Mật ong hoa vải ở Bắc Giang được mùa, được giá
Là địa phương có diện tích vải thiều lớn nhất tỉnh Bắc Giang, những ngày này, người dân xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn đang tất bật chuẩn bị kết thúc vụ thu hoạch mật ong hoa vải thiều, hứa hẹn một vụ mùa thắng lợi.
Năm 2025, dự báo thời tiết thuận lợi, quả vải thiều của Bắc Giang đạt tỷ lệ ra hoa dự kiến trên 90% và đang phát triển thuận lợi.

Toàn cảnh thủ phủ vải thiều xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam, anh Cao Ngọc Hoàn ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết, bản thân đã gắn bó với nghề nuôi ong du mục được nhiều năm. Nghề này rất đặc biệt, thường xuyên phải di chuyển nay đây mai đó trên khắp đất nước, cứ ở đâu có nguồn hoa tốt cho ong để khai thác lấy mật thì mình di chuyển đàn ong tới đó.
Năm nay, sản lượng mật ong hoa vải được mùa hơn so với mọi năm. Ngày này năm ngoái, theo bà con trồng vải huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) chia sẻ, khoảng mấy chục năm trở lại đây chưa năm nào mất mùa diện rộng như năm vừa rồi, hết thiên tai rồi bão lũ khiến nông nghiệp mất mùa, ong cũng không thể lấy mật.

Anh Cao Ngọc Hoàn ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã gắn bó với nghề nuôi ong du mục được nhiều năm
Theo anh Cao Ngọc Hoàn chia sẻ về quy trình chăm sóc đàn ong du mục, cần phải trải qua rất nhiều công đoạn, để đàn ong được khỏe mạnh. Vào mùa đông ngoài miền Bắc ong không chịu được lạnh nên bản thân thường phải di chuyển ong xuống miền Nam để tránh rét hoặc tìm kiếm vùng nguyên liệu mới để ong được lấy mật.
“Đặc biệt trước khi vào mùa vụ lấy mật, mình phải có sự chuẩn bị chăm sóc kỹ lưỡng hết tốc độ có thể, để khi đến vào vụ mùa hoa ong chỉ việc khai thác. Nếu tính toán không tốt, đến mùa hoa, ong không kịp phát triển, không lấy được mật tốt”- anh Hoàn nói.
Để đảm bảo vụ mùa được thắng lợi, trước mỗi trận đánh mình phải có sự chuẩn bị tốt từ nguồn hoa, thời tiết ở khu vực đó ra sao, khí hậu nguồn nước kèm thảm thức vật ở đó có phong phú hay không. Vì nếu không có sự khảo sát kỹ mà vội mang ong tới đó lấy mật ngay, có thể gây chết đàn ong do người nông dân bước vào vụ phun thuốc phòng trừ sâu bệnh.

Các vườn vải đều bung nở, thu hút hàng trăm đàn ong đổ lấy mật.

"Với 700 đàn ong, mỗi vụ mùa mật ong hoa vải cho sản lượng từ 15 – 17 tấn mật"- anh Hoàn thông tin.
Nói về chất lượng mật ong tốt, thì khâu đầu vào khai thác phải được đảm bảo theo đúng quy chuẩn của nó. Nếu lấy mật non không đủ ngày cũng ảnh hưởng rất lớn đển chất lượng, khiến mật loãng không giữ được lâu ngày rất dễ hỏng.
Chia sẻ về phương hướng bán hàng trong xu hướng hiện đại, anh Hoàn cho biết, thường thì những người nuôi ong chỉ bán mật hoa thông thường cho các thương lái. “Nắm bắt được thị hiếu người dùng hiện đại thích lấy mật ong nguyên bản từ sáp. Khi mình thu hái mật mình sẽ chọn lựa những bầu mật nào tốt, đẹp mắt rồi đóng gói cẩn thận rồi chuyển giao cho đơn vị vận chuyển hoặc chuyển phát nhanh tới tận tay người tiêu dùng để trực tiếp thực hiện các quy trình làm ra sản phẩm ong hoàn chỉnh”- anh Hoàn thông tin.

A Hứa Văn Thao thôn Thác Lười, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang
A Hứa Văn Thao thôn Thác Lười, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết, gia đình có khoảng 400 đàn ong, mỗi tuần lấy được khoảng 2 tấn mật. Do năm nay, thời tiết thuận lợi, sản lượng mật ong hoa vải trúng vụ hơn so với năm ngoái.
“Bước vào mỗi vụ mật ong hoa vải cho gia đình thu nhập khoảng 300 – 400 triệu đồng, giúp đời sống nhân dân của bà con nơi đây ngày một khấm khá hơn”- anh Thao nói.
Theo số liệu thống kê năm 2025, toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 29.700 ha vải thiều, sản lượng ước đạt 165.000 tấn. Trong đó, diện tích vải sớm 8.000 ha, vải chính vụ 21.700 ha.
Với diện tích sản xuất vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là 16.000 ha, sản lượng 116.000 tấn; vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP duy trì diện tích 153 ha đã được cấp chứng nhận. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp đến ký hợp đồng thu mua, phục vụ xuất khẩu với bà con nông dân - Dự báo một mùa vải thiều được mùa, được giá.
Một số hình ảnh quy trình lấy mật ong của người dân xã Tân Sơn được phóng viên Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam ghi lại:

Năm nay thời tiết thuận lợi, hoa vải nở đều nên sản lượng và chất lượng mật ong đạt chất lượng tốt.

Vào mùa hoa vải, với 400 đàn ong gia đình anh Hứa Văn Thao có thể thu hoạch được khoảng 2 tấn mật/tuần.

Khi lấy mật, người thợ phải đeo găng tay, đội mũ trùm đầu và dùng vòi phun sương được pha với sê sủi, giúp tạo chất vitamin C, làm ướt cánh ong khi mở thùng nhằm hạn chế ong bay nhiều.

Người dân xịt khói để đàn ong để chui xuống mới có thể thu hoạch

Mỗi khay ong lần lượt được kiểm tra lượng mật trên bề mặt sáp.

Trong quá trình thu hoạch, người dân dùng cây chổi vải mềm loại bỏ những con ong đậu trên bề mặt sáp và bỏ bụi, sương đọng.


Những khay sáp ong lần lượt được chuyển ra khu vực quay lọc mật.

Mỗi mẻ quay mật có hơn 20 khay sáp được xếp ngay ngắn trong chiếc phuy tự chế, bên dưới có chiếc van lớn để mật chảy ra ngoài.


Mật ong hoa vải màu vàng óng, gần giống màu hổ phách, sánh quyện và thơm mùi hương hoa sẽ được đóng gói, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của thị trường.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/mat-ong-hoa-vai-o-bac-giang-duoc-mua-duoc-gia-post1193942.vov