Mắt thần trên biển Tây Nam

Từ lâu, đảo Hòn Khoai (thuộc địa phận xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) đã được coi là nơi có vị trí chiến lược quan trọng về chủ quyền biển đảo cũng như quốc phòng. Trên hòn đảo đặc biệt này có ngọn hải đăng cổ hơn trăm năm tuổi, được người dân nơi đây ví như mắt thần của biển đảo Tây Nam.

Hơn 100 năm sừng sững giữa biển trời

Trong một dịp đặc biệt, đoàn chúng tôi theo chân cán bộ chiến sĩ Vùng 5 Hải quân đến với đảo Hòn Khoai, một hòn đảo xinh đẹp, nằm cách đất liền độ 15km với diện tích chỉ rộng vỏn vẹn khoảng 4km2. Đảo có địa thế hiểm trở, bốn bề bao quanh là biển, không có cầu cảng để thuyền lớn có thể tiếp cận. Đặc biệt, vào cuối tháng 12, sóng ở đây khá lớn, biển động, muốn lên được đảo phải di chuyển qua hai lần ghe nhỏ.

Hiện, trên đảo có rất ít cư dân, chủ yếu là người dân làm nghề biển, nuôi cá trên biển quanh khu vực Hòn Khoai. Họ dựng nhà nổi ven đảo sinh sống ngắn ngày, tùy theo mùa nước lên xuống chứ không định cư lâu dài trên đảo.

Đảo hiện nay chỉ có các đơn vị quân đội, gồm những người lính biên phòng, hải quân… đóng quân. Ngoài ra chính là những cán bộ của Trạm hải đăng Hòn Khoai, trực thuộc Tổng Công ty bảo đảm hàng hải miền Nam công tác trên đảo.

Đoàn công tác lên thăm các các bộ, chiến sĩ trên đảo và trạm hải đăng Hòn Khoai (Ảnh: Lê Thắm)

Đoàn công tác lên thăm các các bộ, chiến sĩ trên đảo và trạm hải đăng Hòn Khoai (Ảnh: Lê Thắm)

Điều lạ lùng là dù nằm không quá xa đất liền nhưng hiện nay, đường đi trên đảo Hòn Khoai rất khó khăn với những cung đường mòn đất đá lởm chởm. Để tới được ngọn Hải đăng cổ, sau khi đặt chân lên đảo đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình với gần 4km đường rừng, có nhiều đoạn dốc gần 45 độ, một bên là vực sâu, một bên là đồi núi cao vợi. Một vài phụ nữ trong đoàn được các chiến sĩ “ưu ái”, chở “tăng bo” bằng xe gắn máy. Tuy nhiên, vẫn phải đi bộ gần 1km đường rừng mới đến được ngọn hải đăng…

Khoảng 10h, đoàn bộ hành cũng đặt chân tới trạm hải đăng sau hơn 2 tiếng đồng hồ di chuyển trên cung đường mòn dốc dứng. Hải đăng Hòn Khoai được Pháp xây dựng từ năm 1899. Dù đã tồn tại hơn 100 năm nhưng kiến trúc của nó gần như vẫn được giữ nguyên vẹn. Điểm khác biệt duy nhất có lẽ là người ta đã dưng thêm tấm bia tưởng niệm và ghi lại vắn tắt về cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai và người anh hùng Phan Ngọc Hiển.

Hải đăng Hòn Khoai là là một trong những công trình đèn biển có mặt sớm nhất tại hải phận Việt Nam và là một trong những ngọn hải đăng nằm trong hệ thống đèn biển Cần Giờ - Côn Đảo - Hòn Khoai - Phú Quốc để chiếu sáng cho tàu biển đi lại trên biển Đông.

Trạm hải đăng Hòn Khoai (Ảnh: Lê Thắm)

Trạm hải đăng Hòn Khoai (Ảnh: Lê Thắm)

Trạm trưởng Trạm hải đăng Hòn Khoai Phạm Huy Thiệp chia sẻ: Ngọn hải đăng này chỉ cao khoảng 16m nhưng thực tế, vì nằm trên đỉnh núi nên có tầm nhìn xa rất lớn. Bán kính khoảng 20 hải lý, tức là gần 40 cây số, tàu bè vẫn có thể quan sát thấy đèn trên hải đăng. Có lẽ vì thế, mà bao năm qua, hải đăng Hòn Khoai là người bạn tin cậy của hàng ngàn tàu bè trong vùng.

