuổi trẻ hơn cũng sẽ được bổ sung.
Những hiệu quả ban đầu trong việc tiêm ngừa diện rộng của Israel đối với tỷ lệ nhập viện đã trở nên khó đo lường hơn bởi 2 yếu tố gây nhiễu: đầu tiên là việc cách ly xã hội toàn quốc sẽ làm giảm tỉ lệ nhập viện bất kể vắc xin có hiệu quả hay không, và thứ hai là sự lan rộng của B.1.1.8, một biến thể của virus được tìm thấy đầu tiên ở Anh có khả năng lây nhiễm cao hơn, làm đẩy tỷ lệ nhập viện lên cao.
Tuy nhiên, sự kết hợp của hai yếu tố này cũng đang xuất hiện ở rất nhiều nước châu Âu cũng như một số nơi ở Hoa Kỳ, vậy nên những gì diễn ra trong các bệnh viện Israel ngày hôm nay sẽ là những gì mà các nơi khác có thể phải gặp trong vài tuần hoặc vài tháng nữa.
Sau 2 tuần kể từ ngày 2/1, khi 40% số người ở độ tuổi trên 60 đã được tiêm chủng, những dấu hiệu cho thấy tiêm chủng khiến cho các bệnh viện Israel bớt đi gánh nặng đã dần xuất hiện.
Số lượng bệnh nhân mắc Covid đang ở tình trạng nguy cấp trong nhóm tuổi trên 60 tăng 30% vào tuần trước ngày 2/1 và tuần kế tiếp - nhưng con số chỉ còn 7% vào tuần tiếp theo.
Ngược lại, ở nhóm tuổi 40-55 (nhóm tuổi có tỉ lệ được tiêm vắc-xin ít hơn rất nhiều vào thời điểm đó), con số này vẫn duy trì trong suốt 3 tuần này ở mức tăng 20-30% mỗi tuần.
Nhìn nhận kết quả như trên là một quỹ đạo hình mẫu của đại dịch, Eran Segal của Viện Weizmann và cộng sự của ông dự đoán rằng số ca tử vong do Covid-19 ở Israel sẽ bắt đầu giảm dần vào đầu tháng 3, cho dù giãn cách xã hội sẽ được kết thúc theo kế hoạch vào tuần cuối cùng của tháng 1.
Tiên lượng của họ cho rằng nhịp độ của việc tiêm phòng sẽ tiếp tục duy trì ở mức tích cực và 80% người trưởng thành sẽ được tiêm liều thứ hai trước khi tháng 2 kết thúc. (20% còn lại là những người không thể tiêm phòng vì dị ứng,... hoặc từ chối được tiêm.)
Trẻ em có nên tiêm vắc xin COVID-19 là điều cần tìm hiểu thêm - Ảnh: Reuters
Trẻ em là gánh nặng?
Ngay cả một chiến dịch hiệu quả như của Israel vẫn tồn tại nhiều cá thể không được tiêm phòng.
Trừ những thành phần từ chối tiêm chủng và những người trưởng thành không thể tiêm chủng được, vẫn chưa có vắc xin nào được công nhận sử dụng cho trẻ em.
Trẻ hầu như không phải khó khăn chịu đựng nếu bị nhiễm virus, nhưng vẫn có thể truyền virus sang người khác. Điều này sẽ dẫn đến những vụ bùng dịch, tuy ít lan rộng, trong tương lai.
Thông thường, một thử nghiệm vắc xin lên trẻ em sẽ được tiến hành trên một người lớn tuổi hơn và cứ thế độ tuổi hạ dần xuống.
Những thử nghiệm lâm sàng cho một vài vắc xin Covid-19 cho trẻ em 12 tuổi đã và đang được tiến hành, và kết quả có thể sẽ có trước mùa hè này.
Tuy nhiên, những thử nghiệm cho trẻ em dưới 12 tuổi sẽ kéo dài lâu hơn. Vì thế, để có một loại vắc-xin dùng được cho hầu hết mọi trẻ em thì có lẽ phải chờ đến năm 2022.
Cho đến lúc đó, việc ngăn chặn đại dịch sẽ trở nên khó khăn nếu nhiều người lớn không chịu “xắn tay áo lên” để được tiêm phòng.