Mắt gió, mắt nắng bừng mắt thơ Trần Nhã My

Đầu xuân 2024, Trần Nhã My bất ngờ trình làng tập thơ Hoa rong mùa bấc do NXB Hội Nhà văn ấn hành, với hình thức thể nghiệm thơ 1-2-3 thuần Việt. Đây là tập thơ thứ 5 của chị sau các tập: Dỗi, Mảnh vỡ không lời, Huyễn hoặc ngày em, Lặng. Đến với thơ 1-2-3, Trần Nhã My có một tâm thế riêng, kỹ năng riêng, giọng điệu riêng và nguồn cảm hứng mới trên cái phông văn hóa phong phú của một con người sinh trưởng ở vùng biên giới Tây Nam…

Nhà thơ Trần Nhã My. Ảnh: CTV

Nhà thơ Trần Nhã My. Ảnh: CTV

Mắt gió bừng sáng mặt sông

Vàm Cỏ Đông gió ru ngày thổn thức

Gió lướt nhẹ cánh đồng hoa hoàng đầu ấn hướng về tây

Qua cửa khẩu Mộc Bài thăm những người lính căng mình chống dịch

Cô gái Gò Dầu nghe kể chuyện cổ tích

Gió thầm thĩ điều gì mà mắt sáng mặt sông.

Trần Nhã My xuất thân nhà giáo, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đại biểu HĐND tỉnh Tây Ninh, có nhiều cảm tình và gắn bó với Phú Yên.

Giữa thời gian đại dịch COVID-19, tôi được đọc những bài thơ 1-2-3 đầy xúc động của Trần Nhã My - “Cô gái Gò Dầu nghe kể chuyện cổ tích”. Thực ra không phải nghe mà tác giả chính là nhân chứng. Nhân chứng của cổ tích hiện đại về “những người lính căng mình chống dịch” ở Tây Ninh.

Mắt gió bừng sáng mặt sông cũng là “mắt thơ” đang chiếu rọi, tái hiện vẻ đẹp đớn đau lẫn nhân văn cao quý về “những ngày bất thường” từ vùng biên cương thượng nguồn dòng Vàm Cỏ Đông: “Người ơi có thấy/ Quê tôi lạ lắm những ngày bất thường/ hiên nhà trồi lên trứng gà trứng vịt/ Cây mận góc đường nở những bị gạo, túi khoai/ tay nắm cổng nhà bí nụ, bầu tươi kết trái/ lạ lắm người ơi, mùa COVID quê tôi càng thắm nghĩa tình”.

Lạ mà không lạ. Nghĩa cử cảm động đến nghẹn ngào. Những hình ảnh giản dị thân thương “bầu ơi thương lấy bí cùng” giữa lúc khó khăn “càng thắm nghĩa tình” đồng bào dòng giống rồng tiên đi vào thơ Trần Nhã My một cách tinh tế. Và cả tình yêu quê hương nồng thắm nữa.

Một tình yêu thân gần hiện hữu cùng cây cỏ, sông hồ, núi đồi mà sâu lắng, diệu vợi như hơi thở, trời xanh và đức tin: “Quê em đáng yêu từ cọng cỏ mềm/ Vàm Cỏ yểu điệu chở phù sa cho mùa màng tươi tốt/ Hồ Dầu Tiếng mát ngọt quanh năm/ Khoảng trời xanh in dáng núi cao vời có Phật Bà che chở/ Ai đi xa rồi cũng sẽ nhớ/ Sẽ trở về mà hít thở vị quê”.

Ngoài các địa danh sông Vàm Cỏ Đông, hồ Dầu Tiếng thì Tây Ninh quê hương nhà thơ còn hiện lên “Khoảng trời xanh in dáng núi cao vời có Phật Bà che chở” mà ai từng đến đây đều biết ấy là hình ảnh núi Bà Đen sừng sững, linh thiêng, thăng trầm cùng lịch sử.

Từ núi sông hoành tráng, thơ Trần Nhã My còn “thu nhỏ” với hình ảnh xóm làng thân thuộc, nhưng lại hiện lên cả một bức tranh sống động kỳ vĩ. Thơ ngỡ như họa. Đẹp dịu dàng. Đẹp đến nao lòng trên từng con chữ: “Chuyện ở Xóm Lò ngày xưa ấy/ Ánh trăng xuyên qua những câu thơ vằng vặc/ Cánh đồng chữ vàng màu mật ngọt/ Gió thổi mềm trang sách nhàu nhĩ lời ru/ Nhánh lúa trên đồng cong vòng eo con gái/ Giữa mênh mông trăng rằm tan loãng tiếng ầu ơ…”.

Tình yêu cũng là sợi chỉ xanh xuyên suốt tập thơ 1-2-3 Hoa rong mùa bấc của Trần Nhã My. Tình yêu ấy lặn trong mắt gió, mắt nắng và hóa thành mắt thơ khi tỏ khi nhòa, khi thực khi hư để “thu sóng” thiên nhiên, cảnh vật, con người và cả những tiếng lòng u uẩn, tiếng nói mơ hồ “phát sóng” từ tâm cảm nữ sĩ.

