Mật ong mùa hạn

Chú Sáu tôi nói với Tâm mùa hạn này mà vắt mật ong thì đã tay phải biết. Mật thơm ngon, sóng sánh, sền sệt mượt mà chảy ra từ đôi bàn tay bóp chặt tảng mật. Tâm háo hức nên không đợi cơm nước xong xuôi, đã giục chú tôi xuống chiếc xuồng nhỏ neo dưới bến lá dừa nước. Chú ngồi sau bơi xuồng, Tâm ngồi trước, vén lá dừa nước hai bên bờ phủ rợp lòng sông.

Chiếc xuồng nhỏ lướt băng băng trên con sông quê hiền hòa về phía rừng. Thoảng có ai đứng bên bờ nhìn xuống, Tâm cười tươi rói. Biết Tâm lần đầu về quê chơi, ai cũng thương. Mấy ngày Tâm ở quê, hàng xóm có gì ngon cũng í ới gọi tôi sang đem về cho Tâm ăn lấy thảo, đến nỗi tôi phải... ghen tị.

 Minh họa: Hiền Nhân.

Minh họa: Hiền Nhân.

Má nói lâu lắm nhà mình mới có khách, Tâm lại là người thành phố, phải tiếp đãi sao cho tử tế. Tôi cười, với ai cũng vậy, chân thành là đủ. Tâm cũng chẳng cần chi những hoa mỹ, đủ đầy. Huống chi Tâm cũng từng là trẻ quê, lớn lên ở vùng sông nước này. Cuộc đời đẩy đưa, đớn đau có, hạnh phúc cũng có, Tâm được đi nhiều nơi, đến nhiều nước và tiếp xúc với những nền văn hóa khác. Điều mà tôi quý ở Tâm là luôn hướng về cội nguồn, về Tổ quốc mình. Tâm vẫn ước ao một ngày nào đó sẽ về thăm quê tôi, ở lại vài ngày, đi câu cá, lấy mật ong, và những đêm mưa lại xách đèn đi ra bờ ruộng để soi ếch, nhái... Dễ ợt chứ gì! Biết Tâm trống lịch vài ngày, tôi đưa Tâm về lập tức. Châm ngôn của tôi là cuộc sống tranh thủ được lúc nào hay lúc đó, có những muộn màng khiến con người ta phải tiếc nuối suốt một đời.

Tâm đi rừng với chú, tôi ở nhà với má, hì hục chuẩn bị cơm nước. Tôi về chơi má đã vui, có Tâm về má càng vui hơn. Má xem Tâm như con cái trong nhà, kể cho Tâm nghe biết bao nhiêu là chuyện. Má tôi ra sau nhà hái một rổ mồng tơi non. Sau mưa, mồng tơi lên lá non nhiều vô kể. Tôi trút cá trong giỏ ra rổ, cá lóc đồng nấu với rau mồng tơi, một ít đem kho tiêu, mắm chưng trứng vịt. Toàn những món “đặc sản” của người quê vùng sông nước cả. Độ chừng nắng lên, chú Sáu với Tâm bơi xuồng về. Thấy Tâm hí hửng từ dưới bến lá dừa nước đi lên là đủ biết hôm ấy bội thu. Chú tôi khéo léo nâng tảng ong đầy mật ngọt sánh đặc lên nhà, giọng rổn rảng:

- Chị Hai rửa tay sạch sẽ ra vắt mật ong đi này. Mật ong mùa hạn hết chỗ chê.

Tôi đem thau chậu ra, má tôi rửa tay bằng xà bông kỹ càng chuẩn bị vắt mật. Như lời chú tôi nói, mật ong rừng phải tự tay mình vắt mới ngon, vắt bằng máy hoặc đeo găng tay, mật có vị lạ lắm.

Hai chú cháu Tâm ngồi ngoài thềm nhà thở như mới đánh trận về. “Thấy sao? Anh bạn” - Tôi hỏi.

- Đã lắm! Nhìn tảng ong nặng trĩu trên cây kèo đã con mắt.

- Thằng này biết lựa lúc về đây ghê! Ngay mùa hạn, mật ngon, đố nhân sâm hay nhung hươu sánh kịp - Chú tôi xởi lởi, trêu.

Còn tôi ngồi đấy phụ má vắt mật. Má cắt nhỏ tảng mật, để giữa hai lòng bàn tay rồi đan chặt vào nhau ép những giọt mật vàng sóng sánh tươm ra, chảy xuống chậu. Tôi đưa tay chấm vào tảng ong rồi nếm thử. Mật ngọt thanh, ngọt tận ruột gan, thơm nồng mùi hoa tràm, mùi của rừng, của sông nước miệt vườn quê mình, của những thăng trầm đời ong để dâng lên cho người những giọt mật thơm ngon.

