Mật ngọt OCOP từ vùng đất duyên hải Cần Giờ
Trên vùng đất ngập mặn Cần Giờ, ngoài đước còn có bạt ngàn dừa nước. Những giọt mật ngọt ngào từ dừa nước đã và đang chinh phục du khách bởi sự độc đáo và câu chuyện thú vị.
Thưởng thức một ly dừa nước mát lành, có thêm cơm dừa nước giòn giòn, ngọt thanh là một trải nghiệm nên thử và đáng thử khi du lịch Cần Giờ. Vài năm trở lại đây, đến Cần Giờ, du khách được giới thiệu một loại thức uống đặc biệt, đó là mật dừa nước. Nó được ví như sản vật quý giá được thiên nhiên ban tặng.
Mật dừa nước là gì?
Dọc đường Rừng Sác về xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, hai bên đường có khá nhiều trạm dừng chân. Dừa nước là thức uống giải khát phổ biến nhất ở các trạm này và người bán cũng không quên giới thiệu mật dừa nước đặc sản OCOP. Đây là sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) huyện Cần Giờ đã được TP.HCM công nhận đạt OCOP 4 sao.
“Dừa nước ly chủ yếu gồm một phần nhỏ nước dừa, cơm dừa, đường và nước có thêm đá để giải khát. Còn mật dừa nước, toàn bộ là nguyên chất được chiết xuất từ cây dừa nước mà ra. Đây là đặc sản mới của Cần Giờ chúng tôi, được đóng chai hẳn hoi, ngoài uống tại chỗ, mọi người có thể mua về để tủ lạnh dùng dần”, bà chủ trạm giải khát số 2 trên đường Rừng Sác giới thiệu với chúng tôi. Bà cũng không quên tiết lộ gần đây, nhiều khách chưa cần được giới thiệu đã chủ động hỏi về mật dừa nước để thưởng thức và mua về làm quà.
Sản phẩm mật dừa nước Cần Giờ mới xuất hiện khoảng 4-5 năm trở lại đây. Mật dừa nước được chiết xuất 100% từ cây dừa nước Cần Giờ, có công dụng giải khát, bổ sung khoáng chất hiệu quả và làm thức uống điện giải rất tốt. Kể từ khi được giới thiệu trên thị trường, chỉ vài trạm dừng chân nhận phân phối và giới thiệu, hiện nay, nó đã phủ sóng rộng khắp các điểm bán ở Cần Giờ. Đặc sản mật dừa nước OCOP cũng đã xuất hiện ở các điểm du lịch, resort nghỉ dưỡng ở Cần Giờ để phục vụ du khách sử dụng tại chỗ và mua về làm quà.
Cầu kỳ làm mật dừa nước OCOP
Người tìm ra mật dừa nước và phát triển, đưa nó trở thành đặc sản của huyện Cần Giờ là anh Phan Minh Tiến - một chàng trai 9X, sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất quê hương Cần Giờ. Mời chúng tôi thưởng thức mật dừa nước nguyên chất giữa rừng dừa bạt ngàn, anh Tiến cho biết những giọt mật ngọt ngào này chính là tinh túy của đất rừng ngập mặn Cần Giờ.
Là kỹ sư hóa, tốt nghiệp trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, anh Tiến thấy rằng tại các nước có diện tích dừa nước lớn như Malaysia, Philippines, họ khai thác mật dừa nước, chế biến thành rượu, giấm để tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
“Năm 2017, tôi nghỉ việc, quyết định về quê hương Cần Giờ khởi nghiệp với chính loài cây đặc trưng của vùng đất mình. Cuống của buồng dừa nước sau khi chặt là nơi tiết ra mật. Mình phải ‘mát-xa’ cho cuống, ‘mát-xa’ liên tục khoảng một tháng trước thời điểm thu hoạch để khơi thông mạch dẫn cho nó thì cuống dừa nước mới tiết mật”, anh Tiến nói.
“Mát-xa” cho dừa nước thực chất là gõ vào chúng. Việc này hoàn toàn được làm bằng tay. Mỗi cuống dừa sẽ tiết ra được 1 lít mật dừa nước tươi mỗi ngày và có thể lấy mật liên tiếp trong 30 ngày. Mật dừa nước tươi có vị ngọt thanh mát, pha chút vị mặn tự nhiên của vùng duyên hải Cần Giờ.