Tập thơ 1-2-3

Hoa rong mùa b

ấc

của Trần Nhã My.

Ảnh: CTV

Chúng mình buộc phải hóa thành thứ gì đó đêm nay

Anh có muốn thành gió cao nguyên lồng lộng

Ve vuốt rừng xanh như chải tóc lưng trời

Hay anh là ngọn núi không tên không tuổi

Em vẫn là em

Hóa đá ngồi với núi, với lồng lộng gió

cao nguyên.

Những câu thơ như vụt hiện từ vô thức. Con người được ví với thiên nhiên. Và tình yêu lứa đôi vừa tỉnh vừa say giữa “lồng lộng gió cao nguyên” phiêu bồng. Trong thơ Trần Nhã My luôn tràn ngập hình ảnh thiên nhiên vừa quen vừa lạ, vừa thanh nhã vừa nặng tình. Có lúc thiên nhiên với con người hòa làm một. Hết sông hồ, đồi núi, cánh đồng, chim muông, đến ánh trăng, cỏ cây, nắng mưa, nhất là gió: “Anh đừng rủ em làm lá làm hoa/ Hoa lá rung rinh vui vài giây phút/ Anh là ngọn gió thoảng qua rồi đi mất/ Suốt bốn mùa cây lẳng lặng ôm trọn nhớ thương/ Mặc mưa nắng trêu hoa ghẹo lá/ Đợi chờ đến héo tàn rồi lại sợ cơn gió cũ vụt qua”.

Ngọn gió được ví như tình yêu thoảng qua bay mất, hay vô tình trở lại rồi vụt qua. Nhưng có khi gió cũng chính là tình yêu, gió hóa thành tình yêu từ phía bến bờ nhớ thương của những chiều biên giới ngăn sông cách đò:

Em ngồi ngửa mặt đón gió sông

Ngọn gió quen bên bờ tây mơn man làn tóc

hương phù sa phả vào em ngây ngất vị

quê hương

Cánh cò chiều chở nhớ thương về biên giới

xin nhắn giùm

bờ đông bên này vẫn ổn nghe anh!

Thú vị hơn, trong giấc mơ chênh chao giữa địa ngục với trần gian, giữa niềm cảm hứng hoan lạc sáng tạo với nỗi sợ hãi trắc ẩn, ngọn gió lại như cơn cuồng phong “cuốn người đi mải miết” vào vô tận. Tâm thức hiện sinh tạo dựng một tứ thơ độc đáo: “Một giấc mơ về trong chớp mắt/ Thấy mình tạo ra một tác phẩm điêu khắc/ Tạc tượng Dostoevsky là tượng đứng/ Đôi bàn chân vừa đủ trên mỏm đá nhô ra vực thẳm/ Gió qua địa ngục, gió thốc vào trần gian/ Cuốn người đi mải miết trong giấc mơ cuộc đời”.

Không gian thẩm mỹ thơ 1-2-3 của Trần Nhã My còn mở ra nhiều ô cửa khác nhau, với những góc nhìn đằm thắm về cha mẹ, chồng con, người thân, bạn bè, trường lớp, kỷ vật… và những con người giàu đức hy sinh, những số phận bé nhỏ và những kỷ niệm đẹp khó quên. Mỗi bài thơ thêm lần xác lập gương mặt thơ nữ tài hoa của vùng biên giới Tây Nam.

Tuy vậy, nhà thơ Trần Nhã My luôn khiêm nhường và tự ví mình như “hoa rong mùa bấc” chẳng tỏa hương, mê mải lặng im dâng hiến. Một sự khiêm nhường cần có của một tâm hồn rộng mở, một trái tim nhiệt huyết, một tình yêu dấn thân vì vẻ đẹp sáng tạo thi ca.

Hoa rong mùa bấc

Không dám hồng lên cùng màu sen sương sớm

trắng, không. Tím như hoa súng dưới đầm ban mai, không

Mải mê một sắc vàng lặng im mùa gió lạnh

chẳng tỏa hương, nào có ong bướm vờn quanh

cứ vươn mình dâng trọn những bé xíu níu mùa đông thầm lặng.

Xuất hiện trên thi đàn từ mùa thu 2018, thể thơ 1-2-3 nhanh chóng thu hút hàng trăm cây bút tham gia sáng tác, đặc biệt là các nhà giáo ở khắp mọi miền đất nước; được dịch và giới thiệu khá nhiều ở nước ngoài. Mỗi bài thơ 1-2-3 có cấu trúc gồm 3 đoạn, 6 câu. Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện, dễ vô tình dẫn tới đạo văn. Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ. Đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ. Nhà thơ Trần Nhã My là một trong những tác giả sớm thử bút thể thơ mới này và chị nhanh chóng khẳng định mình.

PHAN HOÀNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/313608/mat-gio-mat-nang-bung-mat-tho-tran-nha-my.html