Thế là Tâm đã thỏa khát vọng một ngày nào đó được trải nghiệm giữa vùng sông nước, rừng rú, hiểu thêm những đặc trưng văn hóa và con người nơi đây, đặc biệt là nghề gác kèo ong mà trong ký ức của Tâm, ngày xưa, xưa lắm... tía mình cũng từng lang bạt giữa những cánh rừng tràm xa xôi này để gác kèo đợi mật. Tâm không nhớ rõ mặt mũi của tía ra sao vì từ nhỏ đã theo má lên thành phố. Má Tâm - người phụ nữ có cốt cách sang trọng, quyền quý, không chịu được cảnh sống nơi rừng sâu, nước độc đã giã từ chồng, dẫn Tâm lên lên thành phố tìm kế đổi đời. Sau này, hồi ức về tía trong Tâm không nhiều nhưng Tâm vẫn ước ao một ngày nào đó sẽ gặp lại để ôm tía thật chặt, để xoa dịu phần nào những thương tổn mà má đã để lại trong tâm hồn của tía, để nếm những giọt mật mà tía chắt chiu suốt mùa, ngọt ngào như tấm lòng của tía dành cho má, cho Tâm.

- Nhìn chú Sáu, con thấy giống tía con quá! Trong tưởng tượng của con, tía cũng y như chú Sáu vậy. Tía hiền lành, chất phác, lại yêu thiết tha những cánh rừng này. Tự dưng Tâm nói vậy. Tôi ngừng tay, nhìn Tâm, lòng xác xao như có gió, nhất là khoảnh khắc thấy mắt Tâm rưng rưng như có nước.

- Đâu, con thử tả lại mặt mũi, hình hài tía con cho chú Sáu coi coi, biết đâu chú đã từng gặp rồi. Bạn gác kèo ong của chú thì nhiều lắm mà giờ người thì bỏ nghề, người thì đi xứ khác mưu sinh hết cả rồi! - Chú tôi tâm sự.

Những cánh rừng ở vùng sông nước này dần dần bị thu hẹp. Phần vì trồng rừng phải đợi nhiều năm mới thu hoạch được, giữa thời buổi kinh tế thị trường, việc phá rừng để nuôi tôm sẽ mang lại thu nhập cao hơn, giúp người dân thoát nghèo. Phần vì một năm nọ, cách đây không lâu, giữa mùa hạn khô nóng, một ngọn lửa hung dữ đã cướp đi nhiều diện tích rừng. Những chồi non còn lại chết dần chết mòn. Đất trọc. Tôi đã từng xót xa khi đứng trước cánh rừng trơ trọi cạnh con đường bê tông dẫn vào xóm xa xôi, hồi tưởng về màu xanh bất tận, tôi thấy quê hương mình đã thay đổi ít nhiều, có điều tích cực và cả những điều đáng buồn. Những giấc mơ của tôi từ đó hoen màu cỏ úa.

Tâm kể chuyện hồi lâu. Má tôi cũng buồn hiu hắt theo câu chuyện của nó. Những giọt mật đương chảy tràn như bị nghẹn ứ. Tâm không nhớ gì nhiều về tía, cả khuôn mặt, giọng nói cũng không nhớ. Hồi ấy Tâm quá nhỏ, chỉ nhớ mỗi giọt mật ngọt ngào tía mang về sau mỗi chuyến đi rừng. Sau này nhắc lại, má Tâm khóc rồi nói mình tệ quá, vì mơ mộng hão huyền mà để Tâm mất đi một người cha tốt, để Tâm lớn lên trong nỗi thiếu thốn tình thương. Tôi nhìn Tâm, rồi nhìn má, bỗng tôi nhớ ba mình quá. Ba cũng ra đi trong một chiều nắng đẹp. Đi làm đồng về, ba ghé tai tôi thủ thỉ: “Chiều con ra ngoài bờ sông Cái thả diều với ba”. Ba ghé sang má đang ngồi vá áo bên song cửa, cười một cái rồi ra sau nhà, chỗ mái hiên có tán ổi nếp chín thơm phủ rợp ngủ một giấc... Rồi ba đi luôn... Cánh diều năm xưa vĩnh viễn không bay lên được bầu trời xanh thẳm.