Mật dừa nước sau khi thu được sẽ đưa vào hệ thống lọc thanh trùng, đóng chai thủy tinh và bảo quản lạnh. Để tiếp tục nâng cao chất lượng cũng như giá trị cho mật dừa, anh Tiến đã mày mò, nghiên cứu dây chuyền cô đặc mật dừa nước, biến chúng thành những sản phẩm có giá trị cao hơn.
“Cứ 8 lít mật dừa tươi sẽ cho ra 1 lít mật dừa nước cô đặc. Mật dừa nước cô đặc có thể dùng như đường tự nhiên thay thế cho đường và mật ong, phù hợp cho cả người có chế độ kiêng đường”, anh Tiến nói. Với công nghệ sản xuất tiên tiến đã được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm HACCP, các sản phẩm mật dừa nước cô đặc có thể để được 1 năm ở nhiệt độ thường.
Mật dừa nước nguyên chất và mật dừa nước cô đặc là hai trong số những sản phẩm OCOP đầu tiên của TP.HCM. Từ nguồn nguyên liệu dân dã tại quê hương Cần Giờ, anh Tiến đã “lên đời” chúng trở thành đặc sản địa phương, độc đáo, lạ miệng, tốt cho sức khỏe và được nhiều người đón nhận.
Phát triển bền vững rừng dừa nước Cần Giờ
Đường dừa nước dành cho người ăn kiêng, tốt cho sức khỏe là sản phẩm mới nhất được anh Tiến và đội ngũ phát triển sản phẩm đưa ra thị trường. Anh không ngừng tìm kiếm những sản phẩm mới có thể tạo ra từ mật dừa nước để đa dạng hóa sản phẩm và khai thác hết giá trị từ mật dừa nước.
Từ vườn dừa nước 1 hecta ban đầu, hiện anh đã liên kết với các hộ sản xuất khác, nâng quỹ dừa nước khai thác lên hơn 5 hecta. Trung bình 1 hecta dừa nước được khai thác mật và chế biến, mỗi năm có thể tạo ra 20 tấn đường dừa nước, trị giá hàng chục tỷ đồng. Nếu khai thác hiệu quả sẽ càng cho giá trị kinh tế cao hơn.
Đáng chú ý, khi duy trì khai thác theo hướng bền vững, Cần Giờ sẽ giữ được và có thể mở rộng diện tích rừng dừa nước tự nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và hệ sinh thái rừng ngập mặn. Đây cũng là mục tiêu của Vietnipa và chàng trai trẻ Phan Minh Tiến. Anh đang hướng đến các chuẩn hữu cơ, khai thác hiệu quả kinh tế tuần hoàn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Nhìn lại quá trình khởi nghiệp vừa qua, anh Tiến cho biết rất tự hào khi dừa nước Cần Giờ đã được nâng tầm, từ loại cây “mọc bờ, mọc bụi”, chúng đã cho kinh tế cao, đặc biệt nhiều hộ gia đình đã có thể sống ổn định hơn nhờ “bắt tay” cùng anh liên kết khai thác mật dừa nước.
Cần Giờ có nhiều loại hình, sản phẩm du lịch trong đó có loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, được nhiều đơn vị lữ hành quan tâm khai thác.
Bên cạnh đó, huyện Cần Giờ cũng đã triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, đến nay huyện đã có 18 sản phẩm được thành phố phê duyệt và phân hạng. Tỷ lệ sản phẩm OCOP 4 sao chiếm áp đảo với 12 sản phẩm như xoài cát Cần Giờ, khô cá dứa một nắng, tôm khô, tôm sú tự nhiên, tôm thẻ chân trắng thương phẩm, tổ yến chưng nguyên chất, mật dừa nước…
Đồng thời, Cần Giờ xây dựng kế hoạch để đưa các điểm du lịch sinh thái Dần Xây, khu du lịch Vàm Sát và khu du lịch cộng đồng Thiềng Liềng thành sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch; làm cơ sở để gắn kết du lịch với việc quảng bá, tăng giá trị các sản phẩm OCOP của địa phương.
TS. Phan Thụy Kiều - Trưởng nhóm nghiên cứu đề tài Định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với sản phẩm OCOP tại huyện Cần Giờ đến năm 2030, cho biết định hướng quan trọng nhất của đề án này là phát triển du lịch sinh thái Cần Giờ, thu hút du khách đến Cần Giờ và đưa hoạt động trải nghiệm sản phẩm OCOP, mua sản phẩm OCOP về làm quà.
“Trong quá trình triển khai, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển toàn diện các hoạt động thương mại tại Cần Giờ, tập trung đưa Cần Giờ được phát triển xứng tầm”, bà Kiều nói.
Phúc Thịnh - Thái Giàu