Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng mới
Theo Euro News, từ ngày 7-5, 133 hồng y từ 70 quốc gia cùng bước vào Nhà nguyện Sistine ở Vatican để tham gia Mật nghị Hồng y, bầu chọn ra vị Giáo hoàng mới của Giáo hội Công giáo.
Bảo vệ tính tuyệt mật
133 hồng y từ 70 quốc gia, đây là con số kỷ lục, tăng mạnh so với 115 hồng y đến từ 48 quốc gia trong mật nghị gần đây nhất vào năm 2013. Mật nghị lần này cũng đánh dấu sự đa dạng đáng kể, với nhiều đại diện hơn đến từ châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, phản ánh kỳ vọng của cố Giáo hoàng Francis là mở rộng phạm vi toàn cầu của Giáo hội.
Theo Vatican News, cố Giáo hoàng Francis mong muốn các hồng y là những vị đại diện của Giáo hội ở mọi nơi, chứ không chỉ của những giáo phận hay quốc gia quan trọng.
Trong nhiều thế kỷ, không có Giáo hoàng nào được bầu vào ngày đầu tiên của mật nghị. Do vậy, việc bỏ phiếu có thể kéo dài trong nhiều ngày trước khi một trong những ứng viên của Giáo hội nhận được 2/3 số phiếu bầu cần thiết để trở thành Giáo hoàng thứ 267.

Các Hồng y tại Nhà nguyện Sistine. Ảnh: Vatican Media
Do vòng đầu tiên trong ngày 7-5 không tìm ra được ứng viên giành được 2/3 số phiếu để trở thành Giáo hoàng mới, cuộc bỏ phiếu được tiếp tục. Từ ngày 8-5, quy trình bỏ phiếu diễn ra bốn lần mỗi ngày, gồm hai lần vào buổi sáng và hai lần vào buổi chiều theo giờ Rome.
Các hồng y sẽ ghi tên ứng viên vào lá phiếu và sau đó lần lượt bỏ phiếu theo thứ bậc. Hồng y tham gia mật nghị không được bỏ phiếu cho chính mình. Mỗi lá phiếu bầu được thiết kế hình chữ nhật, nửa trên in sẵn dòng chữ tiếng Latinh, nửa dưới để trống để viết tên ứng viên. Sau khi bỏ phiếu, các lá phiếu được thu gom, đếm cẩn thận để thực hiện việc kiểm phiếu và đưa vào lò đốt.
Theo truyền thống kéo dài hàng thế kỷ, các lá phiếu sau mỗi vòng sẽ được đốt để phát tín hiệu ra bên ngoài. Khói trắng xuất hiện nếu đã bầu được Giáo hoàng. Ngược lại, nếu chưa có kết quả, khói đen sẽ xuất hiện.
Đến cuối ngày thứ 3, nếu vẫn không tìm ra được Giáo hoàng mới, Hồng y đoàn sẽ nghỉ một ngày để cầu nguyện, thảo luận và lắng nghe những lời nhắc nhở từ một hồng y cấp cao. Cuộc bỏ phiếu tiếp diễn và nếu không bầu được tân Giáo hoàng trong 7 vòng, mật nghị lại tạm nghỉ và rồi sau đó quy trình này lặp lại.
Trong suốt thời gian diễn ra mật nghị, các hồng y sẽ không được đọc báo, nghe đài, xem tivi, sử dụng điện thoại thông minh hay truy cập Internet để đảm bảo bí mật hoàn toàn.
Để ngăn chặn khả năng phá vỡ nguyên tắc bí mật, hàng loạt công nghệ đã được triển khai nhằm “cắt đứt” mối liên lạc có nguy cơ làm rò rỉ thông tin ra ngoài trước khi có thông báo chính thức từ Giáo hội. Song song với các biện pháp này, chính phủ Italy cũng triển khai hệ thống chống máy bay không người lái nhằm vô hiệu hóa bất kỳ thiết bị nào xâm nhập bầu trời Rome.
Cải cách hay truyền thống
Trong những ngày gần đây, các hồng y có nhiều quan điểm khác nhau về những gì họ mong đợi ở vị Giáo hoàng tiếp theo. Trong nội bộ Hồng y đoàn, quan điểm về hướng đi của Giáo hội cũng có sự khác biệt. Một số người mong muốn vị Giáo hoàng mới tiếp tục tinh thần cải cách, cởi mở mà Giáo hoàng Francis để lại. Số khác lại kêu gọi quay trở về các giá trị truyền thống.
Giáo hoàng vừa là nhà lãnh đạo của Vatican - quốc gia có diện tích nhỏ nhất thế giới, vừa là lãnh đạo của các tín đồ Công giáo toàn cầu. Do đó, vị trí này có tầm ảnh hưởng đặc biệt với nền chính trị thế giới. Đây là lý do các cường quốc đều muốn gây ảnh hưởng, hoặc ít nhất là nắm được thông tin về cuộc bầu cử.
Hiện chưa có ứng viên nào nổi bật hẳn, nhưng truyền thông thế giới cho biết một số cái tên đang thu hút sự chú ý như Hồng y Quốc vụ khanh Vatican Pietro Parolin của Italy và ba hồng y đến từ châu Á, gồm: Hồng y Luis Antonio Gokim Tagle và Hồng y Pablo Virgilio Siongco David (đều mang quốc tịch Philippines), Hồng y Lazzaro You Heung-sik (quốc tịch Hàn Quốc). Không loại trừ khả năng một “ẩn số” sẽ được bầu làm tân Giáo hoàng, giống như trường hợp của cố Giáo hoàng Francis năm 2013.
Theo Vatican News, ngày bỏ phiếu đầu tiên của Mật nghị Hồng y đã tạo nên tác động mạnh mẽ trên mạng xã hội, với hơn 2,7 triệu lượt tương tác được ghi nhận trên các mạng xã hội Instagram, Facebook và X.
Đặc biệt, các từ khóa “black smoke” (tiếng Anh: khói đen) và “fumata nera” (tiếng Italy: khói đen) đã có tổng cộng 1.946.945 phản hồi trên Instagram và Facebook, trong khi trên X, các tương tác đã vượt quá 798.836 lượt. Chỉ trong vài giờ, Hashtag #conclave đã được sử dụng 7.800 lần, cho thấy sự tham gia rộng rãi toàn cầu về việc bầu chọn Giáo hoàng mới.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mat-nghi-hong-y-bau-giao-hoang-moi-post794390.html