Hiện, ngọn hải đăng Hòn Khoai thuộc quản lý của Bộ Giao thông Vận tải và có tổng số 6 cán bộ đang làm nhiệm vụ. Do điều kiện giao thông đi lại khó khăn nên các cán bộ ở đây dù ở cách gia đình không xa nhưng ít khi có cơ hội về thăm nhà. Bởi, từ đảo muốn đi về về đất liền thì có đi nhờ ghe của bộ đội, hoặc ngư dân nếu thuận lợi.

Có lẽ, chỉ những ai từng đi biển và từng trải qua những khoảnh khắc mưa giông, bão tố, đêm đen giăng kín trên biển mới cảm nhận ý nghĩa của những ngọn hải đăng. Đó không chỉ là đốm sáng nhỏ bé mà đôi mắt thần chỉ đường, là kim chỉ nam để có định hướng giữa hiểm nguy. Chính vì thế mà bao thăng trầm biến đổi, hơn một thế kỷ đi qua ngọn hải đăng Hòn Khoai vẫn sừng sững tỏa sáng giữa biển trời Tây Nam như vậy.

Lịch sử hào hùng

Không chỉ có ý nghĩa là đôi mắt thần chỉ đường cho tàu thuyền hàng trăm năm qua, ngọn hải đăng trăm tuổi cũng như chính hòn đảo nhỏ bé này còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người dân Hòn Khoai. Bởi nơi đây gắn liền với cuộc khởi nghĩa do nhà báo, thầy giáo Phan Ngọc Hiển khởi xướng cách đây hơn 80 năm về trước.

Tại tháp hải đăng này, ngày 13/12/1940, chiến sĩ cách mạng Phan Ngọc Hiển lãnh đạo quân chiếm ngọn hải đăng cũng như căn cứ Hòn Khoai từ tay chính quyền thực dân Pháp, ghi mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.

Trạm hải đăng Hòn Khoai gắn liền với cuộc khởi nghĩa do nhà giáo Phan Ngọc Hiển đứng đầu (Ảnh: Lê Thắm)

Trạm hải đăng Hòn Khoai gắn liền với cuộc khởi nghĩa do nhà giáo Phan Ngọc Hiển đứng đầu (Ảnh: Lê Thắm)

Sau gần 80 năm đi qua, cuộc khởi nghĩa này vẫn là niềm tự hào của người dân, chính quyền tỉnh Cà Mau. Mặc dù nhanh chóng bị giặc Pháp dập tắt và bắt giam nhưng khởi nghĩa Hòn Khoai cũng đánh dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến nổi dậy chống ngoại xâm của người dân Cà Mau nói riêng và người dân miền Tây Nam Bộ nói chung.

Về sau, ngày khởi nghĩa Hòn khoai 13/12/194, được chọn làm Ngày truyền thống cách mạng của Đảng bộ, quân và dân Cà Mau anh hùng. Ngày 27/4/1990, Hòn Khoai được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

Hiện nay, tên người anh hùng Phan Ngọc Hiển cũng được đặt cho một đơn vị hành chính cấp huyện. Đó là huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Và đây cũng là người anh hùng hiếm hoi được đặt tên cho một đơn vị hành chính cấp huyện ở nước ta hiện nay. Đến nay, ngọn hải đăng và địa danh Hòn Khoai vẫn là một nơi trang trọng mà người dân Cà Mau luôn tự hào khi nhắc tới.

Cuối buổi chiều, đoàn chúng tôi rời khỏi đảo hòn khoai, ai cũng cố ngoái đầu nhìn lại để lưu giữ lại hình ảnh hòn đảo xinh đẹp ấy mãi cho tới khi ngọn hải đăng cũng chỉ còn lại một chấm nhỏ giữa biển trời mênh mông.

Tôi tự nhủ rằng nếu có cơ hội, nhất định sẽ dẫn bạn bè về thăm lại hòn đảo và thăm ngọn hải đăng đặc biệt này. Ngọn hải đăng hơn một thập kỷ qua vẫn luôn là người bạn đồng hành, là nguồn sáng của vô vàn tàu bè giữa “điểm nối” của vùng biển Đông và biển Tây, ngay nơi cuối trời Tổ quốc.

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/mat-than-tren-bien-tay-nam-102899.html