Tôi đứng giữa vườn cỏ xanh, ngước lên trời cao và thoáng thấy ba con tôi đang bay giữa bầu trời. Khi ấy, tâm hồn tôi phiêu bồng, dường như tôi đang bay lơ lửng giữa không trung đến một miền cỏ hoa xa xôi lắm... Tôi và Tâm giống nhau ở chỗ: Chúng tôi đều thiếu vắng tình thương của ba. May mắn hơn Tâm, ba đã để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp. Má tôi cũng ở vậy suốt đời vì một lòng một dạ dành cho ba. Chú Sáu tôi ở bên kia sông vẫn thường ghé qua nhà, cái mái lá hư, cây dừa gãy đọt lòa xòa dưới bến nước chú cũng một tay dọn dẹp cho quang quẻ. Chú như người ba thứ hai của tôi vậy.

Sau lần này, Tâm sẽ sang nước ngoài, nghe đâu Tâm định cư hẳn bên đó. Còn má Tâm sẽ sống trọn đời với người đàn ông đã lo lắng cho bà và Tâm từ ngày hai má con bồng bế nhau lên thành phố. “Xa xứ, điều mà ông tiếc nuối nhất là gì?” - Có lần tôi hỏi. Không nghĩ ngợi, Tâm đáp: “Chắc là tôi chưa có dịp gặp lại ba, để tôi được làm tròn bổn phận người con”. Tâm nghẹn lại. Tôi an ủi. Giữa đô thành rộn rã tiếng cười, sau lớp hào nhoáng bên ngoài vẫn có những nỗi niềm xót xa sâu kín như Tâm, như tôi vậy.

- Thử tí mật mùa hạn đi con - Chú tôi nói, hướng về phía Tâm.

Tâm đưa tay quệt ít mật đưa lên miệng nhấm nháp. Mật thơm cả tâm hồn. Tôi biết giọt mật ấy có ý nghĩa lắm đối với Tâm, ngọt như tấm lòng của tía Tâm dành cho Tâm và tình yêu thiết tha của Tâm dành cho tía vậy.

- Hết năm nay, chú cũng bỏ nghề gác kèo, mấy đứa à!

Tôi ngạc nhiên. Má tôi cũng ngừng tay nhìn chú Sáu.

- Sao vậy, chú sắp nhỏ? - Má tôi hỏi.

- Tôi mệt rồi, chị Hai. Bắt bầy ong hút nhụy làm mật cho mình hoài, tụi nó cũng mỏi cánh chứ? - Chú cười, mà mắt buồn sâu thẳm.

Phải rồi, thứ gì của thiên nhiên chú sẽ trả về cho thiên nhiên. Để bầy ong tự do tung cánh, muốn đi đâu thì đi, khi nào cho mình mật thì mình nhận. Chú không ép chúng nữa. Bầy ong cũng có bầu trời tự do của riêng mình. Trời nắng chang chang, nhìn chậu mật sóng sánh màu hổ phách, tôi thấy trong đó cả một trời ký ức của mình. Tôi biết Tâm cũng thấy trong đó hình hài của tía mà năm nào Tâm đã không kịp lưu giữ trong tâm hồn để khi nhớ lại hồi tưởng và ngắm nghía. Tâm đăm chiêu nhìn xuống dòng sông có lá dừa nước phủ rợp hai bên, nhìn xa xa về phía cánh rừng tràm xanh mướt mát giữa màu nắng vàng. Hình như Tâm đang nghĩ về điều gì đó, hoặc Tâm đang thấy bóng hình ai đó lững thững bơi xuồng trên dòng sông nắng đổ. Khuôn mặt ấy, vóc hình ấy rõ dần, rõ dần, cho đến khi Tâm thấy những giọt mồ hôi chứa chan trên khuôn mặt sao thân thương quá. Tâm nhìn tôi. Tôi nhìn má.

- Ông ấy đi lấy mật về kia kìa! - Má tôi thỏ thẻ.

- Ai vậy, má? - Tôi hỏi.

- Ông Út. “Út kèo ong”! Ổng sống bằng nghề này mấy chục năm rồi. Tội nghiệp, thân già đơn chiếc, thương lắm mấy đứa à!

Tôi nhìn theo bóng dáng ông Út đầy cảm thương. Còn Tâm, tôi thấy bạn mình ứa nước mắt. Như sợ đánh mất điều gì quý giá lắm, Tâm vụt chạy theo trong sự ngỡ ngàng của má và chú Sáu tôi. Rồi như chợt hiểu ra điều gì, má tôi đứng dậy, nhìn theo, lẩm bẩm:

- Trái Đất thiệt tròn!

Đến bây giờ tôi mới tin rằng câu nói đó là đúng...

Truyện ngắn của Hoàng Khánh Duy

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/mat-ong-mua-han-085450.bbg