'Mật ngọt' lãi suất, bài học cũ nhưng vẫn có nạn nhân mới (Bài cuối)
Tại sao các công ty dù thành lập và hoạt động chưa được bao lâu mà có thể dễ dàng chiếm được lòng tin và huy động được hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng từ các nhà đầu tư?
Nguy cơ mất vốn vì hợp đồng hợp tác kinh doanh của rất nhiều người dân đang là vấn đề khá nhức nhối hiện nay. Dư luận thời gian qua đã đề cập đến hàng loạt công ty huy động vốn của người dân dưới hình thức này và Báo CAND cũng đã từng phản ánh như trường hợp của Công ty cổ phần bất động sản Nhật Nam hay Công ty Cổ phần Tập đoàn NTea Việt Nam… Từ kinh doanh bất động sản, đến chăn nuôi, trồng chè và giờ là trường hợp của Công ty CCV này với hoạt động chỉ là trồng và kinh doanh các sản phẩm về rau má, tại sao các công ty này dù thành lập và hoạt động chưa được bao lâu mà có thể dễ dàng chiếm được lòng tin và huy động được hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng từ các nhà đầu tư?
Lãi suất cao và bài học vỡ lòng
Lật giở lại Hợp đồng Hợp tác kinh doanh giữa Công ty CCV ký với các khách hàng, khách hàng sẽ được hưởng lợi nhuận theo tháng mà không phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh của công ty này (giá trị cao, thấp tùy từng hợp đồng). Bên cạnh đó, trong phụ lục của hợp đồng, khách hàng còn được hưởng các khoản thù lao khác theo tháng. Cộng các khoản lợi nhuận và thù lao này, khách hàng có thể được nhận đến 8% lợi nhuận/tháng (tùy từng hợp đồng) trên tổng số tiền đã đầu tư. Với khoảng 8%/tháng, tính theo năm lợi nhuận có thể lên đến hơn 90%, đây chính là "mật ngọt lãi suất", mà hầu hết các trường hợp nguy cơ mất tiền liên quan đến Hợp đồng hợp tác kinh doanh thời gian qua đều diễn ra tương tự.
"Mờ mắt" vì lợi nhuận cao, bị "thôi miên" vì những lời quảng cáo, khách hàng rút sạch hầu bao, thậm chí huy động anh em, bạn bè cùng tham gia. Sau thời gian ban đầu được trả lợi nhuận đầy đủ, các công ty sẽ trì hoãn việc chi trả và "giữ" luôn cả vốn của nhà đầu tư với vô vàn lý do. Đây là nhận định của luật sư Trần Quang Khải (Đoàn luật sư Hà Nội) về việc tại sao, dù dư luận đã đề cập đến rất nhiều mà vẫn có rất nhiều người vẫn chấp nhận "xuống tiền" đầu tư.
"Chúng ta có thể thấy rất rõ điều này qua sự việc của Công ty Bất động sản Nhật Nam vừa xảy ra. Với lãi suất trả theo ngày và lên đến 70 - 80%/năm, đầu tư 1 tỷ mà mỗi năm có thể thu được lợi nhuận lên đến 800 triệu đồng chính là điểm mấu chốt dẫn đến nhiều người bất chấp để đầu tư mà không cần tìm hiểu kỹ. Hơn nữa, chiêu bài của các công ty đi huy động tiền kiểu này là khoảng thời gian đầu trả lợi nhuận rất sòng phẳng để khách hàng tin tưởng, và thu hút thêm các khách hàng mới. Đây là bài học vỡ lòng cho những người có ý định đầu tư bởi không có bất kỳ một doanh nghiệp, đơn vị nào huy động vốn mà có thể trả lợi nhuận lên đến 80 - 90% được cả", luật sư Trần Quang Khải phân tích.
Cơ quan chức năng khuyến cáo
Theo luật sư Lê Văn Quý, Công ty Luật TNHH Lê Gia Việt, các quy định của pháp luật hiện nay không cấm hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh nhưng cũng không có các quy định cụ thể liên quan đến loại hình hợp đồng này.
Tuy nhiên, thực tế từ các vụ việc xảy ra thời gian qua thì bản chất hợp đồng giữa khác hàng với các công ty huy động tiền này không phải là hợp đồng Hợp tác kinh doanh. Hợp tác kinh doanh, Hợp tác đầu tư là khách hàng hợp tác góp vốn dựa trên những nền tảng đầu tư kinh doanh có sẵn từ các công ty, doanh nghiệp. Sau đó, dựa trên kết quả kinh doanh mà chia lợi tức hay cùng phải gánh lỗ theo tỷ lệ vốn góp. Nhưng với các trường hợp sẵn sàng trả lợi nhuận cao 70 - 80%, thậm chí đến 90%/năm mà trong hợp đồng lại ghi rõ không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh như của Công ty CCV thì về mặt bản chất chỉ là hợp đồng vay vốn.
"Hợp tác đầu tư thì phải đến kỳ mới có báo cáo, quyết toán, nộp thuế mới tính được lỗ, lãi. Phải có lãi mới có thể chia được, chứ làm sao mà chia lãi theo ngày, theo tháng được, không những vậy lãi suất lại còn cao bất thường. Lãi suất của ngân hàng khi cho doanh nghiệp vay sản xuất kinh doanh khoảng 12 - 13%/năm, tại sao họ không vay ngân hàng mà phải vay người dân với mức lãi suất phải trả đến 70 - 80%. Những trường hợp trả lãi cao bất thường thế này, những người có ý định đầu tư phải hết sức chú ý", luật sư Lê Văn Quý khuyến cáo.
Cùng với đó, nói đến nguy cơ mất tiền của các nhà đầu tư, luật sư Lê Văn Quý cho rằng, nếu xác định được ý chí ngay từ đầu của công ty huy động tiền đã dùng những lời giới thiệu không có thật, tài sản không có thật nhằm tạo lòng tin, thu hút nhà đầu tư tham gia sau đó sử dụng tiền sai mục đích thỏa thuận, cố tình trốn tránh bằng các cách thức khác nhau nhằm thoái thác trách nhiệm thì dấu hiệu của lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đã có tùy từng tình huống cụ thể. Để xác định hành vi vi phạm này có dấu hiệu hình sự hay không rất cần sự vào cuộc của cơ quan điều tra nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân. Tuy nhiên, dù là khởi kiện ra tòa dân sự theo các điều khoản trong hợp đồng đã ký với nhau hay hình sự thì trong những vụ việc như thế này, người góp tiền hợp tác vẫn là người chịu thiệt thòi.
Trao đổi với Báo CAND xung quanh hoạt động góp vốn đầu tư của người dân thông qua các Hợp đồng hợp tác kinh doanh mà người dân đứng trước nguy cơ mất vốn đang gây bức xúc trong dư luận, đại diện Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) cho biết, thời gian qua đơn vị này đã nắm được tình trạng một số doanh nghiệp quảng cáo sai sự thật để người dân tin tưởng góp vốn, dẫn đến việc đơn thư, khiếu nại, phản ứng đông người gây phức tạp về an ninh trật tự. Các trường hợp này thường trả lãi suất cao hơn rất nhiều lần lãi suất ngân hàng, yêu cầu khách hàng không hình sự hóa các tranh chấp, các điều khoản hợp đồng mập mờ, sơ sài, góp vốn đầu tư nhưng không được can thiệp vào hoạt động quản lý, điều hành, giám sát doanh nghiệp…
Do đó, Cục An ninh kinh tế khuyến cáo người dân trước khi đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp, dự án cần tìm hiểu kỹ pháp nhân, tính pháp lý của dự án, đọc kỹ tất cả các điều khoản ghi trong hợp đồng. Đặc biệt, người dân cần chú ý đến các dấu hiệu bất thường như: Trả lãi cao gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng nhưng không chứng minh được nguồn thu, lợi nhuận để trả cho khách hàng. Đặc biệt chú ý đến các nội dung trong hợp đồng góp vốn, nếu sơ sài, mập mờ, yêu cầu cam kết không can thiệp vào hoạt động quản lý, điều hành, giám sát và không được cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng thì từ chối tham gia.